Năm 2002, khi bắt đầu hoạt động, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) chỉ thu được hơn 78 triệu đồng tiền bản quyền cho 274 nhạc sĩ, tác giả ủy quyền, đến năm 2012, con số này đã lên tới gần 47 tỷ đồng. Trong năm 2012, trung tâm đã thực hiện 3 kỳ chi trả tiền bản quyền cho các thành viên trong nước, quốc tế hơn 27,4 tỷ đồng. Phải chăng việc thu phí bản quyền âm nhạc sau 10 năm đã không còn gian nan?
Ngày 3-1, trong lễ tổng kết công tác năm 2012, tại Hà Nội, nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc trung tâm, cho biết qua 10 năm hoạt động, VCPMC đã cố gắng, nỗ lực bảo vệ quyền tác giả âm nhạc, hướng công chúng tới việc sử dụng âm nhạc có bản quyền. Nhận thức của xã hội về quyền tác giả và quyền liên quan đã được cải thiện nhiều trong những năm gần đây, song công việc bảo vệ quyền lợi của các nhạc sĩ vẫn rất gian nan.
Trong năm 2012, số phí bản quyền âm nhạc thu được nhiều nhất là từ dịch vụ nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại di động, chiếm từ 25% - 30% tổng số tiền thu được. Tiếp theo từ các chương trình biểu diễn âm nhạc, số tiền thu được từ TPHCM và khu vực phía Nam nhiều hơn khu vực phía Bắc, do miền Nam có ý thức chấp hành bản quyền tốt hơn. Trong hồ sơ vi phạm tác quyền âm nhạc còn có danh sách của nhiều đơn vị khách sạn, nhà hàng lớn. Họ đã sử dụng những tác phẩm âm nhạc trong và ngoài nước do VCPMC bảo hộ tác quyền trong thời gian dài nhưng không chịu trả tiền.
Theo VCPMC, từ năm 2007 đến 2010, các khách sạn này đều trả tiền tác quyền cho các hoạt động sử dụng nhạc, nhưng từ năm 2010 trở đi, các khách sạn từ chối chi trả với lý do “Chính phủ chưa có biểu giá cụ thể”. Đại diện VCPMC cho rằng, đây là lý do không thuyết phục vì VCPMC đã nhiều lần giải thích cụ thể cho các đơn vị về cách tính của mình. Nhiều chương trình nghệ thuật lớn ở Hà Nội với số tiền bán vé rất khủng nhưng lại chây ỳ tiền bản quyền. Theo bà Trần Thị Trường, Phó giám đốc VCPMC khu vực phía Bắc tâm sự, điều này làm cho việc thực thi bản quyền tác giả âm nhạc trở nên khó khăn hơn.
Theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, ở các nước, mỗi khi sử dụng các tác phẩm âm nhạc, ca sĩ phải xin phép và trả tiền bản quyền cho nhạc sĩ. Tuy nhiên, ở Việt Nam, từ 10 năm nay, để tránh phiền nhiễu cho ca sĩ, VCPMC chỉ quy về một đầu mối là các nhà tổ chức biểu diễn. Và nhạc sĩ Phó Đức Phương nhiều lần nhấn mạnh: “Xin các bạn ca sĩ lưu ý trước mỗi chương trình biểu diễn, hãy hỏi nhà tổ chức xem đã xin phép các tác giả hay chưa, nếu chưa xin phép chúng tôi không biểu diễn”. Tuy nhiên, các ca sĩ của chúng ta dường như chưa có thói quen về việc này, vì thế, tình trạng “xài chùa” các tác phẩm âm nhạc vẫn còn nhiều đất để tồn tại.
Hiện tại, VCPMC tích cực hợp tác với 13 website trong nước cung cấp tác phẩm âm nhạc đến với công chúng qua internet để thực hiện thí điểm thu phí nhạc số. Từ tháng 11 đến ngày 26-12-2012, số tiền thu phí nhạc số mới chỉ đạt khoảng 17 triệu đồng, còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là giai đoạn thử nghiệm, chỉ thu phí một số album nhạc, tiến tới trong năm 2013 sẽ tiến hành thu phí toàn bộ các album nhạc số, thu phí nghe online trên mạng chứ không dừng ở thu phí tải nhạc như hiện nay. Tuy nhiên, cái khó của việc thu phí nhạc số hiện nay đang đặt ra và cần phải giải quyết nhanh chóng đó là kênh thanh toán chưa được thuận lợi cho khách hàng sử dụng. Việc thu phí tất cả album nhạc và nghe nhạc online sẽ bắt đầu vào quý 2 năm 2013 nhằm từng bước hướng người nghe nhạc đến việc nghe nhạc có bản quyền, tôn trọng quyền tác giả...
Với việc thực thi nhiều giải pháp nhưng đến thời điểm này, kết quả của việc thực thi bản quyền âm nhạc mới chỉ đạt khoảng 20%, tỷ lệ thất thu đến 80%. Có thể nói, nhận thức của toàn xã hội về quyền tác giả và quyền liên quan ở Việt Nam đang thực sự còn quá nhiều lỗ hổng. Vì thế, cuộc chiến chống lại tình trạng vi phạm bản quyền ở nước ta chưa biết đến bao giờ mới đến hồi kết.
Vĩnh Xuân