Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vừa chủ trì cuộc họp bàn về giải pháp giúp đỡ, hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) khắc phục thiệt hại do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra tại một số địa phương. Sau khi nghe báo cáo của các bộ, cơ quan, địa phương, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương trực tiếp làm việc cùng DN trên tinh thần xây dựng, thực hiện mọi giải pháp phù hợp nhằm giúp đỡ, hỗ trợ các DN.
Cụ thể, UBND các tỉnh, thành có DN bị thiệt hại phải cử cán bộ làm việc trực tiếp với từng DN để nắm chắc thực tế tình hình, đồng thời công bố ngay bộ phận đầu mối tiếp nhận, giải quyết các vấn đề liên quan đến thủ tục hành chính, nhất là hỗ trợ khôi phục, xác nhận, cung cấp hồ sơ, tài liệu, chứng từ phục vụ cho việc xác định giá trị tài sản bị thiệt hại và áp dụng các chính sách, chế độ liên quan. Trường hợp hồ sơ, tài liệu, chứng từ bị mất, cho phép các cơ quan thực hiện dựa trên cam kết của DN và hậu kiểm. Cùng với đó, Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương liên quan để hướng dẫn DN bảo hiểm xác định và đưa thiệt hại của các DN vào phạm vi được bảo hiểm; khẩn trương xác định giá trị thiệt hại để thực hiện bồi thường theo thủ tục đơn giản, rút gọn; ứng trước tiền bồi thường đối với những trường hợp đã xác định rõ thuộc phạm vi, đối tượng được bảo hiểm.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan căn cứ thiệt hại thực tế của DN, thực hiện việc gia hạn thời hạn nộp hồ sơ kê khai thuế; gia hạn thời hạn nộp thuế và các khoản phải nộp ngân sách nhà nước đối với số phát sinh trước tháng 5-2014 mà chưa nộp, tương ứng với mức độ thiệt hại. Thời gian gia hạn tối đa 2 năm, không phạt chậm nộp đối với các DN bị thiệt hại. Cơ quan hải quan thực hiện việc miễn, giảm thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định và hoàn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu đối với những khoản thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu của hàng hóa bị tổn thất; cho phép thông quan các lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu của các DN bị thiệt hại đang có nợ thuế.
Cơ quan thuế khẩn trương thực hiện việc khấu trừ hoặc hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ bị thiệt hại mà không được bồi thường, bao gồm cả trường hợp không còn chứng từ, hóa đơn. Đồng thời, cơ quan thuế hướng dẫn DN kê khai vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập tính thuế thu nhập DN đối với phần giá trị thiệt hại không được bồi thường hoặc không thuộc phạm vi bồi thường và phần trả lãi vay góp vốn điều lệ cho việc khắc phục hậu quả thiệt hại. Hướng dẫn giảm tối đa 30% số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp trong năm 2014 nhưng không vượt quá giá trị tài sản bị thiệt hại sau khi được bồi thường.
Thủ tướng cũng yêu cầu UBND tỉnh thành thực hiện việc miễn, giảm tiền thuê đất đối với DN bị thiệt hại. Trường hợp DN bị thiệt hại thuê hạ tầng gắn với quyền sử dụng đất thì miễn, giảm tiền thuê đất cho công ty kinh doanh hạ tầng; số tiền này được khấu trừ tương ứng vào tiền thuê hạ tầng của DN bị thiệt hại. Bộ LĐTB-XH chỉ đạo các địa phương có biện pháp thích hợp để hỗ trợ, cung ứng lao động thay thế kịp thời lực lượng lao động bị thiếu hụt. Bộ Công an tạo mọi điều kiện thuận lợi cấp thị thực nhập cảnh nhanh cho nhà đầu tư và lao động nước ngoài vào Việt Nam đối với những DN bị thiệt hại và có nhu cầu bổ sung lao động nước ngoài.
Đặc biệt, để đáp ứng yêu cầu cấp bách về lao động, Thủ tướng cho phép áp dụng ngay quy định chuyên gia nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam chỉ cần có trình độ đại học, cử nhân trở lên hoặc có ít nhất 5 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực dự kiến làm việc; đối với việc cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài đang cư trú ở Việt Nam từ 6 tháng trở lên, chỉ cần phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp. Đối với các DN bị thiệt hại chưa thể hoạt động sản xuất kinh doanh trở lại và không có khả năng trả tiền lương cho người lao động từ tháng 4 đến tháng 6-2014, Thủ tướng cho phép vận dụng quy định về chế độ bảo hiểm thất nghiệp để giải quyết cho người lao động phần tiền lương còn nợ...
PHAN THẢO
- Việt Nam và doanh nghiệp nước ngoài đều là người bị hại
- Đồng Nai đồng hành với nhà đầu tư