Chỉ cách giờ bóng lăn trận khai mạc vài tiếng đồng hồ, không khí ở thành phố (Vienna, Áo) vẫn tỏ ra khá yên tĩnh. Người ta chỉ cảm nhận được một chút hơi thở Euro khi có vài chiếc ô tô cắm quốc kỳ Áo lướt qua, hay bắt gặp những cửa hàng được trang trí bằng những lá cờ sặc sỡ của các quốc gia dự Euro. Đối với một số người hâm mộ bóng đá cuồng nhiệt hiếm hoi, cái không khí tẻ nhạt này thật là quá sức chịu đựng...
Để chuẩn bị cho Euro 2008, chính phủ Áo đã làm rất nhiều việc. Họ đã kéo dài tuyến tàu ngầm U2 đến tận các SVĐ. Ngoài ra, họ còn xây dựng nhiều khu vực dành riêng cho người hâm mộ bóng đá nằm rải rác trong trung tâm thành phố. Vì lý do an ninh, để vào những khu vực CĐV, người xem chỉ được mang theo ví tiền, chìa khóa, điện thoại, nước uống thì chỉ được chứa trong những túi giấy và không được nhiều quá 0,33 lít. Ngay cả ô cũng không được mang vào.
Bóng đá không phải là môn thể thao vua ở Áo, mà là những môn thể thao mùa đông (họ thường dành thành tích cao ở những môn này). Bóng đá với người Áo? Hãy nhìn vị trí của họ trên bảng xếp hạng FIFA. Họ thường đứng ngoài tốp 100, nhờ trận hòa 1-1 với Nigeria và trận đại thắng 5-1 trước đội bóng đàn em Malta mà họ may mắn lên được vị trí thứ 92. Bởi vậy, không thể trách được người dân Áo là không hâm mộ bóng đá quê nhà.
Cộng đồng người Việt ở Áo không nhiều và lại phân bố rải rác. Bởi vậy mọi người cũng khó mà tập trung để xem bóng đá cùng nhau. Vì sự cách biệt ngôn ngữ nên nhiều người Việt cũng không thể cập nhật được những tình hình mới nhất về bóng đá thế giới. Ở Áo, để xem được những trận bóng hấp dẫn của những giải bóng đá sôi động như của Anh, Ý, Tây Ban Nha... người ta phải trả thêm 1 khoản lệ phí khoảng 20 euro/tháng. Còn tin tức trên Internet thì không phải ai cũng có điều kiện để cập nhật. Bởi vậy, tình cảm với bóng đá của người Việt ở Áo cũng có phần giảm sút. Nhưng dù sao Euro cũng vẫn là sự kiện lớn, nên trong những lần giao lưu với nhau, người Việt (đặc biệt là giới sinh viên) vẫn bàn tán về quả bóng rất sôi nổi!
Có nhiều người Áo thậm chí còn không hài lòng với những gì đang diễn ra – những trận đấu đang làm náo động cuộc sống yên tĩnh thường nhật của người Áo. Để tạo ra khu vực CĐV, chính quyền địa phương đã phải cấm 1 số tuyến đường, do vậy người dân phải từ bỏ thói quen đi đường quen thuộc. Ngoài ra, lượng CĐV đông đảo đang đổ về Áo cũng gây khó chịu cho người Áo, nhất là những người cao tuổi, những người thích sự yên bình vốn có của thành phố cổ kính này.
Euro còn gây khó chịu cho phụ nữ, những người chẳng may có chồng hay bạn trai là người đam mê bóng đá. Người ta thống kê được rằng, số lượng các đôi tình nhân tổ chức lễ cưới vào tháng 6 đã giảm 30% so với năm ngoái. 75% đàn ông được hỏi đã trả lời là sẽ chọn bóng đá thay vì làm chuyện đó trong thời gian diễn ra Euro. Điều đó có nghĩa là gì? Là vẫn còn nhiều CĐV mê bóng đá, nhưng... không mê tuyển Áo.
VIẾT THÁI