Thu hút người tài ở TPHCM: Cần sự đột phá

Thu hút người tài ở TPHCM: Cần sự đột phá
  • Trọng thị nhân tài

Chị N., trưởng phòng một sở tại TPHCM, tâm sự: “Quyết định “thay máu” nhân sự trẻ có năng lực ở bộ phận mình, tôi phải gồng mình chịu trận, thậm chí đối mặt với búa rìu dư luận khi điều chuyển những người không làm được việc sang bộ phận khác. Được sự chấp thuận của ban giám đốc, tôi đã tuyển thêm 4 thạc sĩ, tiến sĩ có trình độ, chuyên môn về quản lý kinh tế, quản trị mạng - được đào tạo bài bản ở nước ngoài theo chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của TP. Tuy mức lương trả theo quy định nhà nước không cao nhưng họ vui vẻ làm việc với trách nhiệm cao, hoàn thành nhanh công việc được giao…”.

Theo chị N., bí quyết giữ chân những người trẻ, giỏi chuyên môn này bắt nguồn từ sự trọng thị - tin tưởng giao việc và tạo cơ hội để họ phát huy tài năng, kiến thức. Kết quả cho thấy, khi tiếp xúc với những nhân tố trẻ năng động, giỏi chuyên môn và ngoại ngữ này, nhiều khách hàng, đơn vị đến liên hệ công việc đều cảm thấy một không khí làm việc thân thiện, dễ chịu. Như thế, chuyện lương bổng ở đây không quan trọng bằng môi trường làm việc tốt.

Có thể nói, chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của TP trong những năm qua đã góp phần tạo thêm nguồn lực chất xám, lao động chất lượng cao cho TPHCM trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Có rất nhiều lao động trẻ được đào tạo từ nước ngoài trở về có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao cộng với vốn ngoại ngữ đã phát huy năng lực, góp phần trám lỗ hổng thiếu hụt cán bộ quản lý, chuyên viên giỏi ở các sở, ngành, cơ quan.

Tuy nhiên, ở một góc khuất khác, đã có không ít người tài dù có nhiệt huyết, dù rất muốn đóng góp tài năng cho TP nhưng đã phải khăn gói ra đi, tìm môi trường ngoài quốc doanh để thi thố tài năng. Lỗi này một phần thuộc về cơ quan, đơn vị nơi họ làm việc đã không quan tâm tạo điều kiện cho nguồn lực trẻ, người tài có cơ hội phát huy năng lực, hành trang tri thức tích lũy từ nước ngoài. Điều này thật lãng phí!

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM trong ngày nhận bằng tốt nghiệp năm 2010. Ảnh: MAI HẢI

Sinh viên Trường Đại học Bách khoa TPHCM trong ngày nhận bằng tốt nghiệp năm 2010. Ảnh: MAI HẢI

Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt về nguồn vốn nhân lực, cuộc đua “săn đầu người” không dừng ở yếu tố tiền lương, thu nhập, mà lợi thế nghiêng về môi trường làm việc, cơ hội phát triển nghề nghiệp, chuyên môn. Điều này lý giải vì sao có một số người được đào tạo ở nước ngoài theo chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của TPHCM đã vi phạm hợp đồng (phải làm việc đủ 5 năm trong khu vực nhà nước) và chấp nhận bồi thường chi phí đào tạo để ra bên ngoài làm việc.

Mới đây, một công ty dám bỏ ra số tiền tương đương 500 triệu đồng - hoàn trả chi phí đào tạo của TP - để chiêu dụ một chuyên viên giỏi về lĩnh vực công nghệ thông tin đang làm ở một cơ quan nhà nước về với họ. Đành rằng, làm việc ở đâu thì người lao động cũng cống hiến, đóng góp cho xã hội nhưng ở khu vực nhà nước đang rất cần đội ngũ nhân lực có trình độ cao, quản trị giỏi để hoạch định và thực thi chính sách phát triển kinh tế - xã hội đạt hiệu quả cao thì quả là một sự thiệt thòi.

Trong xu thế cạnh tranh, cái đầu có hàm lượng chất xám cao thật khó định giá và câu chuyện nêu trên đang gióng thêm hồi chuông báo động về xu hướng chảy máu chất xám từ khu vực nhà nước ra ngoài quốc doanh ngày một nhiều.

  • Chính sách linh hoạt thu hút nhân tài

Hướng tới mục tiêu phát triển nhanh, bền vững, TPHCM luôn coi trọng việc đầu tư đào tạo chuẩn bị nguồn và thu hút người tài vào các cơ quan nhà nước làm việc. Ngoài đầu tư cho chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, lao động chất lượng cao, TP còn có chính sách thu hút nhân lực có trình độ cao (thạc sĩ, tiến sĩ) về quận, huyện, thị trấn, phường xã làm việc. Theo đó, người có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ sẽ được TP hỗ trợ thu nhập ở mức 500.000 - 1.000.000 đồng/tháng.

Song song đó, TP cũng thí điểm việc ký hợp đồng “thuê khoán” nhân lực từ nguồn Việt kiều. Theo Sở Nội vụ TPHCM, mặc dù đã linh hoạt trả mức lương khoán cao vượt khung so với công chức (30 triệu đồng/tháng), cho chức danh giáo sư - tiến sĩ và 15 - 20 triệu đồng/tháng cho chức danh tiến sĩ) nhưng hiện tại TP mới thu hút được có 4 Việt kiều gắn bó với quê hương. Rõ ràng, so với mặt bằng tiền lương trên thị trường lao động thì mức lương này rất khó thu hút du học sinh từ nước ngoài trở về nói chi đến Việt kiều - những người có trình độ cao, học hàm, học vị.

Nhìn lại thực tế, TP đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là có trình độ quản trị giỏi, chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực phát triển “nóng” như quy hoạch, kiến trúc, quản lý đô thị, hạ tầng giao thông, quản lý kinh tế, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, bảo vệ môi trường…

Điển hình là việc quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, nếu có chuyên gia, kỹ sư giỏi tham gia hoạch định chính sách, dự án và giám sát kỹ từng công trình thì TP không để xảy ra tình trạng xuất hiện quá nhiều “hố tử thần” trên đường như hiện nay. Nếu từng quận, huyện có đủ đội ngũ cán bộ quản lý đạt chuẩn, có năng lực, trình độ về quy hoạch, kiến trúc, xây dựng… thì bức tranh chung về quản lý đô thị đã bớt bát nháo, nhếch nhác như hiện tại.

Hệ quả nhãn tiền của lỗ hổng thiếu cán bộ quản lý có trình độ, thiếu chuyên viên giỏi ở các lĩnh vực kinh tế - xã hội đã phát sinh nhiều tồn tại, tạo ra sức ì trong thực thi các chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao phúc lợi, cải thiện đời sống của người dân TP.

Từ bất cập trên, TPHCM cần phải có chính sách phù hợp, linh hoạt trong việc giữ và thu hút người tài, người có năng lực vào khu vực công làm việc. Để làm được điều này, TPHCM phải có cách làm mới mang tính đột phá, trong đó chủ động đề nghị Trung ương cho phép tuyển công khai các chức danh quản lý cao cấp, chuyên gia hàng đầu ở một số lĩnh vực, ngành nghề mới và trả lương ngang bằng thị trường.

Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về nhân lực chất lượng cao, nếu TPHCM không có giải pháp mang tính cạnh tranh thu hút và giữ chân người tài, người biết làm việc thì tình trạng chảy máu chất xám ở khu vực nhà nước sẽ gia tăng. 

KHÁNH BÌNH

Tin cùng chuyên mục