Thủ tướng: Xây dựng ngành kiểm sát thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén

Sáng ngày 24-7, tại Hà Nội, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập ngành kiểm sát nhân dân.

Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao; Đặng Thị Ngọc Thịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước, cùng lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, lãnh đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các thế hệ lãnh đạo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC) qua các thời kỳ…

Lễ kỷ niệm vinh dự được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lẵng hoa chúc mừng.

Thủ tướng: Xây dựng ngành kiểm sát thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén ảnh 1 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Cùng phối hợp đẩy nhanh điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng

Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, gửi đến lãnh đạo, nguyên lãnh đạo VKSNDTC và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành kiểm sát nhân dân những lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập và Đại hội thi đua yêu nước ngành Kiểm sát nhân dân lần thứ VI.

Cũng tại đây, Thủ tướng đã điểm lại 60 năm chặng đường vẻ vang và những kết quả đạt được của ngành Kiểm sát.

Thủ tướng khẳng định, những đóng góp to lớn của ngành kiểm sát đã góp phần cùng toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta thực hiện thành công sự nghiệp xây dựng miền Bắc xã hội chủ nghĩa, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trước đây cũng như công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Thủ tướng: Xây dựng ngành kiểm sát thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén ảnh 2 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, cần xây dựng ngành Kiểm sát thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của chế độ. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Đặc biệt, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong giai đoạn 2015- 2020, ngành kiểm sát đã tập trung đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; triển khai đồng bộ các giải pháp và đã đạt kết quả toàn diện trên tất cả các mặt, góp phần tích cực vào công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, phòng chống tham nhũng, tạo được niềm tin với Đảng, Nhà nước và nhân dân.

Trong 60 năm, ngành kiểm sát đã có những đóng góp rất quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm; bảo vệ cuộc sống thanh bình cho nhân dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Viện kiểm sát các cấp luôn phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tiến hành tố tụng, truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật với hàng trăm ngàn vụ án hình sự với hàng trăm ngàn bị can. Trước tình hình vi phạm và tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp; quy mô và tính chất tội phạm ngày càng gia tăng, nghiêm trọng hơn, hậu quả nặng nề hơn, toàn ngành đã đổi mới tư duy, tổ chức bộ máy và biện pháp công tác, đấu tranh ngày càng hiệu quả đối với các tội phạm, kể cả tội phạm phi truyền thống như: tội phạm công nghệ cao, tội phạm tài chính - chứng khoán, tội phạm môi trường, tội phạm có yếu tố nước ngoài... Qua đó, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ cuộc sống thanh bình của nhân dân, tạo lập môi trường đầu tư an toàn, hấp dẫn để xây dựng và phát triển đất nước.

Thủ tướng: Xây dựng ngành kiểm sát thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén ảnh 3 Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành kiểm sát nhân dân. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Bên cạnh đó, Thủ tướng nhấn mạnh, ngành Kiểm sát đã thực hiện tốt trọng trách bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân và đã quán triệt, vận dụng tốt đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước vào từng mục tiêu, phương hướng công tác kiểm sát, phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ cách mạng; đã tham mưu cho các cấp ủy triển khai thực hiện nhiều giải pháp lớn về công tác tư pháp, chỉ đạo xử lý dứt điểm nhiều vụ, việc phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nhất là đã nâng cao vai trò, hiệu quả của công tác kiểm sát trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay.

Đặc biệt, trong thời gian qua, VKSNDTC đã chủ động tham mưu với Đảng, Nhà nước nhiều biện pháp thiết thực; phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an, Tòa án Nhân dân Tối cao và Ban Nội chính Trung ương kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là việc áp dụng các biện pháp tố tụng làm rõ hành vi phạm tội, đẩy nhanh tiến độ, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, dứt điểm các vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; bảo đảm việc điều tra, truy tố, xét xử một cách khoa học, bài bản, chắc chắn hơn; chủ động và kiên quyết áp dụng các biện pháp tố tụng để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng theo đúng quan điểm của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Một trong hai chức năng quan trọng của ngành kiểm sát là thực hành quyền công tố. Thủ tướng cho rằng, trách nhiệm công tố ngày càng được đề cao, kiểm sát các hoạt động tư pháp được tăng cường. Chất lượng công tác kiểm sát ngày càng được nâng cao, gắn với hoạt động điều tra và bảo đảm nguyên tắc tranh tụng. Thông qua các bản cáo trạng, bản luận tội sắc bén, tâm phục, khẩu phục, có tác dụng xử lý nghiêm minh, đúng người, đúng tội, cũng như răn đe, phòng ngừa tội phạm. Chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên được nâng lên. Những trường hợp oan, sai chiếm tỷ lệ nhỏ và giảm dần theo từng năm.

Thủ tướng: Xây dựng ngành kiểm sát thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén ảnh 4 Thay mặt toàn thể cán bộ ngành kiểm sát, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí nhận Huân chương Hồ Chí Minh. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Ghi nhận những đóng góp quan trọng, to lớn cho sự nghiệp cách mạng trong 60 năm qua, Đảng, Nhà nước đã trao tặng cho ngành kiểm sát nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Độc lập hạng Nhất…

Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương, chúc mừng những thành tựu của ngành kiểm sát đạt được trong suốt 60 năm qua.

