Hiện nay, tại ĐBSCL đã có khoảng 160.000ha lúa bị thiệt hại (tương đương 5.000 tỷ đồng) do hạn, mặn. Hạn, mặn sẽ tiếp túc gia tăng trong 1-2 tháng tới và tình hình này có thế tái diễn với mức đô khốc liệt hơn. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, lai tạo các giống lúa có khả năng chống chịu với hạn, mặn được xem là lối ra cho người trồng lúa. Công việc này đã và đang được các nhà khoa học ở các viện, trường, các địa phương trong vùng âm thầm thực hiện trong nhiều năm qua.
Lúa thơm cũng thích nghi
Tại trang trại Vườn Me ở ấp Chợ Cũ, thị trấn Mỹ Xuyên (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng), Anh hùng lao động - kỹ sư Hồ Quang Cua, nguyên Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cùng các cộng sự tất bật ra ruộng xem lúa, lại vào nhà quây quần bên các nồi cơm điện để so sánh chất lượng các giống lúa do mình lai tạo ra. Hơn 20 năm qua, kỹ sư Hồ Quang Cua cùng các đồng sự đã dày công sưu tầm và tiếp nhận các giống lúa thơm Khao Dawk Mali từ các nhà khoa học của Đại học Cần Thơ.
Từ đó, âm thầm tuyển chọn và lai tạo cho ra đời hàng chục loại lúa thơm mang thương hiệu ST (Sóc Trăng) nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn vươn ra nhiều nước trong khu vực. Hiện tại, diện tích lúa thơm chiếm 1/3 diện tích gieo trồng của toàn tỉnh, tức khoảng 100.000ha, đưa Sóc Trăng trở thành địa phương đi đầu trong cả nước về sản xuất lúa thơm đặc sản. Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết: Mặc dù các giống lúa thơm được gieo trồng thời gian qua đã có sẵn gen chịu mặn, tuy nhiên trước những diễn biến bất lợi về thời tiết như hiện nay nên 5 năm gần đây, nhóm của ông điều chỉnh phương hướng nghiên cứu: Vẫn nghiên cứu giống lúa thơm, chọn tạo những giống chất lượng để nông dân bán giá cao nhưng đồng thời chú ý những tổ hợp lai tạo ra những giống lai có chu kỳ ngắn và mức độ chịu mặn tương đối cao để đảm bảo an toàn sản xuất. Hiện nay ông đang chọn lọc khoảng 20 dòng của một tổ hợp lai với những phẩm chất ưu việt.
“Về nghiên cứu, chúng tôi vẫn tiếp tục chọn tạo các giống lúa thơm mới và xác định hướng nghiên cứu rất rõ ràng, đó là những giống lúa thơm có chu kỳ ngắn dưới 100 ngày. Thứ hai, những giống lúa này phải đảm bảo tiêu chí chất lượng để có thể phù hợp với thị trường tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu để nông dân có thu nhập cao, còn về độ mặn thì hầu hết lúa thơm này đều thừa hưởng gen lúa Khao Dawk Mali của Thái Lan, nên chịu đựng độ mặn 3 phần ngàn không thành vấn đề”, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết.
PGS-TS Võ Công Thành (giữa) và niềm vui lai tạo thành công giống lúa chịu mặn trên 12‰. Ảnh: TẤN ĐẠT
Chịu được mặn trên 12‰
Hiện nay, ĐBSCL có một bộ giống lúa chịu được mặn ở nồng độ 4‰ - 8‰ giai đoạn cây con, nhưng điều quan trọng là nông dân cần giống lúa chịu mặn trong giai đoạn trổ, cuối vụ. Theo PGS-TS Mai Thành Phụng, nguyên Trưởng bộ phận Thường trực phía Nam Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cái khó là trong số những giống lúa chống mặn, kháng mặn do các viện, trường, địa phương nghiên cứu, lai tạo… đa số chịu được mặn ở giai đoạn đầu, tức giai đoạn mạ, có rất ít giống lúa chịu được mặn giai đoạn trổ cho đến chín. Hầu hết các giống lúa hiện có, khi trổ đều chịu độ mặn dưới 2‰. Nếu bơm nước mặn hơn 2‰ vào, lúa bị thiệt hại năng suất ít nhất 30%, thậm chí 50% trở lên. Do đó, trong tình hình hiện nay cần phải nghiên cứu, lai tạo ra những giống lúa chẳng những chịu được độ mặn cao ở giai đoạn trổ mà còn được thị trường chấp nhận.
Tại ĐBSCL, thời gian qua nhiều địa phương đã phối hợp với các nhà khoa học ở một số viện, trường nghiên cứu lai tạo một số giống lúa chịu được độ mặn từ lúc trổ cho đến khi chín. Cách đây 4 năm, huyện Hồng Dân (Bạc Liêu) đã liên kết với Trường Đại học Cần Thơ nghiên cứu, thử nghiệm giống lúa chịu mặn. Đến nay huyện đã có 2 giống lúa gieo sạ ở những vùng phèn mặn cao sản xuất. Trong đó giống lúa Một Bụi Đỏ cải tiến lần 2 được canh tác từ 6.000 - 15.000ha/vụ, năng suất khá cao gần 6 tấn/ha. Giống này có khả năng chịu mặn từ 6‰ - 8‰ vào giai đoạn đầu và giai đoạn cuối vụ chịu mặn từ 5‰ - 6‰. Riêng giống lúa Sỏi có thời gian sinh trưởng từ 95 - 110 ngày với khả năng chịu mặn giai đoạn đầu rất cao trên 10‰, giai đoạn trổ đến chín chịu mặn 4‰ - 5‰.
Theo PGS-TS Võ Công Thành, Trưởng bộ môn Di truyền giống nông nghiệp (Khoa nông nghiệp và sinh học ứng dụng - Trường Đại học Cần Thơ), ông cùng các cộng sự vừa nghiên cứu thành công một giống lúa mới. Qua trồng thử nghiệm ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, giống lúa này chịu được độ mặn 12,7‰ ở giai đoạn cuối, có thể sống thiếu nước trong 15 ngày và bị ngập khoảng 1 tuần. Nhiều địa phương chịu tác động của hạn - mặn đã chủ động chuyển đổi một số cây trồng cho phù hợp với điều kiện thiếu nước ngọt hiện nay. Song trên diện rộng, diện tích đất trồng lúa vẫn chiếm cao nhất trong sản xuất nông nghiệp của vùng (với khoảng 1,6 triệu ha và mỗi năm sản xuất 3 vụ/4 triệu ha). Chính vì vậy, việc lai tạo được “giống lúa siêu chịu mặn” ở ngưỡng trên 12‰ đáng gọi là kỳ tích. Nghiên cứu này cần được ở rộng để có thể sản xuất nhân rộng nguồn lúa giống cho nông dân sản xuất để thích ứng với biến đổi khí hậu đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất của vựa lúa ĐBSCL.
PHONG TẤN - VĨNH TƯỜNG