Thúc đẩy liên kết phát triển bền vững vùng ĐBSCL

Sáng 6-3, tại Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng biến đổi khí hậu. Cùng dự hội nghị có lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh ĐBSCL, các hiệp hội, doanh nghiệp…

Một trong những mục tiêu quan trọng của hội nghị là thúc đẩy liên kết vùng ĐBSCL thành một thực thể thống nhất để phát huy tiềm năng, lợi thế, chuyển tư duy sản xuất nông nghiệp sang làm kinh tế nông nghiệp.

Thúc đẩy liên kết phát triển bền vững vùng ĐBSCL ảnh 1 Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan gian hàng triển lãm sản phẩm nông nghiệp-nông thôn tiêu biểu của tỉnh Kiên Giang. Ảnh: ĐOÀN BẮC

Vùng đất giàu tiềm năng, nhưng nhiều thách thức

Theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, vùng ĐBSCL có diện tích tự nhiên 39.700km2, chiếm 12,2% diện tích cả nước, dân số khoảng 18 triệu người, chiếm 19% dân số cả nước. ĐBSCL là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông nghiệp của cả nước. Khu vực này có vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm 4 tỉnh, thành là TP Cần Thơ, tỉnh An Giang, Kiên Giang và Cà Mau. Đây là nơi có vai trò quan trọng trong chuyển giao công nghệ sinh học, cung cấp giống, các dịch vụ kỹ thuật logistics, chế biến và xuất khẩu.

Năm 2021, giá trị gia tăng tổng sản phẩm ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL tăng 1,6%, chiếm 32,2% giá trị gia tăng tổng sản phẩm trên địa bàn toàn vùng và chiếm 31,3% giá trị gia tăng tổng sản phẩm toàn ngành nông nghiệp cả nước… Dù giàu về tiềm năng, lợi thế, song ĐBSCL cũng đối mặt với nhiều thách thức.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan nhìn nhận, nông nghiệp Việt Nam, trong đó có ĐBSCL gặp khó bởi tác động của biến đổi khí hậu, biến động thị trường, biến đổi xu thế tiêu dùng trên thế giới, tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu trong đợt bùng phát dịch Covid-19... Song, thách thức lớn hơn, được nhắc nhiều lần trên các diễn đàn, đó là một nền nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu tính liên kết vùng.

“Tư duy theo từng mùa vụ của nông dân, tầm nhìn theo từng thương vụ của doanh nghiệp… vô tình gây trở ngại cho mục tiêu liên kết bền vững giữa sản xuất và tiêu thụ. Một khi vùng nguyên liệu cây ăn trái, thủy sản, lúa gạo còn phân tán đã khiến công tác quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại nông sản gặp khó khăn…”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan trăn trở.

Từ các vấn đề nội tại cho thấy, dù hạ tầng được đầu tư như thế nào, nhưng nếu không giải quyết thỏa đáng những nút thắt vừa nêu thì sự chuyển biến sẽ chậm.

Thúc đẩy liên kết phát triển bền vững vùng ĐBSCL ảnh 2 Hệ thống thủy lợi ở ĐBSCL ngày càng được quan tâm đầu tư rất mạnh 

Khát vọng vùng đất “Chín Rồng”

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, phát triển nông nghiệp là hướng đi tất yếu và bền vững của ĐBSCL. Trong nhiều giải pháp, thì việc hình thành các cụm công nghiệp, đô thị, dịch vụ để làm nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển nông nghiệp là hết sức cần thiết. Các vùng đô thị sẽ đóng vai trò là trung tâm đào tạo nguồn nhân lực, điểm kết nối tiêu thụ nông sản, trung tâm nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Anh hùng lao động Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Lộc Trời, đề xuất chuyển đổi mô hình sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang mô hình cánh đồng lớn, tăng cường liên kết các hộ dân, các địa phương và liên kết cả vùng… để xây dựng thương hiệu nông sản, thương hiệu gạo Việt Nam thì mới phát triển được.

