Thúc đẩy chính phủ điện tử

Một cô nhân viên bị mất trộm xe máy nên phải mua chiếc xe khác. Tốn hơn 40 triệu đồng để mua xe mới đã làm cô tiếc nuối, nhưng công đoạn đi đi lại lại trong vòng mấy ngày để làm thủ tục đăng ký xe mới thực sự khiến cô thấy muộn phiền.

Một cô nhân viên bị mất trộm xe máy nên phải mua chiếc xe khác. Tốn hơn 40 triệu đồng để mua xe mới đã làm cô tiếc nuối, nhưng công đoạn đi đi lại lại trong vòng mấy ngày để làm thủ tục đăng ký xe mới thực sự khiến cô thấy muộn phiền.

Buổi đầu tiên là đến cơ quan thuế để lấy phiếu nộp phí trước bạ, sau đó sang kho bạc để nộp. Nộp được phí mới có chứng từ để đến nơi cấp biển đăng ký xe làm thủ tục. Hôm đầu tiên vì đến muộn nên hết số, cô phải quay lại ngày thứ hai mới đến lượt làm thủ tục đăng ký biển, giấy tờ xe. Làm thủ tục xong lại đợi thêm mấy ngày để quay lại lấy giấy tờ. Như vậy, cô mất tới mấy buổi đi đi lại lại (vì các nơi này chỉ làm việc buổi sáng) mới xong việc đăng ký xe, chờ đợi khá mệt mỏi.

Đây chỉ là một trong số hàng trăm dịch vụ công mà người dân đang hàng ngày phải giao dịch trực tiếp với các cơ quan nhà nước. Mất thời gian đi lại, chờ chực đến lượt, thủ tục nhiêu khê, hẹn đi hẹn lại nhiều lần, chạy qua nhiều “cửa”... là điều mà người dân phải trải qua khi thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công. Điều này đã được người dân, các doanh nghiệp phản ánh rất nhiều trong những năm qua với tâm trạng bức xúc. Đáng nói hơn, để đỡ phải chịu cảnh nhiêu khê trong việc giao dịch các loại dịch vụ công, một bộ phận người dân, doanh nghiệp sẵn sàng bỏ chi phí “bôi trơn” cho nhanh việc, dẫn đến tình trạng tiêu cực, tham nhũng vặt, nhũng nhiễu, đòi hỏi ở một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức quản lý và cung cấp dịch vụ công.

Trước tình hình đó, trong nhiều năm gần đây, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt việc đẩy mạnh cải cách hành chính, giảm bớt những thủ tục không cần thiết, áp dụng cơ chế một cửa liên thông... nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giao dịch hành chính, dịch vụ công. Đến hết tháng 6-2015, các bộ ngành đã đơn giản hóa 4.452 thủ tục hành chính trên tổng số 4.723 thủ tục hành chính phải đơn giản hóa. Những cải thiện về hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan, ngân hàng, bảo hiểm xã hội trong thời gian qua đã được các doanh nghiệp, người dân đánh giá là “dễ thở” hơn trước đây. Tuy vậy, để đáp ứng được yêu cầu của nhân dân, doanh nghiệp thì việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính cần phải triển khai quyết liệt hơn nữa.

Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về chính phủ điện tử với mục tiêu đẩy mạnh phát triển chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn. Nâng vị trí của Việt Nam về chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hiệp quốc; công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Cụ thể, trong 3 năm 2015-2017 tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến, bảo đảm rút ngắn quy trình xử lý, giảm số lượng và đơn giản hóa, chuẩn hóa nội dung hồ sơ, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính. Phấn đấu đến hết năm 2016 các bộ, ngành có 100% các dịch vụ công được cung cấp trực tuyến ở mức độ cho phép người sử dụng điền và gửi trực tuyến các mẫu văn bản đến cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ. Các giao dịch trong quá trình xử lý hồ sơ và cung cấp dịch vụ được thực hiện trên môi trường mạng. Cổng dịch vụ công quốc gia cũng sẽ được thiết lập để tích hợp tất cả các dịch vụ công trực tuyến của các bộ, ngành, địa phương…

Như vậy, nếu Nghị quyết về chính phủ điện tử được triển khai hiệu quả thì vụ cô nhân viên mất xe trên có thể không phải mất tới 3-4 ngày làm thủ tục đăng ký xe. Người dân, doanh nghiệp cũng sẽ không bị “hành” bởi một loạt các thủ tục hành chính nhiêu khê và một bộ phận cán bộ, công chức viên chức có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Tham nhũng vặt chắc chắn cũng sẽ được hạn chế đi nhiều khi chúng ta đưa vào thực hiện phổ biến chứng từ, hồ sơ điện, thu phạt vi phạm hành chính qua mạng điện tử… như nghị quyết đã nêu. Rõ ràng, thời đại CNTT như hiện nay, không thể không đẩy mạnh chính phủ điện tử. Người dân và doanh nghiệp với trình độ, điều kiện tiếp cận CNTT đã có thể không phí nhiều thời gian, tâm sức để chạy đi chạy lại các cơ quan hành chính chỉ để thực hiện một giao dịch công. Quan trọng hơn, bên cạnh việc tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp thì chính phủ điện tử với tính năng của nó sẽ gia tăng sức cạnh tranh quốc gia, nâng cao môi trường đầu tư kinh doanh - một trong những yêu cầu sống còn của chúng ta hiện nay. Vì lợi ích của người dân, của đất nước, Nghị quyết về chính phủ điện tử phải bảo đảm được thực thi một cách nghiêm túc, hiệu quả.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục