Tiến độ thu đạt thấp
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, dự toán thu NSNN năm nay là hơn 1,2 triệu tỷ đồng, ước thực hiện 9 tháng đạt 69,5% dự toán. Trong đó, thu nội địa đạt 67% dự toán. Tiến độ thu đạt thấp so với cùng kỳ 3 năm gần đây do các khoản thu quan trọng từ hoạt động sản xuất kinh doanh, từ cổ phần hóa đều đạt thấp. Thu ngân sách trung ương còn rất khó khăn khi chỉ đạt 63,2% dự toán; thu ngân sách địa phương đạt khá, khoảng 79% dự toán. Với dự báo tăng trưởng kinh tế năm nay là 6,7% thì ước thu cả năm vượt 27.300 tỷ đồng, tương đương 2,1% dự toán và toàn bộ là vượt thu của ngân sách địa phương. Một số địa phương phụ thuộc vào một số ngành sản xuất ô tô, xuất khẩu như: Quảng Nam, Bà Rịa - Vũng Tàu… đang gặp nhiều khó khăn.
Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày nhận xét, cơ cấu thu NSNN có một số vấn đề nổi lên. Bên cạnh ước cả năm chỉ tăng 2,1% so với dự toán thì điểm đáng quan tâm là thu từ 3 khu vực kinh tế: doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thể đều không đạt dự toán. Khu vực doanh nghiệp nhà nước có số thu giảm mạnh nhất (-7,7%) so với dự toán, cho thấy khả năng cạnh tranh, phát triển và chất lượng, hiệu quả hoạt động của khu vực này còn hạn chế. Nhiều ý kiến trong ủy ban cho rằng, thu từ bán vốn của Nhà nước mới chỉ đạt 16,7% nhưng Chính phủ vẫn ước thực hiện cả năm đạt dự toán là rất khó khăn. Điều này thể hiện việc phối hợp triển khai kế hoạch thoái vốn nhà nước giữa các bộ, ngành hiệu quả chưa cao, cần được phân tích rõ các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Số thu nội địa giảm một mặt đã phản ánh khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm, chưa bền vững và thiếu tính ổn định, mặt khác, do số thu giao cho một số địa phương cao hơn so với thực tế, như: thu từ các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Quảng Nam, Vĩnh Phúc… Bên cạnh đó, việc xử lý nợ đọng thuế, tuy đã được triển khai quyết liệt, nhưng số thuế nợ đọng vẫn còn lớn (khoảng 74.000 tỷ đồng đến hết 30-9).
Giải ngân chậmgây lãng phí nguồn lực
Về chi, dự toán năm 2017 gần 1,4 triệu tỷ đồng và 9 tháng chi ước đạt hơn 65% dự toán. Trong đó, chi đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn NSNN đạt 53%, chi từ nguồn trái phiếu chính phủ mới đạt 7% dự toán. Trên cơ sở đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, ước cuối năm chi vượt 23.300 tỷ đồng so với dự toán… Chính phủ cũng khẳng định, điều hành nhiệm vụ chi đầu tư phát triển năm 2017 được thực hiện chặt chẽ, cắt giảm dự toán các dự án, nhiệm vụ chậm triển khai, đảm bảo giữ bội chi trong phạm vi Quốc hội cho phép cả về số tuyệt đối và tỷ lệ so với GDP. Cũng liên quan đến vấn đề chi, Chính phủ yêu cầu các địa phương điều hành chi theo dự toán được giao và khả năng thu. Trường hợp dự kiến thu giảm lớn, địa phương phải chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi, tạm giữ lại 50% dự phòng và sử dụng các nguồn lực khác để xử lý.
Theo Ủy ban Tài chính - Ngân sách, vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn NSNN, vốn trái phiếu chính phủ giải ngân rất chậm bên cạnh nguyên nhân khách quan do thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn; các quy định của pháp luật về đầu tư công, về xây dựng, về đấu thầu… còn nhiều vướng mắc, song cũng có nguyên nhân chủ quan. Đó là công tác chuẩn bị đầu tư chậm, phân bổ và giao dự toán chậm, thủ tục đầu tư phức tạp; giải phóng mặt bằng khó khăn… Trong bối cảnh nguồn lực đầu tư hạn hẹp, việc nhiều bộ, ngành, địa phương đã được phân bổ vốn, song lại chưa giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân quá thấp đã dẫn đến tình trạng lãng phí nguồn lực đi vay, làm giảm hiệu quả trong đầu tư, tác động đến tăng trưởng kinh tế và giảm thu NSNN.
Đánh giá về cân đối và bội chi NSNN, theo ông Nguyễn Đức Hải, ủy ban đánh giá cao kết quả điều hành NSNN của Chính phủ theo hướng siết chặt bội chi NSNN, cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn vay và giảm dần lãi suất bình quân đi vay. Đây là năm đầu tiên thực hiện Luật NSNN năm 2015, mức bội chi không cao hơn so với dự toán và cũng là mức bội chi thấp nhất trong vòng 10 năm qua, góp phần giữ nợ công trong giới hạn an toàn cho phép. Tuy nhiên, mức bội chi giảm so với thực tế là do giảm phần bội chi của ngân sách địa phương, bội chi ngân sách trung ương vẫn tăng so với dự toán.
Tuy nhiên, lãnh đạo Ủy ban Tài chính - Ngân sách cũng khuyến cáo, việc giải ngân vốn ODA được Chính phủ tạm xác định bằng dự toán là khá rủi ro, vì theo nhiều năm, số vốn giải ngân ODA thường có phát sinh lớn hơn so với dự toán. Nếu vốn ODA giải ngân vượt so với dự toán sẽ ảnh hưởng đến bội chi NSNN.
Đối với vấn đề tăng lương, theo Chính phủ, dự kiến từ ngày 1-7-2018 điều chỉnh mức lương cơ sở tăng khoảng 7% so với hiện nay, lên gần 1,4 triệu đồng/tháng, lương hưu và trợ cấp người có công tăng bằng mức lương cơ sở. Thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho biết, đa số ý kiến đồng ý với đề xuất của Chính phủ và một số ý kiến, cho rằng, trong điều kiện tăng trưởng kinh tế còn thấp, thu NSNN gặp nhiều khó khăn, việc điều chỉnh tăng mức lương cơ sở phải gắn liền với tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả công việc; tăng tính tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập…