Thủ tướng: Vừa chống dịch, vừa phải phát triển, không thể khác được ​

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu không có đại đoàn kết toàn dân, chúng ta không thể vượt qua được. Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 với vô vàn khó khăn mà chúng ta phải chống đỡ, chống dịch trong điều kiện thiếu thốn, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, nhưng nhờ có sự đoàn kết, thống nhất từ trên xuống dưới, của toàn dân nên chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh. 

Cuối giờ chiều 29-9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát biểu kết luận hội nghị giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam.

Các ý kiến tại hội nghị đánh giá cao Thủ tướng, Chính phủ thời gian qua đã điều hành chống dịch rất quyết liệt, trong đó có việc lấy xã phường làm pháo đài chống dịch; phát huy vai trò làm chủ của người dân, chăm lo an sinh xã hội… Điều đó góp phần quan trọng vào thành công trong việc thực hiện mục tiêu kép trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá, hình ảnh Thủ tướng Chính phủ xuống tận cơ sở kiểm tra công tác phòng chống dịch, quyết liệt đốc thúc cán bộ cơ sở đã tạo nên cách làm việc quyết liệt hiệu quả, loại bỏ được thói quen làm việc lười biếng, thiếu trách nhiệm.
“Có thể nói, Chính phủ quyết liệt với sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân đã tạo nên tinh thần "chống dịch như chống giặc", nhờ đó đã đạt kết quả tốt”, ông Nguyễn Túc nói.
Thủ tướng: Vừa chống dịch, vừa phải phát triển, không thể khác được ​ ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị chiều 29-9. Ảnh: VIẾT CHUNG

GS-TS Trần Ngọc Đường, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ này cần quan tâm nhiều hơn đến công tác hoàn thiện thể chế phát triển bền vững, bởi nếu thể chế không được hoàn thiện thì không thể đột phá.

“Thời gian qua, MTTQ Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều cuộc phản biện các dự thảo luật có chất lượng tốt với sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tư pháp. Tuy nhiên hoạt động này còn mang nặng tính hình thức. Các cơ quan soạn thảo chưa coi trọng ý kiến tại các cuộc góp ý, phản biện khi những người đại diện của cơ quan soạn thảo tại các cuộc phản biện đôi khi không phải là thành viên quan trọng trong tổ soạn thảo, chưa đủ năng lực để giải thích, làm rõ các vấn đề của Hội đồng phản biện”, GS-TS Trần Ngọc Đường nói.

GS-TS Trần Ngọc Đường cho rằng, cần huy động nhiều chuyên gia tham gia soạn thảo, xây dựng hệ thống pháp luật đáp ứng yêu cầu. Hiện nay nhân lực để làm luật còn thiếu và yếu. Song song đó, công tác giám sát phải thực chất, đến nơi đến chốn, phải có quy định các cơ quan giải quyết kết quả giám sát phải trả lời; có cơ chế thúc đẩy giám sát của nhân dân, chỉ có như thế mới nâng cao chất lượng của giám sát xã hội.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong bối cảnh khó khăn hiện nay, nếu không có đại đoàn kết toàn dân, chúng ta không thể vượt qua được. Đặc biệt, đợt dịch thứ 4 với vô vàn khó khăn mà chúng ta phải chống đỡ, chống dịch trong điều kiện thiếu thốn, nhiều vấn đề chưa có tiền lệ, nhưng nhờ có sự đoàn kết, thống nhất từ trên xuống dưới, của toàn dân nên chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh.

Thủ tướng nhấn mạnh, đại đoàn kết là tài sản vô giá của dân tộc ta, trong đó Thủ tướng đánh giá cao vai trò tập hợp của MTTQ trong việc phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Dưới sự tập hợp của MTTQ, chúng ta đã phát huy mọi nguồn lực, linh hoạt, sáng tạo để thích ứng với tình hình. Tác động của dịch là rất nặng nề, nhất là việc phải giãn cách xã hội trong thời gian dài, khiến cho kinh tế quý 3 tăng trưởng âm, đời sống nhân dân và hoạt động của doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, mà phải lấy khó khăn đó làm động lực để vươn lên, để khẳng định dân tộc Việt Nam không lùi bước trước bất cứ khó khăn nào. “Muốn làm được điều đó, nhất định phải đại đoàn kết toàn dân tộc”, Thủ tướng khẳng định.

