Thừa Thiên - Huế: Tranh nhau kinh doanh “mộ gió”

Thừa Thiên - Huế: Tranh nhau kinh doanh “mộ gió”

Phường An Tây của TP Huế có nhiều lăng mộ, nghĩa địa, nghĩa trang nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế. Những ngôi mộ, nghĩa trang san sát sườn dốc và lẫn khuất trong những rừng thông núi Ngự Bình, núi Thiên Thai. Đầu năm 2008 khi nghe tin UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đang manh nha việc quy hoạch lại đất đai nghĩa trang thì “nghề un mộ gió” trở thành cơn sốt. Nhà nhà ở phường An Tây tranh nhau đi tìm đất un mộ…

Nghĩa địa thật giả lẫn lộn.

Nghĩa địa thật giả lẫn lộn.

Chuyện “mộ gió” thực ra đã có từ hàng chục năm trước ở vùng phía Tây TP Huế (An Tây). Nơi đây dân cư thưa thớt, đất đai thì rộng. Những người dân ở đây nảy ra ý định khai hoang, lập vườn và lập cả những ngôi “mộ gió”. Biết nhìn xa trông rộng, họ còn cho xây bao kiên cố vì “mộ gió” xây rồi dễ bán hơn. Còn lỡ chưa bán được mà nằm trong khu vực giải tỏa thì sẽ được bồi thường.

Từ cuộc sống nghèo khó, nhiều hộ dân ở phường An Tây (TP Huế) nhanh chóng đổi đời nhờ làm “mộ gió” để bán. Thành phần “anh chị” trong địa bàn này bỗng chốc trở thành các đầu nậu (người dân Huế quen gọi bọn họ là các ông Trùm) tranh nhau lén lút tự quy hoạch “mộ gió”.

Làm “mộ gió” là những ngôi mộ được đắp giống y mộ thật mà chỉ có chủ nhân của nó mới biết được bên dưới không có hài cốt. Mạnh ai nấy được, ở đây người dân thấy miếng đất nào đẹp, thì lập tức dùng cuốc xẻng vun lên thành những ngôi “mộ gió”. Khi có mộ rồi thì không bị người khác lấn chiếm, tranh giành nữa.

Ở Ngũ Tây (phường An Tây) có nhiều người sở hữu khá nhiều “mộ gió”, mộ đất hay mộ xây rồi đều có cả. Không cần nhiều vốn liếng, chỉ bỏ công đắp mộ giả rồi ngồi đợi đã thu về hàng chục triệu/năm nên nhiều năm nay “un mộ gió” được xem là “nghề chính” của nhiều hộ dân ở An Tây. Làm không xuể lại thuê thêm người, lùng sục khắp núi đồi đánh dấu dành đất bằng những ngôi mộ giả.

Mua mộ của họ vừa nhanh vừa rẻ lại không phải làm thủ tục gì, từ 2 - 4 triệu đồng/mộ. Nếu làm ăn thuận lợi họ giàu xổi như trúng mỏ vàng, họ dùng tiền bán “mộ gió” để mua đất ở các khu quy hoạch mới tái đầu tư trở lại… Nghề này còn đẻ ra tiền ở chỗ, là người nào mua đất của “trùm” nào thì việc xây dựng, cất, bốc dời lăng mộ phải do ông “trùm” đó thực hiện với công xá rất cao. Nếu chủ nhân những khu đất ấy không “chấp hành” luật rừng này thì lăng mộ thật xây lên sẽ bị họ đập phá tan hoang.

Giá đất và công cán xây dựng lăng mộ cũng được “hét” tùy thuộc vào từng vị trí, từ 200 - 300 ngàn đồng/mộ thường thường, ở vị trí đẹp tiện đường đi giá sẽ khoảng 600 - 800 ngàn đồng/mộ. Ai cũng biết, việc lập “mộ gió” tại các khoảnh rừng thuộc sự quản lý của chính quyền và của Lâm trường Tiền Phong là vi phạm. Nhưng các ông trùm đã “qua mặt” chính quyền trót lọt, họ lén lút lên núi khoanh đất un “mộ gió” để bán lại và chỉ có họ mới biết đó là những ngôi mộ không có hài cốt.

Thực ra nếu kiên quyết và nghiêm minh thì việc xử lý nạn “mộ giả” ở thành phố Huế cũng không khó. Chính quyền cứ gọi thân nhân các ngôi mộ không có bia, không tên tuổi đến trình diện, nếu không có ai thừa nhận xem như mộ vô chủ và tiến hành cất bốc về nơi quy hoạch thì sẽ “cháy nhà ra mặt chuột”. Nếu kiên quyết làm rõ và xóa sổ cách làm ăn gian dối kia, nhà nước và lâm trường sẽ thu hồi được một diện tích đất không nhỏ.

Vũ Hào

Tin cùng chuyên mục