Thừa Thiên- Huế: 17.000 tỷ đồng xây dựng trung tâm Khoa học – Công nghệ

Sáng nay 14-5, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, đã phê duyệt đề án “Xây dựng Thừa Thiên- Huế trở thành một trong những trung tâm Khoa học – Công nghệ của cả nước”.

(SGGPO). - Sáng nay 14-5, ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên- Huế, đã phê duyệt đề án “Xây dựng Thừa Thiên- Huế trở thành một trong những trung tâm Khoa học – Công nghệ của cả nước”.

Theo đó, đến năm 2015, trung tâm đáp ứng cơ bản nhu cầu kiểm nghiệm hóa dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm và kiểm định tất cả các loại hàng hóa, công trình, công nghệ trên địa bàn. Đến năm 2020, Khoa học – Công nghệ đóng vai trò chủ đạo, tạo bước đột phá cho nền kinh tế của địa phương. Số lượng công bố quốc tế và quốc gia từ các đề tài nghiên cứu đến năm 2015 sử dụng ngân sách tăng 2 lần. Tăng tổng mức đầu tư xã hội cho hoạt động Khoa học – Công nghệ đạt 1,5% GDP vào năm 2015 và trên 2% GDP vào năm 2020.

Đến năm 2020, cán bộ Khoa học – Công nghệ đạt 11-12 người/10.000 dân; chỉ số đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp TFP (phần giá trị tăng trưởng do công nghệ, tri thức, trình độ quản lý) trong GDP đạt trên 35%. Trong đó, ưu tiên phát triển công nghệ sinh học, nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gen trong chẩn đoán, giám định, điều trị các loại bệnh.

Đề án này cũng tập trung vào 36 chương trình, đề án, dự án giai đoạn từ nay đến 2020. Trong đó đáng chú trọng là Đề án thành lập Khu Công nghệ cao tỉnh Thừa Thiên- Huế; thành lập Viện Nghiên cứu Bảo tồn di sản Huế, Viện Nghiên cứu Hán- Nôm, Viện Nghiên cứu Văn hóa Huế, Thư viện Hoàng Gia, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Phát triển; Bảo tàng Thiên nhiên Duyên hải miền Trung và các trung tâm ứng dụng khoa học- kỹ thuật… 

Tổng mức đầu cho đề án hơn 17.000 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, địa phương và nguồn vốn xã hội hóa.

      Văn Thắng – Trần Dương

Tin cùng chuyên mục