Thu hút đầu tư vào Bà Rịa – Vũng Tàu - Những luồng gió mới

Thu hút đầu tư vào Bà Rịa – Vũng Tàu - Những luồng gió mới

Cách đây nhiều năm, nói đến lĩnh vực thu hút đầu tư ở nước ta, Bà Rịa - Vũng Tàu ít được nhắc tới dù có nhiều lợi thế, nhất là tiềm năng phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, trong 5 năm gần đây, Bà Rịa – Vũng Tàu nổi lên như là một hiện tượng giữa thời kỳ suy thoái kinh tế.

Những con số ấn tượng

Theo báo cáo của Sở KH-ĐT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, trong 5 năm 2006 - 2010, tỉnh đã cấp mới 196 giấy chứng nhận đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 24,258 tỷ USD, nâng tổng số dự án đầu tư trên toàn địa bàn lên 280 dự án với tổng vốn đăng ký khoảng 27 tỷ USD. So với chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IV đề ra thì đã vượt gấp đôi số dự án và vượt trên 10 lần số vốn đăng ký so với chỉ tiêu.

Khách du lịch thưởng thức món trứng luộc bằng nước khoáng nóng tại Khu du lịch Bình Châu.

Khách du lịch thưởng thức món trứng luộc bằng nước khoáng nóng tại Khu du lịch Bình Châu.

Các dự án tập trung chủ yếu trên hai lĩnh vực du lịch và công nghiệp. Không chỉ tăng về vốn đăng ký mà nguồn vốn thực hiện từ các dự án đầu tư nước ngoài đạt 3,39 tỷ USD, vượt 650 triệu USD so với chỉ tiêu đề ra và gấp 1,5 lần so với giai đoạn 2001 - 2005. Qua thống kê, các dự án đầu tư nước ngoài chiếm 60% tổng vốn đầu tư, 50% giá trị kim ngạch xuất khẩu, đóng góp 20% - 30% thu ngân sách nhà nước và tạo ra việc làm mới cho hơn 20.000 lao động. Đây quả là những con số rất ấn tượng và Bà Rịa - Vũng Tàu được Trung ương đánh giá là một trong những địa phương thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài cao nhất nước.

Nếu các dự án đầu tư nước ngoài tập trung nhiều ở lĩnh vực du lịch thì giới đầu tư trong nước lại tập trung chủ yếu vào lĩnh vực cảng biển, khu đô thị, hạ tầng công nghiệp như dự án Khu Công nghiệp Dầu khí Long Sơn (3.309 tỷ đồng), Nhà máy đóng tàu An Phú (2.810 tỷ đồng), Khu đô thị Châu Đức (1.237 tỷ đồng), Khu du lịch Núi Lớn - Núi Nhỏ (1.400 tỷ đồng). Nếu phân theo địa bàn, huyện Tân Thành dẫn đầu với 127 dự án, tổng vốn đầu tư 86.357 tỷ đồng, chiếm 63,5% nguồn vốn đầu tư; kế đến là TP Vũng Tàu với 76 dự án, tổng vốn 24.099 tỷ đồng.

Điểm nhấn trong bức tranh thu hút đầu tư vào Bà Rịa - Vũng Tàu 5 năm qua chính là triển khai được một loạt các dự án lớn; tạo nên sự lan tỏa về đầu tư vốn - công nghệ - trình độ quản lý, tạo việc làm cho người lao động; thúc đẩy sản xuất tăng trưởng với trình độ phát triển cao góp phần quan trọng vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và đảm bảo an sinh xã hội.

Đâu là bí quyết?

Trước tiên, đó là thuận lợi về vị trí địa lý khi Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ cách TPHCM hơn 100km, lại nằm trong khu kinh tế trọng điểm phía Nam, có bờ biển dài, được sự thừa hưởng của ngành công nghiệp dầu khí… Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là tại sao cũng những tiềm năng tự nhiên - xã hội ấy nhưng nhiều năm liền tỉnh không thu hút được nhiều dự án đầu tư và cũng không có các dự án lớn có vốn đầu tư lên đến cả tỷ USD như gần đây?

Theo đánh giá ngành chức năng, sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã phần nào tác động tích cực vào tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn cả nước cũng như trên địa bàn Bà Rịa - Vũng Tàu. Nếu năm 2007, Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ thu hút được 1,4 tỷ USD, đến năm 2008 tỉnh đã thu hút được số vốn kỷ lục với 11,6 tỷ USD.

Một số doanh nghiệp đang làm ăn trên địa bàn cho biết, lãnh đạo tỉnh rất quyết tâm trong chỉ đạo thực hiện, quan tâm và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho nhà đầu tư. Bà Lê Ngọc Quỳnh, Giám đốc điều hành Khu du lịch Hồ Tràm Beach, nói: “Lý do chọn đầu tư ở đây là bờ biển dài, cát trắng, từ tháng 11 trở đi khi nơi khác biển động thì ở đây nước vẫn trong xanh. Ngoài ra, khi chúng tôi đầu tư du lịch trên địa bàn xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã hỗ trợ hạ thế đường điện, kéo đường dây điện thoại…”.

Bà Lê Kim Hương, Giám đốc Sở KH-ĐT tỉnh cho biết thêm: “Quan điểm của tỉnh là động viên các doanh nghiệp, cùng tháo gỡ khó khăn, cùng bàn bạc giải quyết vướng mắc, nhất là tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài”.

Mặc dù đã đạt được những con số ấn tượng như trên nhưng do có sự tập trung các dự án lớn được cấp phép trong thời gian diễn ra khủng hoảng tài chính nên cũng ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các nhà đầu tư. Đặc biệt, một nguyên nhân cơ bản ảnh hưởng đến tiến độ vốn góp của các dự án là do công tác giải phóng mặt bằng chậm xuất phát từ quá trình sử dụng đất chưa được quản lý pháp lý hóa và do Nhà nước liên tục thay đổi chính sách về đất đai dẫn đến khiếu kiện và địa phương không thể giao đất sạch theo đúng tiến độ cam kết.

Bởi thế, việc phối hợp nhịp nhàng giữa các sở, ngành và địa phương nhằm đẩy nhanh tiến độ, tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư là rất quan trọng. Ông Đào Hữu Loãn, Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng Sài Gòn - Bình Châu - Hồ Cốc, nói: “Nếu như lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh ủng hộ rất mạnh, khi đi vào cụ thể, các sở, ban ngành lại chần chừ; vẫn còn vướng mắc về thủ tục hành chính, có sự bất cập về năng lực quản lý nhà nước, về trình độ của một bộ phận cán bộ thừa hành…”.

VĂN PHONG

Tin cùng chuyên mục