(SGGP). – Sáng 9-3, tại Bạc Liêu, Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức lễ thông xe đường Nam sông Hậu. Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng về dự và phát lệnh thông xe.
Dự án đường Nam Sông Hậu với điểm đầu Km0 giao với Quốc lộ 1A thuộc địa phận thành phố Cần Thơ và điểm cuối giao với Quốc lộ 1A tại Km2178+235 thuộc địa phận thành phố Bạc Liêu. Tuyến đường đi qua 4 tỉnh, thành phố: Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu với tổng mức đầu tư dự án là 3.296 tỉ đồng (bằng nguồn vốn trái phiều Chính phủ) được khởi công xây dựng từ năm 2005. Quy mô đường theo tiêu chuẩn cấp III đồng bằng, mặt bê tông nhựa. Ngoài phần đường, các hạng mục của dự án có 39 cầu vượt sông trên toàn tuyến (gồm 6 cầu nhịp lớn, 10 cầu lớn và 23 cầu trung và nhỏ).
Hiện nay, dọc theo bờ Nam sông Hậu, hàng loạt dự án công nghiệp đã và đang hình thành, mở ra hướng phát triển mới cho vùng đất này. Ngày 5-1- 2011 vừa qua, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã khởi công xây dựng công trình Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, tổng công suất 1.200MW, do PVN làm chủ đầu tư tại xã Long Đức (Long Phú, Sóc Trăng). Trước đó, tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang, PVN và UBND tỉnh Hậu Giang cũng đã khởi công dự án cơ sở hạ tầng Trung tâm Điện lực Sông Hậu - giai đoạn 1.
Trung tâm Điện lực Sông Hậu có quy mô công suất khoảng 5.200MW, là trung tâm điện lực lớn nhất Việt Nam đến nay. Ngoài ra, đoạn đường 8 km qua địa bàn tỉnh Hậu Giang còn có nhiều dự án lớn đang được triển khai với vốn đầu tư lên đến hàng tỉ USD; các khu đất từ cảng Cái Cui về tới trung tâm thành phố Cần Thơ đã không còn chỗ trống.
Phát biểu tại lễ thông xe, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Tuyến đường sẽ tạo điều kiện cho việc giao lưu hàng hoá giữa các tỉnh Tây Nam Bộ với khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam. Tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế- xã hội, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Phó thủ tướng yêu cầu chủ đầu tư tiếp tục hoàn thành giai đoạn tiếp theo của công trình, đồng thời các địa phương có đường Nam Sông Hậu đi qua quản lý, phát huy tốt hiệu quả mà công trình mang lại”.
Đường Nam Sông Hậu sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải và đi lại của nhân dân trong vùng, là động lực góp phần thúc đẩy kinh tế xã hội của khu vực phía Nam bờ sông Hậu và khu vực ven biển từ cảng Trần Đề tỉnh Sóc Trăng đến tỉnh Bạc Liêu, tạo thêm điều kiện thu hút đầu tư đối với Đồng bằng Sông Cửu Long.
MINH TRƯỜNG