Thực thi Nghị định 155, khó hay dễ?

Việc từ ngày 1-2-2017 bắt đầu thực thi Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã dấy lên nhiều bàn luận trong xã hội. Có thể xem đây là một tín hiệu tốt trong đời sống, khi người dân tham gia bàn việc nước với vai trò phản biện xã hội.

Cơ bản có 2 luồng dư luận trái ngược nhau: người ủng hộ nghị định, người nói khó thực thi. Hay nói cụ thể hơn, phía ủng hộ nghị định “nặng tay” này là đông đảo người dân. Họ bàn luận rất nhiều về một nghị định chưa từng có trước đó, khi lần này nhà nước quyết xử phạt nặng những hành vi “nhỏ như con thỏ” nhưng là những thói quen xấu gây mất vệ sinh và mỹ quan đô thị, như vứt tàn thuốc lá, xả rác, tiểu bậy nơi công cộng… Lâu nay đã có nhiều lời ta thán về những hình ảnh xấu xí vẫn đang tồn tại trong đời sống như xả rác bừa bãi, đổ rác xuống kênh rạch, phóng uế ở góc đường, và ai cũng thầm mong và tự đặt câu hỏi “Đô thị Việt Nam đến bao giờ được như Singapore?”.

Phản ứng trước hành vi xấu gây tác hại đến môi trường và làm tổn hại đến hình ảnh đất nước, là hành động đúng và cần xử phạt nghiêm để chấm dứt việc làm chưa tốt. Thế nhưng khi Nghị định 155 ra đời và bắt đầu có hiệu lực, lại có không ít ý kiến cho rằng khó khả thi. Một thực tế mà dư luận báo chí mấy ngày qua phản ánh nhiều về phía ý kiến “khó khả thi” lại thuộc về cán bộ chính quyền địa phương. Nhiều lãnh đạo phường, xã vẫn nhắc lại điệp khúc “không đủ nhân lực” để thực thi việc xử phạt, như một lý do chính đáng. Nhiều người thật sự ngạc nhiên khi có một lãnh đạo quận nọ còn cho rằng nguyên nhân lớn nhất là do lực lượng thực thi còn quá mỏng. Bao biện nhất là cách nói: Phạt ai? Ai phạt? Phạt như thế nào? Không còn là chuyện “phép vua” với “lệ làng”, mà đây thuộc về trách nhiệm và ý thức của cán bộ chính quyền đối với cuộc sống người dân.

Cần nhắc lại, các quy định xử phạt hành vi xả rác, tiểu bậy, hút thuốc lá nơi có biển cấm… đều đã có từ lâu (với mức phạt từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng) và nay Nghị định 155 tăng cao, xử nghiêm các hành vi này (với mức phạt từ 1 triệu đồng đến 7 triệu đồng). Vấn đề còn lại là các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương có quan tâm thực thi hay không. Ngay tại TPHCM, đã có nhiều phường làm rất tốt việc này, mà họ có bao giờ than “thiếu người” đâu. Thực tế trong công tác quản lý xây dựng, nhiều nơi xe chở đá, cát len lỏi đến đâu là lực lượng kiểm tra xây dựng đều có thể phát hiện, bắt dính. Nếu quản lý ở lĩnh vực vệ sinh môi trường cũng như vậy, thì sẽ không khó phát hiện, ngăn chặn, xử phạt những hành vi vi phạm. Viện lý do thiếu người, mỏng lực lượng, khó xử lý… là cách trả lời bao biện, né tránh trách nhiệm, vì ai cũng hiểu việc này là phần “xương”, dễ đụng chạm nhưng lại ít quyền lợi.

Cũng cần lắng nghe phản ánh từ thực tế để có những điều chỉnh phù hợp, nhưng có thể nói Nghị định 155 tuy khó triển khai nhưng không phải là bất khả thi. Đặc biệt, đây là điểm tựa pháp lý để hướng tới mục tiêu đô thị văn minh, sạch đẹp. Các lực lượng thực thi ở cấp phường - xã hiện nay không thiếu, từ công an, dân phòng, đến lực lượng hỗ trợ như thanh tra môi trường của quận. Điều chính yếu hiện nay là ngân sách để bồi dưỡng cho họ. Trung ương nên cho phép trích tăng thêm phần kinh phí xử phạt để bồi dưỡng cho lực lượng này, đồng thời trang bị phương tiện như xăng, xe, máy quay phim, chụp hình, công cụ hỗ trợ. Người dân sẽ là lực lượng hỗ trợ đáng tin cậy. Nhiều phường - xã hiện nay còn khuyến khích tặng thưởng bằng tiền cho người dân phát hiện, bắt giữ tội phạm, vậy tại sao không khuyến khích, tặng thưởng khi họ phát hiện kẻ tiểu bậy hay đổ rác bừa bãi?

Đa số người dân mong muốn hẻm xóm sạch sẽ, khu phố thông thoáng, đường sá phong quang với cây xanh, bãi cỏ. Nghị định 155 đáp ứng mong muốn ấy. Nhưng xử phạt chưa đủ. Vận động, tuyên truyền để người dân cùng vào cuộc làm sạch hẻm xóm, khu phố là biện pháp hữu hiệu nhất. Mỗi nhà tự làm sạch trước cửa nhà mình. Mỗi phường nên lập đường dây nóng để người dân gọi công an hay dân phòng khi phát hiện những trường hợp vi phạm. Tất cả đều không thừa. Quyết tâm sẽ làm được, vì Nghị định 155 đáp ứng đúng yêu cầu và nguyện vọng của dân.

THƯ LÊ

Tin cùng chuyên mục