Với 85 loại thuốc nằm trong danh mục bình ổn giá năm 2012 và Tết Quý Tỵ, Chương trình bình ổn giá thuốc do UBND TPHCM chủ trương đã phủ gần hết thị trường thuốc bán lẻ trên địa bàn TP với khoảng 2.000 nhà thuốc tư nhân, doanh nghiệp và hơn 100 nhà thuốc bệnh viện tham gia. Tuy nhiên, thuốc bình ổn giá chưa thực sự được bác sĩ lẫn bệnh nhân… chọn sử dụng.
Toa thuốc “mở ngoặc”... bình ổn
Vừa bước vào nhà thuốc 397 Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM, bà Trần Thị X. (ngụ phường Tân Định, quận 1) vừa ho sù sụ: “Cô xem bán cho tui theo cái toa thuốc này”. Nói rồi, cụ X. chìa cái toa thuốc gồm 4 loại, trong đó có 2 loại thuốc ghi rõ ràng thuốc giảm đau - hạ sốt Mobimed 7,5mg và thuốc trị ho Rodexpan 10mg. Phía sau tên của 2 loại thuốc trên, bác sĩ có mở ngoặc ghi thêm 2 chữ “bình ổn”. Tò mò tìm hiểu thì dược sĩ Nguyễn Thị Thu Hà, phụ trách nhà thuốc, cho biết 2 loại thuốc trên nằm trong danh mục Chương trình thuốc bình ổn giá nên chắc bác sĩ cẩn thận ghi vào cho người bệnh biết, khỏi phải mua giá đắt.
Sự thực, cả 2 loại thuốc trên có giá bình ổn khá mềm như Mobimed 7,5mg chỉ 980 đồng/viên, còn Rodexpan 10mg 330 đồng/viên. “Nếu so với thuốc cùng loại của các hãng nhập khẩu giá gấp 7 - 8 lần nhưng chất lượng hoạt chất, nồng độ, hàm lượng, thậm chí hiệu quả điều trị cũng chẳng hơn gì”, dược sĩ Hà thổ lộ.
Tại các nhà thuốc bệnh viện, thuốc bình ổn giá được ưu tiên khi bác sĩ kê toa. Tại nhà thuốc Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, nhân viên bán thuốc cho biết tư vấn rất cặn kẽ cho bệnh nhân khi đơn thuốc có loại nằm trong danh mục bình ổn giá. Bác sĩ Lê Đức Định Miên, Khoa Thần kinh - Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, cho biết đã xem qua danh mục thuốc bình ổn giá chưa có thuốc về thần kinh nhưng có các loại thuốc tuần hoàn não nên trong trường hợp kê đơn vẫn ưu tiên sử dụng như Biloba Stada, Pyme Ginmacton-F…
Theo Sở Y tế TPHCM, thực tế qua gần 2 năm triển khai Chương trình bình ổn giá thuốc, tỷ lệ thuốc bình ổn bán vẫn chưa cao. Điều này thể hiện ở doanh số bán thuốc của các doanh nghiệp dược tham gia bán thuốc bình ổn giá còn khiêm tốn. Theo Công ty Roussel Việt Nam, lần đầu tiên tham gia bình ổn giá thuốc, doanh thu từ thuốc bình ổn giá chỉ khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/tháng.
Trong khi đó, theo dược sĩ Nguyễn Anh Hùng, Trưởng khối kinh doanh của công ty, để bán được thuốc bình ổn giá phải kêu gọi các nhà thuốc tham gia, hỗ trợ kinh phí làm băng rôn quảng bá chương trình… Với địa bàn được phân công cung ứng thuốc bình ổn giá là các quận 10, Tân Phú, Nhà Bè, Cần Giờ, Công ty Roussel Việt Nam phân phối trực tiếp đến nhà thuốc bán lẻ qua đặt hàng trực tiếp hoặc trình dược viên. Một số công ty tham gia bình ổn giá thuốc khác như Công ty Dược phẩm Euvipharm, Stada Việt Nam, Công ty Dược phẩm Domesco, Công ty Dược Pymepharco, Công ty Dược OPV, hay Công ty Dược Glomed cũng nhìn nhận doanh số bán thuốc bình ổn giá chưa nhiều.
Cần bình ổn cả thuốc ngoại
Theo Sở Y tế TPHCM, tính đến hết năm 2012, có gần 2.000 điểm bán thuốc bình ổn giá của tư nhân, doanh nghiệp, trong đó hơn 100 nhà thuốc bệnh viện. Đây là những nhà thuốc đạt chuẩn Thực hành tốt bán lẻ thuốc (GPP) và có cam kết bán đúng giá thuốc bình ổn niêm yết với 85 loại thuốc thuộc các nhóm thông thường, thiết yếu… Hầu hết các loại thuốc đều có giá cam kết ổn định trong vòng 1 năm và thấp hơn giá thuốc cùng loại trên thị trường 10% - 15%. Trong khi đó, tâm lý chung của bác sĩ lẫn bệnh nhân vẫn sính ngoại, nhiều bác sĩ vẫn được “bắt tay kê toa thuốc ngoại” để có hoa hồng cao. Chính vì vậy, hàng loạt nhà thuốc trên đường Mạc Thiên Tích (quận 5), bên hông Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, thẳng thắn cho biết không muốn tham gia bán thuốc bình ổn giá.
“Hầu như người bệnh đều mua thuốc kê toa, mà làm gì có thuốc nằm trong danh mục bình ổn giá”, một nhân viên nhà thuốc ngay cổng sau Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, tiết lộ. Thậm chí danh mục thuốc bình ổn giá có cả thuốc kê đơn như thuốc tim mạch, tiểu đường nhưng nhiều bệnh nhân vẫn cương quyết rằng bác sĩ kê sao mua vậy, cho dù giá đắt gấp đôi, gấp ba… Không ít nhà thuốc thừa nhận bán thuốc bình ổn thì ít lời hơn bán thuốc không bình ổn giá, thuốc nhập khẩu vì được chiết khấu cao hơn, trung bình 20% - 25%. Còn các hãng dược bán thuốc bình ổn giá chỉ cho chiết khấu 10% - 15%.
Chính vì vậy, theo bác sĩ Lê Hoàng Minh, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cần bình ổn cả thuốc ngoại nhập bởi ngay như thuốc trị ung thư ở Việt Nam rất hiếm công ty sản xuất, phải nhập khẩu với giá cao, nhưng bệnh nhân lại nghèo. “Đối với một số thuốc nhập ngoại cần thiết, phổ biến cho người bệnh mà trong nước chưa sản xuất được cũng phải bình ổn giá bằng các chính sách thuế”, bác sĩ Minh đề xuất.
TƯỜNG LÂM