Để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong bối cảnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức kể cả trong nước và quốc tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị ngành Kiểm sát nhân dân cần thực hiện tốt chức năng Hiến định là thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; trong đó tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Bám sát nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước giao, quán triệt, thực hiện hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực tư pháp; góp phần xây dựng và bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, bảo vệ Tổ quốc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa…

Thủ tướng cũng đề nghị ngành kiểm sát thực hiện hiệu lực, hiệu quả chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện Kiểm sát nhân dân. Đây là trách nhiệm chính trị của ngành Kiểm sát trước Đảng, là hoạt động bảo đảm tính tuân thủ Hiến pháp trong hoạt động tư pháp. Viện kiểm sát phải thực sự là công cụ sắc bén của Đảng trong công tác đấu tranh phát hiện, xử lý tội phạm tham nhũng, góp phần bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, củng cố niềm tin của nhân dân.

Thủ tướng: Xây dựng ngành kiểm sát thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén ảnh 5 Cũng trong buổi lễ, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Lê Minh Trí được trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Ảnh: ĐỖ TRUNG

Tiếp tục phát huy trách nhiệm, hiệu quả hoạt động kiểm sát tư pháp, nhất là của Cơ quan điều tra VKSNDTC, bảo đảm cơ quan này thực sự là thiết chế kiểm soát quyền lực trong hoạt động tư pháp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh thêm về nhiệm vụ sắp tới của ngành kiểm sát. Theo đó, ngành cần nâng cao hơn nữa chất lượng công tác thực hành quyền công tố, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp; Tăng cường trách nhiệm công tố, bảo đảm công tố phải gắn với hoạt động điều tra, thực hiện tốt nhiệm vụ chống oan sai, bỏ lọt tội phạm; phối hợp với các cơ quan hữu quan xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ án hình sự nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, các vụ, việc khiếu kiện đông người, các “điểm nóng”, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ngoài ra, cần tập trung giải quyết tốt các vụ việc, vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo. Bên cạnh đó đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chú trọng đàm phán, ký kết các thoả thuận quốc tế về tương trợ tư pháp trong đấu tranh phòng, chống tội phạm và đào tạo; nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong việc thu hồi tài sản của Nhà nước bị thất thoát trong các vụ án kinh tế, tham nhũng, ma túy liên quan tới yếu tố nước ngoài.

Dẫn lại những yêu cầu cụ thể của ngành kiểm sát mà Bác Hồ đã trực tiếp chỉ đạo khi còn sinh thời, như “Tư pháp có tốt thì xã hội mới tốt; xã hội tốt thì người dân mới có được hệ thống pháp luật bảo vệ”… Thủ tướng đề nghị ngành kiểm sát cần phát huy tư tưởng và lời dạy của Người; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân; xây dựng ngành kiểm sát thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén của chế độ ta.

Truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng lớn
Tại buổi lễ, Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho biết, từ năm 2016 đến nay ngành kiểm sát nhân dân đã tích cực đổi mới phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo; xác định phương châm “Đoàn kết, đổi mới - Trách nhiệm, kỷ cương - Thực chất, hiệu quả” là kim chỉ nam trong thực thi nhiệm vụ. 
Thủ tướng: Xây dựng ngành kiểm sát thực sự là “thanh bảo kiếm” sắc bén ảnh 6 Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: ĐỖ TRUNG
Toàn ngành tăng cường chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm; quán triệt quan điểm không hình sự hóa các quan hệ dân sự, kinh tế, tạo điều kiện cho các chủ thể vi phạm khắc phục hậu quả, nếu khắc phục tốt sẽ kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét có chính sách hình sự hoặc không xử lý hình sự; nhưng đồng thời kiên quyết không xử lý hành chính hoặc bỏ qua các hành vi phạm tội, nhất là hành vi tham nhũng, gây thất thoát nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí khẳng định, trong thời gian qua đã thể hiện rõ nét vai trò, trách nhiệm, bản lĩnh của ngành kiểm sát nhân dân trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, qua việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng, chức vụ đặc biệt lớn với hậu quả thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng.

Các đối tượng bị khởi tố từng giữ những chức vụ cao trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước như vụ án Đinh La Thăng, vụ án Trịnh Xuân Thanh, vụ án AVG, vụ án Phan Văn Anh Vũ; được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đánh giá cao, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, tin tưởng.

"Nổi bật trong điều tra tội phạm tham nhũng vừa qua là đã chứng minh được yếu tố vụ lợi, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng lớn, đồng thời xác định công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng là mục tiêu, yêu cầu quan trọng nhất trong giải quyết, xử lý án tham nhũng, do đó ngành kiểm sát đã chủ động phối hợp với cơ quan điều tra thực hiện các biện pháp thu giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của bị can và người liên quan ngay từ giai đoạn khởi tố, điều tra trực tiếp ban hành lệnh kê biên tài sản trong giai đoạn truy tố theo thẩm quyền hoặc kiến nghị Hội đồng xét xử thu hồi tài sản cho Nhà nước", Viện trưởng VKSNDTC Lê Minh Trí cho hay.

Nhân dịp này, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh cho ngành kiểm sát nhân dân và Huân chương Lao động hạng Nhất cho đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSNDTC.

Tin cùng chuyên mục