Nếu như những năm trước đây, các nhà đầu tư nước ngoài khi đến đầu tư tại Việt Nam thường tìm đến những TP lớn như Hà Nội, TPHCM thì những tháng đầu năm nay, các địa bàn đầu tư mà các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đã có sự dịch chuyển về các tỉnh, thành. Điều này cho thấy, môi trường đầu tư ở một số khu vực, tỉnh thành có sự cải thiện đáng kể và ngày càng hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.
Những “vùng đất mới” thu hút FDI
Vốn là những tỉnh nằm ở vị trí thấp trong thu hút đầu tư nước ngoài những năm trước, nhưng thời gian gần đây, bằng những chính sách thông thoáng, sự cải thiện về môi trường đầu tư kết hợp với lợi thế về điều kiện tự nhiên, xã hội nên một số tỉnh như Thanh Hóa, Thái Nguyên, Bắc Ninh… được xem là những “vùng đất mới” hấp dẫn của các nhà đầu tư. Minh chứng rõ nhất là trong những tháng đầu năm 2013, những tỉnh này luôn vượt lên dẫn đầu về thu hút nguồn vốn FDI trong cả nước. Cụ thể, với sự điều chỉnh tăng 2,8 tỷ USD vốn đầu tư của dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa từ một tỉnh đứng hàng thứ 28 (cuối năm 2012) đã trở thành địa phương thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài nhất với 2,815 tỷ USD vốn đăng ký mới và tăng thêm chiếm 23,6% tổng vốn đầu tư.
Bên cạnh đó, Thái Nguyên từ vị trí 38 (cuối năm 2012) đã vươn lên đứng vị trí thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,158 tỷ USD, chiếm 18,1% vốn đăng ký. Còn với Bắc Ninh, từ vị trí số 6 (cuối năm 2012) trong danh sách các địa phương thu hút nhiều vốn FDI đã vượt lên đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 1,377 tỷ USD.
Theo ông Nguyễn Bá Cường, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), sở dĩ dòng vốn FDI vào Việt Nam đang có bước dịch chuyển giữa các địa phương là do chiến lược đầu tư của các tập đoàn, công ty nước ngoài nhìn vào những lợi thế tiềm năng của các tỉnh, thành trước đây chưa được các nhà đầu tư chú ý nhiều có thể đem lại lợi nhuận đầu tư cao nên họ quyết định điều chỉnh tăng vốn và đầu tư dự án mới. Ngoài ra, ở các tỉnh, thành này có nhiều lợi thế về quỹ đất sạch rộng lớn, nguồn nhân lực dồi dào kết hợp với những cải tiến về môi trường đầu tư nên hấp dẫn các nhà đầu tư.
Nhiều chính sách ưu đãi nhà đầu tư
Liên quan việc thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, nhằm cải thiện môi trường thu hút vốn FDI, trong thời gian tới sẽ có chính sách ưu đãi đối với công nghiệp hỗ trợ; điều chỉnh tiêu chí công nghệ cao phù hợp với Việt Nam; giãn lộ trình tăng giá thuê đất theo Nghị định 69; thúc đẩy giải ngân; hoàn thiện luật pháp, chính sách; thực hiện tốt đối thoại chính sách; xây dựng hệ thống thông tin đầu tư nước ngoài.
Trong khi đó, khi nói về chính sách ưu đãi đối với nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, mới đây Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Bùi Quang Vinh khẳng định, sẽ còn ưu đãi rất dài, không ưu đãi không ai vào đầu tư vì họ vào đầu tư với mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận. Nước nào cũng làm như vậy, không có nước nào là không ưu đãi, chỉ có điều là ưu đãi như thế nào. Bây giờ ưu đãi ngành công nghiệp tạo ra giá trị gia tăng cao, nghĩa là ưu đãi sao cho hợp lý đem lại lợi ích cho đất nước, quốc gia.
Còn về góc độ các địa phương, tại hội thảo xúc tiến đầu tư với chủ đề “Quảng Ngãi - Cơ hội mới về đầu tư” diễn ra mới đây tại TPHCM, đại diện UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, các nhà đầu tư khi có nhu cầu đầu tư vào Quảng Ngãi sẽ được tỉnh tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư đến việc hỗ trợ xây dựng dự án và bằng những cam kết cụ thể của chính quyền địa phương.
Cụ thể, các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế TNDN ưu đãi. Miễn thuế nhập khẩu trong vòng 5 năm đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện… để phục vụ sản xuất của dự án. Hỗ trợ đào tạo nghề và cung ứng lao động kỹ thuật. Ưu tiên xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đến hàng rào nhà máy; hỗ trợ giải phóng mặt bằng; hỗ trợ đầu tư các công trình tiện ích khác. Cho thuê đất hoặc giao đất tại các khu đô thị để xây dựng khu nhà ở cho cán bộ, chuyên gia…
Có thể nói, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư FDI giữa các tỉnh, thành thời gian gần đây cho thấy sự cải thiện về môi trường đầu tư của các tỉnh, thành Việt Nam đang ngày càng thu hẹp lại và đã tạo ra sự phát triển đồng đều hơn. Ngoài ra, sự dịch chuyển này cũng giải quyết vấn đề công ăn việc làm tại chỗ cho người dân nông thôn và giảm di cư lao động từ nông thôn ra các TP lớn vốn đang gây áp lực xã hội thời gian qua.
Tuy nhiên, để sự dịch chuyển này mang lại hiệu quả cao, các địa phương cần phải kiểm soát chặt các vấn đề như bảo vệ môi trường, năng lực nhà đầu tư để triển khai dự án sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, cũng như vấn đề giải ngân nguồn vốn thực hiện dự án.
ĐÌNH LÝ