Thực chất ​

Các chính sách hỗ trợ tích cực, thiết thực của Chính phủ thời gian gần đây được xem như đòn bẩy mãnh liệt giúp doanh nghiệp (DN), đặc biệt là các bạn trẻ có động lực kinh doanh, làm giàu, vươn ra thế giới. Đây thực sự là tín hiệu tích cực, rất đáng mừng. 
Nhưng để khởi nghiệp đi vào chiều sâu, thực chất hơn, cần rất nhiều yếu tố khác nữa. 
Tại các hội thảo lớn về khởi nghiệp, nhiều DN đã chỉ ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc nội tại. Những khó khăn này không chỉ liên quan đến rào cản về cơ chế, chính sách, thiếu vốn mà còn có vai trò của nguồn nhân lực; đồng thời, cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về thời gian, phân bổ các khoản đầu tư… 
Trong quyển sách Startup Communities, tác giả Brad Feld cho rằng, mất khoảng 20 năm để phát triển một hệ sinh thái khởi nghiệp tại một thành phố hoặc vùng. Ví dụ, tại New York (Mỹ), nơi các hệ sinh thái khởi nghiệp đang phát triển rực rỡ như hiện nay đã được hỗ trợ bằng các biện pháp thiết thực, triển khai từ vài chục năm trước. Tương tự, đối với quốc gia Israel và Singapore cũng vậy, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp đã được nước bạn triển khai từ năm 1990. Một quốc gia nổi tiếng với vườn ươm khởi nghiệp mang tên “Digital Media Zone” tại Trường Đại học Ryerson (Toronto, Canada) đã ươm tạo được trên 130 mô hình khởi nghiệp với tổng số vốn hơn 40 triệu USD.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, doanh nhân khởi nghiệp tại các vườn ươm có cơ hội thành công cao hơn… Một số dẫn chứng trên đây để thấy vai trò dẫn dắt, đầu tàu của Nhà nước trong việc phát hiện, định hướng, hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp phát triển rộng khắp; thúc đẩy nền kinh tế quốc gia tạo ra chuỗi giá trị gia tăng trong thời kỳ hội nhập. 
Tuy nhiên, có vấn đề được không ít lãnh đạo DN quan tâm, chính là muốn trò giỏi cần phải có thầy giỏi. Vậy những người thầy này là ai? Câu trả lời không chỉ giới hạn ở những người thầy nặng về lý thuyết mà cần phải có những người thầy trực tiếp làm kinh tế, đó là những người thầy DN. Bởi chính những doanh nhân thành đạt sẽ là người truyền cảm hứng lớn đến chính những học trò đang ngồi trên ghế nhà trường (học sinh, sinh viên).
Thêm nữa, bản thân những bạn trẻ khởi nghiệp cũng nên chuẩn bị sẵn hành trình dấn thân đầy khó khăn, thách thức phía trước. Các chuyên gia nhận định, hành trình khởi nghiệp luôn chông gai, cần sức bền và bản lĩnh. Trước khi kinh doanh, các bạn trẻ nên học, đọc, thực hành thật nhiều. Qua chia sẻ thông tin từ chính một số nhà đầu tư mạo hiểm thì một trong những nguyên nhân thất bại của việc gọi vốn khởi nghiệp, bao gồm ý tưởng thiếu khả thi, tự tin thái quá về kế hoạch, chọn thời điểm gọi vốn không phù hợp, chưa biết cách tiếp cận hoặc vội vàng rời bỏ nhà đầu tư… 
Tóm lại, ngoài những yếu tố trợ lực khách quan (cơ chế, chính sách, ưu đãi về vốn…), bản thân những doanh nhân trẻ tương lai cũng phải chủ động để nắm bắt cơ hội. Lời khuyên này được chính các chuyên gia kinh tế nhắn nhủ tới các thanh niên đã và đang khởi nghiệp trong thời đại công nghệ số; qua đó, góp phần định hướng hiệu quả giúp khởi nghiệp có chiều sâu, thực chất hơn; tránh tâm lý khởi nghiệp theo xu hướng, đám đông hay phong trào.

Tin cùng chuyên mục