Làm thế nào để giải quyết những bất cập hiện nay của hệ thống cảng biển Việt Nam? Phóng viên Báo SGGP đã trao đổi với ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình giảng dạy Fulbright thuộc Đại học Kinh tế TPHCM xung quanh vấn đề này.
- Phóng viên: Theo ông, cách nào để khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí nguồn lực xã hội, không tập trung được sức mạnh cả nước trong phát triển cảng biển?
>> Ông NGUYỄN XUÂN THÀNH: Hiện nay, khó có thể làm gì để cải thiện tình hình. Cảng biển là một công trình có tính chuyên biệt. Việc chuyển đổi công năng cảng biển (đã xây dựng hoàn thiện) thành một công trình khác là không đơn giản. Đó là chưa kể cảng biển thường có giá trị rất lớn, lên tới vài trăm triệu USD, hoàn toàn không dễ bán, dễ chuyển đổi. Trước mắt, chỉ có thể để các cảng biển dư thừa… nằm đấy, chờ thời cơ.
Tuy nhiên, trong lúc này, cũng nên cố gắng sắp xếp lại hoạt động của hệ thống cảng biển, ngay cả với những cảng, những cụm cảng đang được khai thác bởi lẽ dàn trải như hiện nay không tạo được sức mạnh chung cho hệ thống cảng biển. Trong sự sắp xếp này, vai trò của nhà nước là cực kỳ quan trọng, thậm chí mang tính chất quyết định. Bài học di dời cảng biển ở Bangkok Thái Lan cho thấy điều đó. Nhiều trường hợp, nhà nước phải ban hành cả các mệnh lệnh hành chính để điều tiết hoạt động này. Đơn cử như để buộc các cảng phải di dời ra khỏi Bangkok (nhằm giảm áp lực phát triển cho Bangkok – tương tự quyết định di dời hệ thống cảng biển trên sông Sài Gòn ra khỏi nội thành TPHCM), chính quyền Thái Lan đã quyết định hạn chế lượng hàng hóa vào hệ thống cảng biển Bangkok xuống dưới 1 triệu container. Những chủ tàu, chủ hàng đưa tàu, đưa hàng ra hệ thống cảng mới sẽ nhận được nhiều ưu đãi.
Nhờ những quyết định mang tính quyết liệt như vậy mà chỉ sau khoảng 5 năm hình thành, hệ thống cảng biển mới của Thái Lan đã trở thành một trong những khu cảng biển lớn của khu vực và thế giới. Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm này. Sắp xếp lại hệ thống cảng biển còn giúp nhà nước tập trung được nguồn lực đầu tư “đến đầu đến đũa” hệ thống hạ tầng kết nối đến các cảng biển. Tình trạng đầu tư dàn trải cảng biển như hiện nay không những làm yếu hệ thống cảng biển, mà nhiều nơi còn làm cho nhà nước rất “hụt hơi” trong việc đầu tư kết nối hạ tầng tới cảng biển. Hạ tầng không hoàn thiện, làm sao cảng biển hoạt động tốt?
- Sắp xếp lại hệ thống cảng biển cũng đã được Bộ Giao thông Vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam nghiên cứu, xem xét. Nhiều hội thảo về củng cố hệ thống cảng biển đã được tổ chức nhằm tìm hướng giải quyết cho tình hình hiện tại. Nhưng dường như việc sắp xếp này không đơn giản, ngành nào cũng muốn có cảng biển để có nguồn thu?
Vấn đề là nếu không có giải pháp quyết liệt, đột phá thì không giải quyết được những vấn đề bất cập hiện nay của hệ thống cảng biển. Tôi được biết, hiện nay bản thân các cảng biển cũng đã có nhiều nỗ lực để vượt qua khó khăn. Nhiều cảng biển container hiện đại đã chấp nhận tiếp nhận cả hàng rời, tiếp nhận cả tàu khách. Một số cảng đã điều chỉnh tàu lớn đi khu vực khác để giảm chi phí bảo hành… Các địa phương cũng nên có cái nhìn mang tầm khu vực và quốc gia, nên có sự phân chia, phân công nhau trong việc kinh doanh cảng biển. Hãy học bài học của Thái Lan. Hơn nữa, hầu hết thuế xuất nhập khẩu thu từ hoạt động cảng biển đều nộp về trung ương. Như vậy thì không nên đánh giá hoạt động của các địa phương theo các con số tài chính, số thu là bao nhiêu… Cần đánh giá và nhìn nhận ở góc độ hợp tác, phối hợp vì lợi ích chung của quốc gia.
Ví dụ như, quyết định tiếp tục sử dụng cảng TPHCM là hợp lý nếu nhìn từ góc độ một số chủ hàng hay từng nhà đầu tư khai thác cảng biển, vì về cơ bản hệ thống này đang vận hành ổn định. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ tổng thể của nền kinh tế thì việc tiếp tục sử dụng cảng tiếp nhận tàu không quá 30.000DWT và trung chuyển tại Singapore hay Hồng Công sẽ gây thiệt hại cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Và nếu xét trên góc độ xã hội thì cách làm này cũng gây tác động tiêu cực như tắc nghẽn giao thông và ô nhiễm, chi phí cơ hội của việc sử dụng các khu đất vàng của thành phố cho cảng thay vì để phát triển thương mại và dân cư.
- Theo ông, Việt Nam có nên xây dựng chính quyền cảng như nhiều nước trên thế giới để xử lý các bất cập trong hệ thống cảng biển hiện nay?
Theo tôi, với hệ thống thể chế chính quyền như hiện nay ở Việt Nam rất khó thành lập chính quyền cảng như nhiều nước trên thế giới. Có lẽ trước mắt nên gom lại và thống nhất hoạt động của các cảng vụ trực thuộc Cục Hàng hải, Bộ Giao thông Vận tải để thống nhất điều hành một số hoạt động chính của các cảng biển. Các bất cập khác về đầu tư cảng biển và các hoạt động của cảng biển, các địa phương, các ngành có cảng biển phải ngồi lại với nhau để thảo luận. Tất cả phải trên tinh thần vì lợi ích chung của quốc gia.
- Cảm ơn ông!
Nguyễn Khoa
| |
| |