TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại. Hoạt động từ giữa năm 2010, 5 văn phòng thừa phát lại đã góp phần giảm tải cho công việc của ngành tòa án và ngành thi hành án dân sự; đồng thời tạo thêm mô hình để người dân lựa chọn khi thi hành bản án, quyết định của tòa án. Tuy nhiên, đến nay hoạt động của các văn phòng thừa phát lại vẫn gặp không ít khó khăn do thiếu sự hợp tác từ nhiều phía.
Xa lạ với chế định
Sau một năm hoạt động, các văn phòng thừa phát lại quận 1, quận 5, quận 8, quận Tân Bình, quận Bình Thạnh đã ký hợp đồng dịch vụ tống đạt văn bản với 23 tòa án, 25 cơ quan thi hành án dân sự và thực hiện tống đạt 14.007 văn bản; lập 1.829 vi bằng các sự kiện, hành vi; xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự trong 66 vụ việc; trực tiếp tổ chức thi hành xong 11 vụ việc, đang thụ lý thi hành 20 vụ việc theo các bản án, quyết định của tòa án.
Trong đó, việc lập vi bằng tuy mới mẻ nhưng đã nhanh chóng đáp ứng được nhu cầu khá lớn của người dân trong việc xác lập chứng cứ để giải quyết các tranh chấp tại tòa án cũng như thực hiện các giao dịch dân sự, kinh tế.
Chẳng hạn, trước đây những trường hợp chủ nhà giao thông báo đòi nhà cho ở nhờ, cho thuê nhưng người ở nhờ, người thuê không nhận thì phải đành chịu. Nay đã khác, chủ nhà đã có thể nhờ thừa phát lại đi theo để lập vi bằng về việc giao thông báo, làm cơ sở khởi kiện ra tòa về sau.
Điều này cho thấy chế định thừa phát lại đã phát huy tốt vai trò của mình trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp và góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người dân. Dù vậy, đến nay với nhiều cơ quan, đơn vị, chế định này vẫn là một khái niệm xa lạ, từ đó dẫn đến không sẵn sàng hợp tác khi được yêu cầu.
Khoản 1 Điều 4 Nghị định 61/2009/NĐ-CP ngày 24-7-2009 về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TPHCM quy định rõ: “cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cá nhân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của thừa phát lại theo quy định của pháp luật”.
Nhưng theo phản ánh của các văn phòng thừa phát lại, không dễ nhận được sự hỗ trợ này. Thừa phát lại Nguyễn Căn (Văn phòng thừa phát lại quận 8) dẫn chứng: “Có những trường hợp chúng tôi lập vi bằng, cán bộ công an chứng kiến nhưng không đồng ý ký với tư cách người làm chứng, viện dẫn lý do không biết thừa phát lại là ai, vi bằng là gì! Hoặc trong quá trình tống đạt thông báo tự nguyện thi hành án, văn phòng thừa phát lại nhờ cảnh sát khu vực cung cấp địa chỉ nơi ở mới của đương sự thì nhận được cái lắc đầu kèm lý do: đương sự chuyển đi đâu không rõ; trong khi nếu đương sự muốn cắt hộ khẩu thì phải báo cho cơ quan công an biết nơi chuyển hộ khẩu đến”.
“Chủ nợ” bất đắc dĩ
Một số thừa phát lại đã nhận xét nửa đùa nửa thật như vậy khi nhắc đến việc thanh toán chi phí của các cơ quan tòa án, thi hành án dân sự.
Theo quy định tại Điều 2 Thông tư số 12/ ngày 24-6-2010 giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, TAND tối cao hướng dẫn một số điều của Nghị định 61 ngày 24-7-2009 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại thực hiện thí điểm tại TPHCM, việc thanh toán chi phí tống đạt được thực hiện hàng tháng. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hóa đơn dịch vụ, tòa án, cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm thanh toán bằng hình thức chuyển khoản cho văn phòng thừa phát lại. Tuy nhiên, trong thực tế, phải mất thời gian khá lâu, văn phòng thừa phát lại mới nhận được khoản tiền này do thủ tục rườm rà.
Chẳng hạn như tại văn phòng thừa phát lại quận 8, từ ngày 1-11-2010 đến ngày 20-3-2011 đã tống đạt văn bản 776 vụ việc, nhưng trong tổng số phí hơn 31,3 triệu đồng, đến tháng 4-2011 văn phòng chỉ mới được thanh toán 5,7 triệu đồng.
Trưởng một văn phòng thừa phát lại bộc bạch: “Tống đạt văn bản là một trong những công việc của thừa phát lại nên chúng tôi thực hiện khi có yêu cầu, chứ thật ra nhiệm vụ này “chua” lắm. Nhiều khi không phải làm là được ngay, chi phí lại nhận được nhỏ giọt nên có lúc anh em cũng ngán ngại”.
Bên cạnh đó, một số quy định chưa phù hợp thực tế cũng gây khó khăn cho hoạt động của thừa phát lại. Bà Vũ Thị Trường Hạnh (Trưởng Văn phòng thừa phát lại quận 8) cho biết: Điều 1 Thông tư số 12 quy định chi phí thực hiện việc tống đạt chỉ từ 50.000 đến 100.000 đồng mỗi đầu việc, bao gồm cả thuế GTGT.
Trong khi đó, có những việc phải đi rất nhiều lần mới tống đạt được văn bản đến tận tay người nhận. Gặp những trường hợp địa bàn tống đạt xa như huyện Củ Chi hay lạc vào khu “nhà không số, phố không tên” thì tiền xăng còn nhiều hơn chi phí Nhà nước trả.
Ông Phạm Quang Giang (Trưởng Văn phòng thừa phát lại quận 5) đề xuất thêm: Trong bản án, quyết định của tòa án nên bổ sung nội dung: “Sau khi bản án (quyết định) có hiệu lực pháp luật, đương sự có quyền liên hệ cơ quan thi hành án dân sự hoặc văn phòng thừa phát lại để yêu cầu thi hành án” nhằm tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các bên.
ÁI CHÂN