“Chỉ có mô hình hợp tác xã mới đủ sức liên kết hộ nông dân để chuyển những cánh đồng nhỏ sang cánh đồng lớn. Thống nhất cây giống, mùa vụ, phương thức canh tác hiện đại, hữu cơ… nhằm nâng chất lượng, tiến tới xây dựng thương hiệu. Việc phát triển từng hợp tác xã cần có diện tích tối thiểu 1.000ha”, ông Huỳnh Văn Thòn phát biểu.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định, Bộ NN-PTNT sẽ khai trương Văn phòng điều phối nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ điều phối công tác quy hoạch sản xuất, chuẩn hóa vùng nguyên liệu; kết nối doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến sâu; nối kết chuỗi ngành hàng, hỗ trợ nâng cao chất lượng hợp tác xã, hình thành mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ; điều phối vận hành các công trình thủy lợi đảm bảo đồng bộ toàn hệ thống; hỗ trợ chuyển đổi số nông nghiệp cấp vùng. Ngoài ra, cũng sẽ hỗ trợ điều phối các dự án tài trợ quốc tế có tính liên tỉnh, liên vùng; kết hợp hài hòa giữa đầu tư công trình và các giải pháp phi công trình, mở ra không gian kinh tế nông thôn”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết.

Thúc đẩy liên kết phát triển bền vững vùng ĐBSCL ảnh 3 Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu gợi ý thảo luận. Ảnh: Q.BÌNH

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu quan điểm phát triển của ĐBSCL: “Tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, thích ứng chủ động, chuyển đổi linh hoạt, giá trị nâng cao, nguồn lực công tư, đời sống chất lượng”. Tư duy không được chậm trễ, phải thật nhanh, xác định các yếu tố chiến lược, cấp bách để tập trung hoàn thiện. Cơ chế, chính sách chưa phù hợp thì điều chỉnh. Tầm nhìn phải đủ dài để đảm bảo tính ổn định về giá trị, thương hiệu và chất lượng. Thích ứng phải chủ động để nâng cao hiệu quả. Nguồn lực phải công tư, dựa vào nội lực là chính; xem nội lực là trung tâm, cốt lõi và bền vững.

Thủ tướng đưa ra 9 nhóm giải pháp: Một là, thể chế, cơ chế chính sách phải nhanh chóng hoàn thiện. Hai là, quy hoạch phải 4 tốt (quy hoạch tốt, dự án tốt, nhà đầu tư tốt, sản phẩm tốt). Ba là, xây dựng sản phẩm, thương hiệu du lịch, thương hiệu nông sản. Bốn là, hạ tầng dứt khoát không đầu tư dàn trải, mà tập trung vào hạ tầng chiến lược. Năm là, đa dạng hóa nguồn tài chính, đẩy mạnh hợp tác công - tư; không có phát triển nào mà nhà nước chịu được hết, mà phải xã hội hóa. Sáu là, nhân lực phải đào tạo nghề, phát triển tri thức vùng ĐBSCL, xây dựng các cơ sở đào tạo nghề, chuyển đổi nghề, xây các trường cao đẳng, đại học. Bảy là, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Tám là, thúc đẩy liên kết vùng, liên kết tiêu thụ sản phẩm. Chín là, quản trị hiện đại; phát triển, mở rộng thị trường; các bộ ngành phải đồng hành, gắn bó với các địa phương.

“Đến nay, Nghị quyết 120 về phát triển bền vững ĐBSCL, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu đã giải quyết được gì rồi? Bây giờ về thể chế cần làm gì, phạm vi của Chính phủ phải làm ngay việc gì… Sau hội nghị này sẽ có chỉ thị của Thủ tướng để giải quyết rốt ráo hơn các vấn đề còn tồn tại ở ĐBSCL nhằm giúp khu vực này phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết, kết luận, quy hoạch của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển vùng ĐBSCL.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo, cần tạo bước đột phá nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người dân; các tỉnh ĐBSCL phát triển nông nghiệp sinh thái phải có hiệu quả cao, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh; xác định nông dân là trung tâm, nông thôn là nền tảng, nông nghiệp là động lực; gắn kết chặt nông nghiệp với công nghiệp, dịch vụ để mang lại giá trị cao hơn.

Thúc đẩy liên kết phát triển bền vững vùng ĐBSCL ảnh 4 Sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL đang phát triển theo hướng hiện đại. Ảnh: Q.BÌNH
Dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan cùng lãnh đạo 13 tỉnh thành ĐBSCL đã thống nhất ký văn bản hợp tác, liên kết cấp vùng để cùng thúc đẩy phát triển nông nghiệp nhanh và bền vững.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, việc liên kết các tỉnh thành ĐBSCL là yêu cầu bức thiết. Liên kết phải chặt chẽ, nhưng phải có tính chủ động của từng địa phương để thúc đẩy phát triển, không phải liên kết là trông chờ vào nhau…

Tin cùng chuyên mục