Thúc đẩy môi trường làm việc an toàn, lành mạnh

Đây là chủ đề của cuộc đối thoại toàn cầu “Ngày An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc năm 2023” vừa được Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức nhằm ghi nhận an toàn sức khỏe nghề nghiệp là một quyền cơ bản và là thông điệp mà ILO muốn gửi tới các chính phủ và người sử dụng lao động.
Mọi người lao động đều có quyền được bảo vệ khỏi các mối nguy hiểm và rủi ro
Mọi người lao động đều có quyền được bảo vệ khỏi các mối nguy hiểm và rủi ro

Bức tranh ảm đạm

Theo bà Chihoko Asada-Miyakawa, Giám đốc khu vực châu Á và Thái Bình Dương của ILO, trên thực tế, hàng năm có khoảng 2,9 triệu phụ nữ và nam giới khắp thế giới phải gánh chịu hậu quả của tai nạn hoặc bệnh tật liên quan đến công việc; khoảng 374 triệu người lao động bị thương tật, tàn phế do tai nạn lao động. Mỗi ngày, có hơn 8.000 trường hợp tử vong. Ước tính trên toàn thế giới, có 160 triệu nạn nhân mắc các bệnh liên quan đến công việc như ung thư, bệnh hô hấp cấp tính và bệnh tim mạch. Mức độ thiệt hại là vô cùng lớn, với cá nhân cũng như tổn thất về kinh tế.

Tác hại nhất đối với sức khỏe con người và chất lượng môi trường là khí thải kim loại nặng (đồng, chì và thủy ngân). Các ngành công nghiệp như dệt, da, giấy, kim loại, cao su, phân bón, sơn, chế biến gỗ, xi măng, đá cẩm thạch, nhựa và gốm sứ, cũng như thăm dò và sản xuất dầu khí, các ngành kỹ thuật và sản xuất thép… tạo ra những mối nguy cho môi trường đáng kể.

ILO cho biết, việc thực thi yếu kém các luật và quy định có liên quan, và quản lý kém hiệu quả, cùng với sự gia tăng dân số cao, đô thị hóa nhanh chóng… đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm.

Đòi hỏi cách tiếp cận chủ động

Tầm quan trọng của việc tạo môi trường có lợi cho sự an toàn và sức khỏe tại nơi làm việc đã khuyến cáo trên thế giới sau Covid-19. Một báo cáo quốc tế về Covid-19 nhấn mạnh đại dịch là một bước ngoặt, thúc đẩy tất cả phải đánh giá lại các chính sách và thực hành về sức khỏe và sự an toàn.

Tháng 6-2022, ILO đã thực hiện một bước tiến lịch sử khi bổ sung môi trường làm việc an toàn và lành mạnh vào danh sách các Nguyên tắc và Quyền cơ bản tại nơi làm việc trong Nghị quyết Hội nghị Lao động quốc tế. Nghị quyết nêu rõ, tất cả 187 quốc gia thành viên của ILO có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và tạo dựng một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh như một nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc, dù họ có phê chuẩn các công ước của ILO liên quan đến an toàn và sức khỏe nghề nghiệp hay không.

Vấn đề đặt ra là sau gần 1 năm, người lao động đang được hưởng môi trường làm việc an toàn và lành mạnh ở mức độ nào? Trong cuộc đối thoại toàn cầu “Ngày An toàn và Sức khỏe tại nơi làm việc năm 2023” vừa diễn ra, bà Chihoko Asada-Miyakawa đã hối thúc các chính phủ nhanh chóng thông qua việc xây dựng chương trình và chính sách quốc gia, cũng như xây dựng hệ thống thanh tra để đảm bảo tuân thủ luật pháp và chính sách an toàn vệ sinh lao động hiện hành trong nước; coi đó như một nguyên tắc cơ bản tại nơi làm việc, như một phương thức hành động mà ba bên (người lao động, người sử dụng lao động và chính phủ) có thể thực hiện trong tương lai.

Có một môi trường làm việc an toàn và lành mạnh là quyền cơ bản của người lao động. Những việc có thể làm để hiện thực hóa quyền này là rất cấp thiết, cho thấy tầm quan trọng của việc công nhận rằng mọi người lao động đều có quyền được bảo vệ khỏi các mối nguy hiểm và rủi ro có thể gây thương tích, bệnh tật hoặc tử vong khi làm việc.

ILO dự kiến tổ chức Hội nghị Lao động quốc tế thường niên (ILC) tại Geneva, Thụy Sĩ, từ ngày 5 đến 16-6. Các đại biểu là người lao động, người sử dụng lao động và chính phủ từ 187 quốc gia thành viên của ILO sẽ giải quyết nhiều vấn đề có tác động lâu dài liên quan đến việc làm như: học nghề chất lượng, bảo trợ xã hội (bảo hộ lao động), các chính sách và công nghệ hướng tới tạo môi trường làm việc bền vững.

Tin cùng chuyên mục