Khẳng định vai trò của MTTQ trong phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc tham gia phòng, chống dịch Covid-19; phát huy dân chủ, tham gia góp ý xây dựng pháp luật, giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí… Thủ tướng trân trọng cảm ơn sự đồng hành, đóng góp của hệ thống MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong thời gian vừa qua, đã chung sức cùng Chính phủ phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Thủ tướng: Vừa chống dịch, vừa phải phát triển, không thể khác được ​ ảnh 2 Thủ tướng khẳng định: Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân. Ảnh: VIẾT CHUNG

Thủ tướng cho rằng, để thực hiện mục tiêu mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, cả hệ thống phải nỗ lực hơn rất nhiều. Chính phủ đã đề ra phương châm hành động là “xây dựng Chính phủ đổi mới, liêm chính, kỷ cương, hành động, hiệu quả, vì nhân dân phục vụ”, nhất là trong tình hình mới thì Chính phủ càng phải thực hiện tốt phương châm này. Chính phủ mong Mặt trận sát cánh cùng Chính phủ.

Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, dịch vẫn còn phức tạp, nhưng Chính phủ đã thống nhất cao với chủ trương chuyển trạng thái từ “không Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh để phục hồi và phát triển kinh tế, ổn định, thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong bối cảnh mới. Chúng ta vừa phải chống dịch, vừa phải phát triển, không thể khác được.

“Đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, nên đề nghị MTTQ đồng hành với Chính phủ, động viên nhân dân để cùng thực hiện hiệu quả. Nhân dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể. Mọi chính sách đều hướng đến nhân dân, và nhân dân cũng tham gia để đạt hiệu quả. Chính sách khi ban hành đều phải lấy ý kiến người dân”, Thủ tướng lưu ý.

Tương tự, mọi chính sách phòng, chống dịch đều phải hướng đến nhân dân, để nhân dân tham gia, chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân. Thủ tướng đề nghị MTTQ và các tổ chức đoàn thể tiếp tục phát huy vai trò trong cuộc chiến phòng chống dịch, thực hiện tốt phương châm lấy xã phường làm pháo đài chống dịch, nhân dân tự quản. Cùng với đó, dốc sức chăm lo cho công tác an sinh xã hội; vận động ủng hộ quỹ vaccine phòng Covid-19.

Thủ tướng cũng cho rằng, trong công tác tổ chức vận động nhân dân, tuyên truyền cần rõ ràng, dễ nhớ, dễ hiểu, không nên hàn lâm. Thực hiện tốt phương châm "dân biết, dân hiểu, dân tin, dân làm theo". Cần làm tốt hơn công tác giám sát và phản biện xã hội; tiếp nhận các ý kiến đóng góp, kể cả trái chiều, miễn là vì lợi ích của quốc gia, của dân tộc.

Tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Làm tốt công tác phản ánh ý kiến, kiến nghị của nhân dân, vì hơn ai hết, mặt trận là nơi gần dân nhất, sát dân nhất. Bên cạnh đó, tiếp tục làm tốt công tác đoàn kết tôn giáo, dân tộc.

Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm đến đời sống của nhân dân, chia sẻ, lo lắng với những khó khăn mà nhân dân đang phải đối mặt trong bối cảnh hiện nay.

Chia sẻ về gửi gắm của đại biểu đối với đội ngũ cán bộ hiện nay, Thủ tướng khẳng định đội ngũ lãnh đạo Chính phủ luôn có một tinh thần quyết tâm cao hơn nữa, nỗ lực hơn nữa, quyết liệt hơn nữa để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình; đồng thời luôn mong nhận được sự góp ý, đồng hành của thế hệ đi trước.

Thủ tướng cho biết, càng khó khăn càng phải làm đúng nguyên tắc, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, cá nhân phục tùng tập thể, đoàn kết, linh hoạt thích ứng, chân thành lắng nghe nhất là những vấn đề mới và khó, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết.

Tin cùng chuyên mục