Đây là sự kiện diễn ra định kỳ sau nửa chặng đường thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của năm.
Tại Hội nghị, Chính phủ và các địa phương sẽ thảo luận các kịch bản, các giải pháp để thực hiện “mục tiêu kép” trong nửa chặng đường còn lại của năm 2020, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, không để đổ gãy nền kinh tế.
Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh 6 tháng đầu năm nay xảy ra đại dịch Covid-19, gây ra sự sụt giảm kinh tế toàn cầu trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Theo dự báo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), kinh tế toàn cầu sẽ sụt giảm 5,2% trong năm nay.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), do đại dịch, kinh tế Việt Nam chịu nhiều tác động với tốc độ tăng trưởng GDP quý 2 tăng 0,36%, 6 tháng đầu năm tăng 1,81%. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 150 năm qua, chưa bao giờ có sự khủng hoảng y tế dẫn đến khủng hoảng kinh tế toàn cầu lớn như lần này. Việt Nam đã có đối sách đúng, chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ, đặc biệt là được sự ủng hộ, quyết tâm của cấp uỷ, chính quyền, nhân dân nên đã sớm ngăn chặn kiểm soát dịch bệnh, tạo tiền đề quan trọng để chỉ đạo phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng an ninh.
Tuy vậy, đại dịch Covid -19 tác động rất mạnh đến nền kinh tế nước ta, nhất là trong quý 2. GDP quý 2 chỉ tăng 0,36%, thấp nhất trong 30 năm qua, tính chung 6 tháng tăng 1,81%, tiêu dùng giảm, xuất khẩu giảm, khách quốc tế đến Việt Nam giảm 99,3%. Tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn…
Thủ tướng cũng cho rằng, nước ta là nước hội nhập sâu rộng, xuất nhập khẩu gấp 2 lần GDP nên phải tính toán bước đi, bước làm trong bối cảnh dịch bệnh. Trong bối cảnh hiện nay nhiệm vụ phục hồi phát triển kinh tế trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Tinh thần trong chỉ đạo là kiên quyết không để Covid - 19 quay lại nước ta, đồng thời phải tiến công mạnh mẽ để phát triển kinh tế, phục hồi tăng trưởng.
“Trong bối cảnh hiện nay, không chỉ phòng thủ mà phải tiến công mạnh mẽ. Tăng trưởng hiện nay là vấn đề quan trọng”, Thủ tướng nêu rõ. |
Thủ tướng gợi mở 7 vấn đề tập trung thảo luận. Trong đó, kinh tế vĩ mô vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì vậy cần nhận diện, xác định rõ rủi ro bên ngoài và bên trong để có biện pháp điều hành hiệu quả, kịp thời.
“Tăng trưởng của Việt Nam ví như cỗ xe tam mã, gồm ba cấu phần quan trọng nhất là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Hội nghị này phải dùng mọi biện pháp để ba con ngựa kéo đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất", Thủ tướng nhấn mạnh. |
Theo Thủ tướng, để kích tăng trưởng cần thống nhất chủ trương điều hành linh hoạt các chính sách tài khoá, tiền tệ. Nhưng vấn đề đặt ra là cần giải pháp, chính sách cụ thể gì, mức độ thế nào cho phù hợp. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các bộ trưởng phải chỉ đạo tốt hơn, nhất là các địa phương cần hỗ trợ hơn cho doanh nghiệp. Các tập đoàn lớn của Nhà nước, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã… đều cần môi trường tốt để phát triển thông qua chính sách động viên của chính quyền và chính sách tài khoá, tiền tệ khác của Nhà nước..
Thủ tướng cũng cho rằng, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công là rất quan trọng. Lần này sẽ có chế tài mạnh, vì có địa phương giải ngân nhanh, có địa phương chậm, cần làm rõ vấn đề này, nhất là khâu giải phóng mặt bằng. Nếu đầu tư công mà không tốt thì nền kinh tế bế tắc. Hiện giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 33%, giải ngân vốn ODA rất thấp mới 10%. “Phải nóng ruột lên. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh kiểm tra giải ngân ở TPHCM và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long thấp lắm các đồng chí ạ”, Thủ tướng nói.
Song song đó, càng khó khăn càng cần tập trung rà soát các quy định pháp luật, cắt giảm thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp. Các bộ ngành, địa phương cần đề xuất kiến nghị cụ thể, trong đó nêu rõ cần sửa đổi quy định pháp luật nào, cắt giảm thủ tục hành chính nào, cần cơ chế khuyến khích nào mới để tận dụng cơ hội phục hồi phát triển trong điều kiện hiện nay.
"Cứ quyền anh, quyền tôi, cứ gây khó khăn, khó dễ cho nhà đầu tư, doanh nghiệp, người dân thì không bao giờ tạo được động lực phát triển", Thủ tướng lưu ý.
Bên cạnh đó, phải có giải pháp để thu hút mạnh mẽ đầu tư xã hội, đầu tư tư nhân, vốn FDI, phát huy hơn nữa vai trò của các địa phương. Nhiều nguồn vốn FDI sẽ không vào Việt Nam mà sang Ấn Độ, Indonesia, Thái Lan… nếu không có tạo điều kiện cơ sở hạ tầng và những điều kiện thu hút khác. Do đó, cần tập trung bàn giải pháp cải cách vượt trội để đảm bảo môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư kể cả trong nước và quốc tế vào Việt Nam.