Ngày 4-10 vừa qua, 12 nước thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam đã tuyên bố kết thúc đàm phán. Đối với Việt Nam, ngành may mặc thời gian qua có kim ngạch xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao, mà các quốc gia thành viên TPP là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Điều đó cho thấy ngành may mặc của Việt Nam sẽ được lợi nhiều nhất khi TPP đàm phán thành công. Thế nhưng, các quy định gắt gao của TPP cũng cảnh báo không ít khó khăn.
May veston xuất khẩu tại Tổng Công ty May Nhà Bè. Ảnh: CAO MINH
Tháo chốt dòng chảy
Lý do nhiều người mong đợi đàm phán TPP thành công là vì lợi thế mang lại cho các quốc gia thành viên rất lớn. Đó là giúp các nước tiếp cận thị trường toàn diện, xóa bỏ hoặc giảm thuế quan và các rào cản phi thuế quan đối với mua bán hàng hóa và dịch vụ, bao trùm một mảng lớn về thương mại, bao gồm hàng hóa, dịch vụ và đầu tư nhằm tạo ra các cơ hội mới và lợi ích cho doanh nghiệp, công nhân, và người tiêu dùng của các nước ký kết. TPP hỗ trợ phát triển sản xuất, chuỗi cung ứng và thương mại liền mạch, tăng cường hiệu quả, tạo và hỗ trợ việc làm, nâng cao mức sống, tăng cường các nỗ lực bảo tồn, hỗ trợ hội nhập xuyên biên giới, cũng như mở cửa thị trường trong nước. Điều đó thúc đẩy các doanh nghiệp tự đổi mới, tăng năng suất và tăng tính cạnh tranh.
Có thể sơ lược nội dung chính của Hiệp định TPP để thấy tầm “phủ sóng” của các quy định trên các lĩnh vực. Cụ thể, TPP gồm 30 chương về thương mại và các vấn đề liên quan đến thương mại, từ thương mại hàng hóa đến hải quan và trợ giúp thương mại; biện pháp vệ sinh dịch tễ; rào cản kỹ thuật đối với thương mại; biện pháp phòng vệ thương mại; đầu tư; dịch vụ; thương mại điện tử; mua sắm công; sở hữu trí tuệ; lao động; môi trường; các chương khác nhằm mục đích đảm bảo TPP tận dụng được các tiềm năng về phát triển, năng lực cạnh tranh và sự toàn diện; giải quyết tranh chấp, các điều khoản ngoại lệ…
Tuy nhiên, chính việc kết nối một nhóm gồm nhiều nước khác nhau về mức độ phát triển bằng những thỏa thuận bình đẳng sẽ gây không ít khó khăn cho đất nước nhỏ. Điều đó đòi hỏi các quốc gia nhỏ phải có sự hợp tác chặt chẽ, chuẩn bị kịp thời để tham gia cuộc chơi lớn.
Trong lợi thế có nhiều rủi ro
Lấy ngành lợi thế nhất của chúng ta làm điển hình cho yêu cầu mới, nếu không chuẩn bị kịp thời sẽ phải chuốc lấy rủi ro. Lợi thế là khi các bên đồng ý xóa bỏ thuế quan thì đối với hàng xuất khẩu dệt và may mặc của chúng ta được lợi về thuế, sẽ tăng tính cạnh tranh hơn. Thế nhưng, TPP là cuộc chơi của các quốc gia thành viên, không có Trung Quốc. TPP lại có quy định cụ thể về xuất xứ, trong đó có yêu cầu về việc sử dụng các loại sợi và vải trong khu vực TPP, nhằm thúc đẩy chuỗi cung ứng và đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, chỉ áp dụng cơ chế “danh sách ngắn các nhà cung cấp” cho phép việc sử dụng các loại sợi và vải nhất định, vốn không có sẵn trong khu vực. Về quy tắc xuất xứ, để thúc đẩy chuỗi cung ứng khu vực và giúp đảm bảo rằng các nước tham gia TPP là những bên hưởng lợi chính của hiệp định chứ không phải các nước khác, nên bộ quy tắc xuất xứ xác định hàng hóa và nguyên phụ liệu phải có xuất xứ từ các nước TPP mới có đủ điều kiện để nhận được ưu đãi thuế quan TPP. Có nghĩa là hàng dệt may của Việt Nam nhưng sử dụng vải, sợi, chỉ, nút… từ các nước thành viên của TPP như Brunei hay Singapore thì vẫn được hưởng ưu đãi thuế quan.
Thế nhưng, vấn đề của ngành dệt may Việt Nam hiện nay là hầu hết nguyên phụ liệu dệt may được nhập từ Trung Quốc do giá rẻ. Nếu chúng ta không kịp thời tìm nhà cung ứng từ các quốc gia thành viên TPP thì khi xuất hàng sang các nước thành viên TPP, sẽ không “lọt” được cửa hải quan để được hưởng ưu đãi. Do vậy, đây chính là nội dung cảnh báo cho doanh nghiệp dệt may chuẩn bị để tận dụng hết các lợi thế mà TPP mang lại. Nếu không, chính những quy định tưởng như là lợi thế nhưng nếu không có sự hiểu biết hay chuẩn bị trước sẽ làm cho doanh nghiệp bị động trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu của mình.
HÀN NI