Ngày 1-5, Thủ tướng Đức Angela Merkel lên đường thăm Mỹ trong 2 ngày với mục đích thảo luận về cuộc khủng hoảng ở Ukraine và Hiệp định đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP). Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Barack Obama sẽ hội đàm với Thủ tướng Merkel tại Nhà Trắng ngày 2-5. Trọng tâm của cuộc hội đàm sẽ là những căng thẳng hiện nay tại Ukraine.
Bà A.Merkel và ông B.Obama cũng dự kiến thảo luận về các vụ bê bối nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA). Chính phủ Đức nhìn nhận đây là một chủ đề phức tạp, cần phải có thêm thời gian. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng hai bên khó có thể tìm được tiếng nói chung về vấn đề trên nhân chuyến công du Mỹ lần này của bà Merkel, ngay cả hiệp định “không do thám nhau” mà Berlin khởi xướng cũng khó có thể được bàn tới.
Trong chuyến thăm, bà A.Merkel cũng sẽ có bài phát biểu tại Phòng Thương mại Mỹ về mối quan hệ kinh tế xuyên Đại Tây Dương. Liên quan tới TTIP, Đức chủ trương kết thúc các cuộc đàm phán về thỏa thuận này vào cuối năm 2015, qua đó sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm cho cả hai bên.
Ngày 30-4, trong cuộc điện đàm về tình hình căng thẳng leo thang ở Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Anh David Cameron đã nhất trí rằng cuộc khủng hoảng Ukraine chỉ có thể được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình.
Tuyên bố của Điện Kremlin nêu rõ trong cuộc điện đàm diễn ra theo đề nghị của Anh, Tổng thống Nga V.Putin đặc biệt lưu ý điều quan trọng hàng đầu hiện nay là chính quyền lâm thời Kiev thực thi nhanh chóng và vô điều kiện các điều khoản của thỏa thuận Geneva ngày 17-4 nhằm xoa dịu căng thẳng ở Ukraine.
Cùng ngày, phát biểu sau cuộc hội đàm với người đồng cấp Chile, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov, đang ở thăm Chile, khẳng định trong mọi trường hợp, Mátxcơva ủng hộ đối thoại giữa các bên ở Ukraine. Vấn đề mang tính nguyên tắc là chính quyền lâm thời Ukraine cần thực hiện trách nhiệm của mình trong việc đối thoại với các khu vực miền Đông và Nam để thỏa thuận về những bước đi tiếp theo.
Theo nhà ngoại giao Nga, đối thoại giữa chính quyền lâm thời Ukraine và người biểu tình ở các khu vực có thể được đặt dưới sự bảo trợ của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE)
VIỆT LÊ