Năm 2009, kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước mới chỉ đạt 500 triệu USD, đến năm 2017 con số này là 5,6 tỷ USD, tăng gần 12%. Về đầu tư, UAE là quốc gia đứng thứ 2 (sau Oman) đầu tư vào Việt Nam với 19 dự án và hơn 27 triệu USD. Với vị thế là cửa ngõ đi vào thị trường 3 tỷ dân gồm Trung Đông, châu Phi và châu Âu, UAE được đánh giá là thị trường đầy tiềm năng cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Chia sẻ về triển vọng hợp tác giữ Việt Nam - UAE, ông Ashraf A.Mahate, Cục trưởng Cục Phát triển thị trường Dubai Exports, cho biết năm 2017 có một doanh nghiệp thu mua đến 20% sản lượng hạt tiêu của Việt Nam để bán tại các chợ trung tâm ở thủ đô Dubai, điều đó cho thấy Việt Nam cần tăng cường hơn nữa công tác xúc tiến, kết nối với thị trường này.
Hiện tại, ngành xuất khẩu chính của Dubai là trang sức, ngọc trai, đá quý, kim loại (chiếm 51,5%); tỷ lệ này cũng dẫn đầu ở khâu tái xuất (34,4%). Hơn nữa Việt Nam và UAE là những nền kinh tế có nhiều thế mạnh bổ sung cho nhau; trong đó, Việt Nam là cửa ngõ để các doanh nghiệp UAE tiếp cận thị trường khối ASEAN; ngược lại, UAE chính là cửa ngõ để các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường ở khu vực Trung Đông rộng lớn. Do UAE chỉ có 1% diện tích đất nông nghiệp nên để đáp ứng phục vụ sản xuất cũng như xuất khẩu, UAE phải nhập một lượng lớn nguyên vật liệu, sản phẩm từ các thị trường khác. Ngoài ra, UAE còn là thị trường trung chuyển (thị trường tái xuất lớn thứ 3 thế giới sau Hồng Công và Singapore) nên có nhu cầu nhập khẩu để tái xuất sang các nước khu vực Bắc Phi, Trung Đông, Trung Á. Theo ông Ashraf A.Mahate, Dubai có hệ thống thuế quan thấp nhất thế giới và miễn hoàn toàn thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ Dubai, có thể kết nối với thị trường trên 3 tỷ dân chỉ trong vòng 6 giờ, đảm bảo việc giao hàng trong ngày. Người đại diện phía Dubai cho rằng, thị trường Hồi giáo có quy mô lớn, ước đạt giá trị 2.000 - 3.000 tỷ USD. Ông Ashraf A.Mahate cho biết thêm, để xuất khẩu hàng hóa vào thị trường UAE được thuận lợi, các doanh nghiệp Việt nên kết hợp giữa offline và online. Đầu tiên, các doanh nghiệp nên sang Dubai gặp gỡ Dubai Exports, chúng tôi sẽ giúp thiết lập một kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp. Tiếp theo, các doanh nghiệp nên mở gian hàng giới thiệu sản phẩm hoặc mở thêm chi nhánh công ty, văn phòng đại diện tại UAE để được hưởng thêm nhiều ưu đãi hấp dẫn khác về thuế, hỗ trợ tài chính.
Theo bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TPHCM (ITPC), UAE là thị trường trọng tâm thúc đẩy thương mại của TPHCM với các nước Trung Đông - châu Phi. Tuy nhiên, hiện tại UAE mới chỉ đứng thứ 43 trong số 100 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào TPHCM với trị giá đầu tư gần 10 triệu USD cho 11 dự án. Riêng trong lĩnh vực thương mại, kim ngạch xuất khẩu của TPHCM sang UAE khá khiêm tốn, chỉ chiếm gần 300 triệu USD trong hơn 5 tỷ USD của cả nước. Điều này cho thấy cả TPHCM lẫn UAE vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của nhau. Gần đây, ITPC đã tổ chức 2 đoàn doanh nghiệp đến Dubai vào tháng 3 và cuối tháng 10-2018 do Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong dẫn đầu. Mong muốn của chính quyền TPHCM là tiếp tục thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác đầu tư với phía Dubai, cụ thể là nâng cao giá trị đầu tư của đối tác này tại TPHCM. Trao đổi về lĩnh vực này, ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc VCCI-HCM, cũng cho biết việc thâm nhập vào thị trường UAE có rất nhiều thuận lợi do UAE khuyến khích doanh nghiệp nước ngoài đến mở văn phòng đại diện và tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có thể trực tiếp trao đổi hàng hóa thông qua việc thường xuyên mở các hoạt động giao thương.