Thực hư con số 7,3 tỷ USD tiền gửi ở nước ngoài

Tuần qua, dư luận bất ngờ với con số được TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nêu ra trong buổi công bố về kinh tế vĩ mô quý 1-2016.
Thực hư con số 7,3 tỷ USD tiền gửi ở nước ngoài

Tuần qua, dư luận bất ngờ với con số được TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nêu ra trong buổi công bố về kinh tế vĩ mô quý 1-2016.

Theo đó, tiền gửi ở nước ngoài, vốn không đáng kể ở những giai đoạn trước, gần đây đã gia tăng đột biến lên mức 7,3 tỷ USD. Có một tờ báo mạng còn giật tít “Đại gia Việt “giấu” 7,3 tỷ USD ở nước ngoài”, vừa gây tò mò vừa tạo ra những phản ứng từ nhiều phía. Vậy thực hư con số 7,3 tỷ USD này là như thế nào?

Tiền gửi xuyên biên giới

Trao đổi thêm về con số trên, TS Nguyễn Đức Thành trích dẫn nguồn từ Ngân hàng Nhà nước công bố cho biết, các tổ chức tín dụng trong nước gửi ở nước ngoài khoảng 6 tỷ USD và các tổ chức khác trong nước gửi 1,9 tỷ USD, tổng cộng là 7,9 tỷ USD. Ngoài ra, còn các dòng khác đi vào, nên VEPR công bố con số 7,3 tỷ USD (trong quý 3-2015). “Đây là con số bất thường, bởi cùng kỳ này ở các năm trước, con số đó là âm, chỉ khoảng 2 tỷ USD, thậm chí năm trước đó gần như bằng 0” - TS Nguyễn Đức Thành nhận định.

Trong khi đó, theo phân tích của TS Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, dòng tiền và tiền gửi xuyên biên giới là dòng tiền mà các tổ chức/cá nhân trong nước gửi ra nước ngoài không có hoặc có kỳ hạn rất ngắn. Theo định nghĩa, tiền và tiền gửi không phải là tiền chuyển ra nước ngoài để thanh toán dịch vụ (du lịch, y tế, giáo dục); không phải là tiền đầu tư trực tiếp ra nước ngoài; không phải là tiền đầu tư chứng khoán nước ngoài; không phải là tiền cho vay có kỳ hạn.

Trích dẫn số liệu của Ngân hàng Nhà nước công bố, TS Nguyễn Xuân Thành cho biết, trong quý 3-2015, dòng tiền 7,968 tỷ USD đã đi từ Việt Nam ra nước ngoài dưới dạng tiền gửi. Trừ đi khoản phải thu khác là 104 triệu USD, thì dòng tiền còn 7,864 tỷ USD. Trong dòng tiền 7,968 tỷ USD trên, có 5,968 tỷ USD là tiền gửi của các tổ chức tín dụng (TCTD) của Việt Nam ra nước ngoài. Ngoài tiền gửi của các TCTD, còn có dòng tiền 2 tỷ USD là của “khu vực khác” gửi ra nước ngoài. Cũng trong quý 3-2015, có dòng tiền 535 triệu USD là tài sản khác chảy vào Việt Nam. Lấy 7,64 tỷ USD dòng tiền ra trừ đi 535 triệu USD dòng tiền vào, ta có được dòng tiền đi ra “ròng” dưới dạng tài sản khác là 7,329 tỷ USD. Đây là con số 7,3 tỷ USD mà VEPR công bố.

“Chúng ta nên hiểu dòng tiền này là tài sản có của Việt Nam và là ngắn hạn do các ngân hàng Việt Nam và các tổ chức khác gửi ở nước ngoài (có hưởng lãi) và lúc nào cũng có thể rút về nước” - TS Nguyễn Xuân Thành lý giải.

Ngân hàng Nhà nước: Là diễn biến bình thường

Để làm rõ thông tin về xu hướng tăng của lượng tiền gửi ra nước ngoài, ông Tô Huy Vũ, Vụ trưởng Vụ Dự báo Thống kê, Ngân hàng Nhà nước đã chính thức lên tiếng về vấn đề này. Ông Tô Huy Vũ cho biết, đúng là có con số 7,3 tỷ USD, và đây là số liệu được phản ánh trong hạng mục “Đầu tư khác ròng” trên bảng cán cân thanh toán quý 3-2015 mà Ngân hàng Nhà nước đã công bố trên cổng thông tin điện tử. Tuy nhiên, con số này không chỉ bao gồm tiền gửi ra nước ngoài, mà còn bao gồm khoản vay trả nợ nước ngoài ngắn, trung dài hạn của nền kinh tế.

Theo số liệu thống kê cán cân thanh toán trong quý 3-2015, tiền gửi ở nước ngoài của các ngân hàng thương mại tăng thêm 5,9 tỷ USD. Do hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, nên số liệu này biến động thường xuyên, liên tục và phản ánh đúng diễn biến của nền kinh tế trong nước. Ngoài hạng mục tiền và tiền gửi của các TCTD, trên bảng cán cân thanh toán còn có hạng mục tiền và tiền gửi của khu vực khác (các doanh nghiệp, các tổ chức tài chính khác…). Trong quý 3-2015, tiền và tiền gửi của khu vực khác là 2 tỷ USD, không có biến động bất thường so với các quý trước.

Ông Tô Huy Vũ giải thích thêm, trong quý 3-2015, số liệu này tăng mạnh chủ yếu do xu hướng găm giữ ngoại tệ của doanh nghiệp và dân cư tăng lên trước sự kiện đồng nhân dân tệ bị phá giá mạnh trong tháng 8-2015 và những đồn đoán về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sớm tăng lãi suất, đã gia tăng sức ép đối với tỷ giá VND/USD. Khi tiền gửi ngoại tệ của khu vực tổ chức kinh tế và dân cư tăng mạnh thì việc các ngân hàng thương mại mang ngoại tệ ra gửi ở nước ngoài trong bối cảnh tín dụng ngoại tệ giảm là diễn biến hết sức bình thường trong hoạt động ngân hàng.

“Cũng cần nói thêm rằng, sau khi Ngân hàng Nhà nước có phản ứng nhanh nhạy về chính sách tỷ giá, thị trường ổn định trở lại thì sang quý 4-2015, tâm lý thị trường được giải tỏa, lượng tiền gửi ra nước ngoài của các ngân hàng chỉ tăng thêm có 369 triệu USD” - ông Tô Huy Vũ cho biết.

Liên quan đến lo ngại của một số chuyên gia về “bẫy” thanh khoản ngoại tệ đối với nền kinh tế, ông Tô Huy Vũ phân tích, hệ thống ngân hàng là trung gian tài chính, khi huy động tiền gửi ngoại tệ của tổ chức kinh tế và dân cư, nếu phần sử dụng trong nước ít hơn thì họ tăng tiền gửi ở nước ngoài là chuyện hết sức bình thường. Các ngân hàng chỉ để một phần ngoại tệ tiền mặt để phục vụ các nhu cầu của dân cư, còn lại đầu tư dưới hình thức nào phải phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

“Việc gửi tiền ở nước ngoài là để đảm bảo tính thanh khoản cao, có thể sử dụng bất cứ khi nào nhằm đáp ứng nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân” - ông Tô Huy Vũ nhấn mạnh.

HÀM YÊN

Thực hư con số 7,3 tỷ USD tiền gửi ở nước ngoài ảnh 2

Các tin, bài viết khác

Tin cùng chuyên mục