Chỉ có 2/54 trạm có vấn đề thì cũng... không nhiều, vả lại một trạm (Thái Nguyên - Chợ Mới) dự kiến được công bố phương án xử lý trong tháng 5 tới, còn một trạm nữa (BOT Cai Lậy - Tiền Giang) đang thực hiện hàng loạt giải pháp… Vị Thứ trưởng hàm ý việc thực hiện các dự án BOT cơ bản đang thuận buồm xuôi gió.
Không được lạc quan như thế, nhiều nhà đầu tư bày tỏ bức xúc vì có sự bất bình đẳng giữa cơ quan quản lý nhà nước và nhà đầu tư tư nhân trong việc thực hiện các hợp đồng đối tác công tư (PPP) đã ký và vì sự bất an khi dự án gặp những rủi ro không tiên liệu được.
Ông Lưu Xuân Thủy, Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Đầu tư Đèo Cả, kể, tại một dự án mà công ty này đã triển khai, theo hợp đồng PPP đã ký, sẽ có 7 trạm thu phí được xây dựng. Mặc dù không có một cuộc thương lượng nào với nhà đầu tư nhưng Bộ GT-VT đã cắt đi một trạm. Đến nay, Đèo Cả vẫn chưa thể thực hiện được việc thu phí tại hầm Hải Vân, sau khi công ty đã thực hiện việc sửa chữa, nâng cấp hầm Hải Vân số 1 và thực hiện mở rộng hầm Hải Vân số 2 mà nguyên nhân là do “được chỉ đạo”, không hề là lỗi của nhà đầu tư… Ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng Giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), nói thẳng: Dù hợp đồng quy định rất chặt chẽ, song nếu rủi ro do phía cơ quan nhà nước gây ra thì ai sẽ chịu trách nhiệm?
Trên thực tế, dù có thể chưa bị xếp vào diện “nợ xấu”, nhưng con số 26 dự án BOT trong lĩnh vực đường bộ đang thu phí hoàn vốn không đảm bảo doanh thu theo phương án tài chính cũng cho thấy lo ngại rủi ro của nhà đầu tư và ngân hàng tài trợ vốn là có cơ sở. Về phía ngân hàng tài trợ, do các khoản vay đối với các dự án BOT, BT giao thông có mức vay lớn, thời gian vay kéo dài (15 - 20 năm), trong khi nguồn vốn vay của các ngân hàng chủ yếu là vay ngắn hạn nên khi xảy ra vướng mắc, đặc biệt là vướng mắc trong thu phí, khả năng trả nợ sẽ bị ảnh hưởng, kéo theo chất lượng tín dụng của các ngân hàng, về dài hạn, cũng đi xuống theo.
Trong khi đó, hợp tác công - tư thực sự là một trong những giải pháp chủ chốt để giải quyết bài toán thiếu vốn cho đầu tư cơ sở hạ tầng. Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, thời gian qua, số lượng dự án hợp tác công - tư dù chỉ chiếm 5% trong tổng số dự án đầu tư công của TPHCM, nhưng lượng vốn huy động được cao gấp 3 lần tổng số vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020.
Tại các hội thảo đóng góp ý kiến xây dựng dự án Luật PPP (sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 8 vào tháng 10, dự kiến thông qua trong năm 2020), nhiều nhà đầu tư đã đề xuất với Chính phủ về cơ chế chia sẻ rủi ro, thông qua việc bảo lãnh doanh thu khi dự thảo luật chưa đề cập đến vấn đề này. Quả thực đây là vấn đề nhạy cảm: bảo lãnh doanh thu nghĩa là Chính phủ cam kết dùng ngân sách bù thêm cho nhà đầu tư trong trường hợp doanh thu dự án không đạt như hợp đồng. Ngân sách rất có thể sẽ bị thâm hụt lớn.
Mặc dù vậy, cả Ngân hàng Thế giới (WB) và Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) cũng ủng hộ nguyên tắc chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ với nhà đầu tư, với điều kiện các dự án được lựa chọn theo một quy trình đấu thầu minh bạch, cạnh tranh; hoặc cho phép các dự án được phát triển bởi các nhà tài trợ hàng đầu thế giới trên cơ sở các đề xuất tự nguyện hoặc chỉ định thầu trực tiếp để thí điểm trong các lĩnh vực có mức độ ưu tiên cao, nhằm xây dựng được tiêu chuẩn cơ bản về hồ sơ.
Đúng là nếu không chấp nhận nguyên tắc này thì sẽ khó thu hút được nhà đầu tư tư nhân, nhất là nhà đầu tư ngoại. Nhưng nếu bảo lãnh và không thiết kế các điều kiện kiểm soát bảo lãnh chặt chẽ, công khai tối đa các dự án PPP, để người dân - bên trả phí - được tham gia giám sát việc vận hành các dự án này thì nguy cơ thất thoát là rất lớn. Thua thiệt, không ai khác, sẽ lại chính là những người đóng thuế.