Thuế thu nhập cá nhân: Chưa thỏa đáng cho người lao động

Người làm công ăn lương là đối tượng chính nộp thuế thu nhập cá nhân (TNCN), chịu tổn thất nặng nề qua các năm dịch bệnh, giá cả tăng đột biến, đời sống khó khăn; thế nhưng số thuế thu từ thuế TNCN lại tăng mạnh. Các bất cập trong chính sách thuế, biểu thuế, mức giảm trừ gia cảnh… đã khiến nhiều người lao động (NLĐ) bức xúc.
Người dân làm thủ tục nộp thuế. Ảnh: TTXVN
Người dân làm thủ tục nộp thuế. Ảnh: TTXVN

Giá cả nhảy múa, lương đứng im, thuế vẫn nộp!

Theo số liệu của Tổng cục Thuế, số thuế TNCN năm 2022 cả nước thu được là 166.733 tỷ đồng (theo dự toán là 118.075 tỷ đồng), tăng 27% so với năm trước và đạt 138% dự toán, tức vượt thu tới 48.658 tỷ đồng. Trong đó, người làm công ăn lương đóng góp đến 70% nguồn thu thuế TNCN; và nguồn thu từ thuế TNCN chiếm khoảng 10% tổng thu cân đối ngân sách, chỉ xếp sau thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng.

Nộp thuế sẽ là niềm tự hào nếu người nộp thuế có mức sống dư giả, thế nhưng, cuộc sống NLĐ luôn gặp khó khăn. Năm 2022, giá xăng dầu nhảy múa, chỉ số giá tiêu dùng tăng, hệ số lương cơ sở không thay đổi nhưng số thuế thu được từ người làm công ăn lương vẫn tăng. Điều đó đã tạo ra áp lực, khó khăn cho NLĐ.

Nguyên nhân là do những chính sách thuế lạc hậu, không thay đổi kịp thời, không theo kịp với trượt giá. Cụ thể, qua 10 năm Luật thuế TNCN có hiệu lực thì NLĐ chỉ được tăng mức giảm trừ gia cảnh một lần, từ 9 triệu đồng/tháng lên 11 triệu đồng/tháng (người phụ thuộc bằng 40%). Mức giảm trừ gia cảnh này không đủ chi tiêu cơ bản cho NLĐ, nhưng NLĐ vẫn phải nộp thuế nếu vượt mức giảm trừ gia cảnh. Kết quả số thuế TNCN thu được đã tăng đến 3,6 lần, khiến đời sống NLĐ khó khăn!

Người làm công không đủ chi phí thì không thể tích lũy, muốn mua xe phải trả góp, muốn mua nhà phải trả lãi… Theo Nghị quyết số 954/2020/UBTVQH14 thì kể từ giữa năm 2020, mức giảm trừ đối với đối tượng nộp thuế là 11 triệu đồng/tháng, người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng là quá thấp so với mức sống hiện nay. Thế nhưng, Bộ Tài chính đang “thủng thỉnh” đưa vào dự thảo sửa đổi Luật thuế TNCN dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2025. Có nghĩa là NLĐ phải chờ dài cổ, và trong quá trình chờ thì dù nghèo vẫn nộp thuế!

Quá nhiều bất hợp lý

Bà Nguyễn Thị Hường (ngụ quận 10, TPHCM) bức xúc so sánh, 10 năm qua, lương tối thiểu vùng của Chính phủ đã tăng 9 lần (trừ năm 2021 do dịch Covid-19 nên không tăng), từ mức 2 triệu đồng/người/tháng lên hơn 4,68 triệu đồng/người/tháng, thế nhưng mức giảm trừ gia cảnh chỉ tăng có 1 lần.

Bạn Lê Lương (ngụ quận Tân Bình, TPHCM) lại cho rằng, bất hợp lý trong áp mức giảm trừ gia cảnh thể hiện ở chỗ áp dụng cào bằng, trong khi lương tối thiểu phân chia theo vùng thì lẽ ra mức giảm trừ gia cảnh cũng phải phân chia theo vùng tương ứng. Bởi vì, mức sống ở những vùng khác nhau có sự chênh lệch; như ở vùng quê, số tiền 11 triệu đồng/tháng thì tạm đủ chi phí, nhưng ở các thành phố lớn như TPHCM, Hà Nội thì không đủ chi phí cơ bản.

Mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng vậy, chỉ 4,4 triệu đồng/tháng thì ở trung tâm thành phố sẽ không đủ tiền ăn, bởi bữa ăn bình thường 50.000 đồng, ngày 3 bữa là 150.000 đồng, tháng 30 ngày đã hơn 4,4 triệu đồng. Nếu thêm tiền học cho trẻ, các chi tiêu đi lại, quần áo… thì sẽ không thấm vào đâu.

Bạn Nguyễn Anh (ngụ quận 11, TPHCM) cho rằng, chi phí cho một đứa trẻ không thấp hơn so với mức giảm trừ gia cảnh cho bản thân NLĐ, cha mẹ phải chi tiêu rất tằn tiện để lo cho con cái, vậy mà vẫn còng lưng gánh nặng thuế. Việc quy định giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc cũng bất hợp lý.

Không ít người có lương hưu chỉ 2-3 triệu đồng/tháng, không đủ sống, vẫn sống nhờ con nhưng con không được khấu trừ chi phí cho người phụ thuộc. Với mức giảm trừ gia cảnh thấp như hiện nay, người làm công ăn lương không có tiền tích lũy, phải sống nhà thuê, hoặc phải mua nhà trả góp, nợ ngân hàng nhưng vẫn phải nộp thuế.

Ngoài ra, một số người làm công ăn lương bức xúc việc quản lý thuế hiện nay là quá chặt và quá cao đối với người làm công ăn lương. NLĐ tăng ca, làm đêm, làm thêm chủ nhật đến “tróc vảy” mới được 15 triệu đồng/tháng, và phải đóng thuế. Trong khi các hộ kinh doanh cá thể, người bán hàng trực tuyến thu nhập gần 100 triệu đồng/tháng vẫn có thể trốn thuế. Chẳng hạn, những tiểu thương chợ đầu mối có doanh thu rất cao lại nộp thuế khoán rất thấp. “Cò” đất, lao động tự do có thu nhập cao lại dễ dàng trốn thuế hoặc chỉ nộp thuế từng lần với mức chỉ 10%.

Trong khi thuế đối với người làm công ăn lương thì đến 7 bậc, mà mức cao nhất lên đến 35% (khi thu nhập hơn 85 triệu đồng/tháng). Mức thuế suất này cao hơn cả thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, bởi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ 20% sau khi được trừ các chi phí, còn người làm công ăn lương bị giới hạn mức chi phí chỉ 11 triệu đồng!

Do vậy, Nhà nước cần sớm sửa đổi các quy định pháp luật về thuế TNCN, làm sao để NLĐ tái tạo sức lao động, động viên họ làm việc và có tích lũy để đảm bảo cuộc sống là điều cấp bách.

Tin cùng chuyên mục