Thủ tướng yêu cầu không để lan rộng dịch bệnh tiêu chảy cấp

* Thêm nhiều bệnh nhân tiêu chảy cấp dương tính với khuẩn tả

* Thêm nhiều bệnh nhân tiêu chảy cấp dương tính với khuẩn tả

Trước tình hình bệnh tiêu chảy cấp đã xuất hiện trở lại ở một số tỉnh phía Bắc, ngày 3-4, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành tập trung chỉ đạo khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ cấp bách để dập tắt dịch bệnh, không để dịch lan rộng. 

Thủ tướng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ đạo hệ thống y tế dự phòng thực hiện tốt việc phòng chống dịch, phát hiện sớm và xử lý kịp thời những nơi xảy ra dịch; chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở điều trị chuẩn bị đủ thuốc, dịch truyền để điều trị tích cực và hiệu quả cho các bệnh nhân. Thủ tướng Chính phủ cũng chỉ đạo cả hệ thống chính trị và các phương tiện thông tin đại chúng cần vào cuộc để tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động, tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, đặc biệt là giữ vệ sinh cá nhân, vệ sinh ăn uống; ăn chín, uống sôi, sử dụng thực phẩm an toàn.

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành có trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm, thức ăn đường phố; chỉ đạo việc buôn bán thực phẩm đảm bảo vệ sinh; thực hiện nghiêm việc khử trùng, khử khuẩn nước sinh hoạt để bảo đảm vệ sinh môi trường. Đồng thời, xử lý nghiêm khắc các cơ sở và cá nhân vi phạm quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm, vệ sinh môi trường. Nghiêm cấm việc sử dụng phân tươi, nguồn nước ô nhiễm để tưới, bón rau để tránh làm lây lan mầm bệnh ra môi trường.

Ngày 3-4, Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết, trong ngày đã có thêm 7 bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm phải nhập viện, nâng số bệnh nhân đang điều trị tại đây lên 161 người. Ngoài ra, số ca bệnh được xét nghiệm dương tính với khuẩn tả tại viện cũng lên tới 85 trường hợp, tăng thêm 18 ca so với ngày 2-4. Như vậy, tính đến ngày 3-4, số trường hợp tiêu chảy cấp xác định có khuẩn tả tại 10 địa phương ở phía Bắc đã là 103 ca.

PGS.TS Nguyễn Đức Hiền, Viện trưởng Viện Các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia cho biết, những trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện vẫn chủ yếu ở Hà Nội, còn lại một số ít ở các địa phương như Bắc Ninh, Hà Tây, Nam Định, Thanh Hóa. Trong số bệnh nhân ở Hà Nội, quận Hoàng Mai, Thanh Xuân và Đống Đa vẫn chiếm số đông. Riêng 2 quận Hoàng Mai và Thanh Xuân, hầu hết bệnh nhân tiêu chảy cấp nhập viện trong thời điểm này đều chưa uống vaccine phòng tả.

Đáng chú ý, trong đợt dịch này có khoảng 10%-15% ca bệnh nặng với biểu hiện trụy mạch. Một số trường hợp do nhập viện muộn, mất nước nhiều, bệnh nhân bị trụy mạch nặng chuyển sang suy thận, phải tiến hành lọc máu ngoài cơ thể cho bệnh nhân đến 4-5 lần mới ổn định. Theo ông Hiền, những bệnh nhân này nếu để muộn hơn nữa mới nhập viện có thể dẫn đến suy thận thực thể, suy thận mãn và phải lọc máu suốt đời.

Để đối phó với dịch tiêu chảy cấp nguy hiểm đang lan rộng, 5 đoàn kiểm tra liên ngành gồm (Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương) đã được thành lập và sẽ tiến hành kiểm tra về vệ sinh an toàn thực phẩm trên phạm vi toàn quốc. Với Hà Nội, trong hai ngày 4 và 5-4, đoàn kiểm tra liên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm và giám sát dịch bệnh của Hà Nội sẽ đi kiểm tra tại một số chợ và cơ sở kinh doanh thực phẩm, đặc biệt là thức ăn đường phố.

Cũng tính đến chiều 3-4, Sở Y tế Hải Phòng cho biết, tổng số bệnh nhân tiêu chảy cấp nguy hiểm tại đây đã lên tới 47 người, trong đó có 2 trẻ em. Số ca được xét nghiệm dương tính với khuẩn tả là 34 người. Ngoài ra cũng đã có 22 trường hợp được xuất viện.

Ngày 3-4, tin từ một số bệnh viện tại TPHCM cho biết đến nay chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ bị tiêu chảy cấp. Theo BS Phạm Thị Ngọc Tuyết, Trưởng khoa Tiêu hóa BV Nhi đồng 2, hiện số trẻ nhập viện do tiêu chảy vẫn dao động từ 30-35 ca/ngày, không tăng so với các tháng trước. Bệnh viện cũng đã tiến hành xét nghiệm phẩy khuẩn tả một số trường hợp nghi ngờ nhưng đều cho kết quả âm tính. Thông tin từ BV Bệnh nhiệt đới TPHCM cũng cho biết chưa ghi nhận trường hợp nghi ngờ tiêu chảy cấp. Lượng bệnh nhân bị tiêu chảy thông thường nhập viện không gia tăng đột biến. Một số BV khác như Nhi đồng 1, Nhân dân Gia Định… cũng chưa phát hiện trường hợp nghi ngờ tiêu chảy cấp.

BS Phan Công Hùng, Khoa Y tế công cộng Viện Pasteur TPHCM, cho biết viện vẫn thường xuyên theo dõi tình hình dịch bệnh tiêu chảy ở khu vực phía Nam, đặc biệt là TPHCM, nhưng đến nay chưa nhận được thông tin nào từ các địa phương về tiêu chảy cấp. Viện đã có kế hoạch tăng cường phối hợp cùng các địa phương tuyên truyền, tập huấn, giám sát về dịch bệnh tiêu chảy. Các trang thiết bị, hóa chất phòng chống dịch tiêu chảy cấp được chuẩn bị khá đầy đủ. Trong trường hợp phát hiện ca nghi ngờ tiêu chảy cấp sẽ nhanh chóng kết hợp cùng y tế các địa phương khoanh vùng, dập dịch.

NHÓM PV

Tin cùng chuyên mục