Ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho rằng sau 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW và 5 năm thực hiện Thông báo 175-TB/TW của Bộ Chính trị, Thừa Thiên - Huế đã dần xác lập được vị trí là đô thị “di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường”. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp. Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất theo Kết luận 48-KL/TW là “Xây dựng Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” thì địa phương vẫn chưa đạt được.
Tại hội thảo, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương cùng các chuyên gia, các nhà khoa học tập trung mổ xẻ những trụ cột phát triển của Thừa Thiên - Huế; nội hàm khái niệm thành phố di sản, mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát triển kinh tế, vai trò của Thừa Thiên - Huế trong liên kết phát triển vùng… Trong đó, để phát triển về kinh tế - xã hội của Thừa Thiên - Huế lên tầm cao mới, tương xứng với tiềm năng, thế mạnh… thì việc đề nghị Bộ Chính trị xem xét, ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên - Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 dựa trên những luận điểm, lý giải khoa học và thực tiễn là rất cần thiết. Qua đó, giúp Thừa Thiên - Huế xác định lại một cách rõ ràng hơn, sát thực hơn với những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong bối cảnh mới để phát triển nhanh, bền vững, nhưng vẫn đảm bảo có tính kế thừa.
Đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận 48-KL/TW, cho rằng việc xây dựng định hướng phát triển trong thời gian tới cần dựa trên những yếu tố đặc thù, lợi thế so sánh riêng có của Thừa Thiên - Huế so với những địa phương khác, đó chính là di sản văn hóa và con người Huế.
Phát triển Thừa Thiên - Huế theo hướng thành phố di sản trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra cơ chế để huy động được nhiều hơn sự quan tâm đầu tư từ Trung ương bởi Huế là cố đô, là di sản quốc gia, di sản thế giới, là thương hiệu của đất nước.