“Thuốc” đủ mạnh trị nạn xả rác

Các hành vi xả rác, tiểu tiện... ra khu vực công cộng không đúng quy định, lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ đều có thể xử phạt tại chỗ. Cùng với việc xử phạt trực tiếp, Nghị định 45 cũng cho phép phạt nguội với các hành vi trên.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Trước đây, để xử phạt vi phạt các hành vi xả rác, tiểu tiện bừa bãi ra khu vực công cộng, các địa phương đã áp dụng Nghị định 155/2016/NĐ-CP. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện phát sinh những bất cập, không phù hợp với tình hình thực tế, nên Chính phủ cũng đã ban Nghị định 55/2021/NĐ-CP (bổ sung, sửa đổi một số điều trong Nghị định 155/2016).

Song, theo phản ánh của các cơ quan chức năng, khi triển khai Nghị định 55, cũng không hiệu quả do mức phạt cao, chưa phù hợp với một bộ phận người dân. Vấn nạn xả rác ra môi trường công cộng vẫn phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Mới đây nhất, Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2022/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực môi trường, có hiệu lực từ 25-8, để thay thế cho Nghị định 55. Nghị định 45 được nhìn nhận là có nhiều thuận lợi, phù hợp hơn cho các cơ quan ban ngành trong quá trình kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm. Theo Nghị định 45, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 100.000-150.000 đồng. Hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 150.000-250.000 đồng... Với các hành vi này, nếu áp dụng xử phạt theo Nghị định 55/2021, có mức từ 500.000 đến 1 triệu đồng; mức phạt này ở Nghị định 155/2016 có mức từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng.

Như vậy, so với quy định cũ, mức xử phạt tiền với các hành vi vứt rác, tiểu bậy ra khu vực công cộng đã giảm nhiều lần. Thế nhưng, chính điều này đã giúp việc xử phạt khả thi hơn. Theo đó, các hành vi xả rác, tiểu tiện... ra khu vực công cộng không đúng quy định, lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ đều có thể xử phạt tại chỗ. Trước đây, việc này thuộc thẩm quyền xử phạt của trưởng công an cấp quận, huyện và Chủ tịch UBND cấp quận, huyện trở lên, do đó, việc xử phạt ở nhiều nơi chưa kịp thời, dẫn tới tính răn đe của pháp luật chưa đạt được mục đích như mong muốn. Cùng với việc xử phạt trực tiếp, Nghị định 45 cũng cho phép phạt nguội với các hành vi trên. Thay vì bắt quả tang để xử phạt, hệ thống camera sẽ ghi lại hành vi vứt rác, tiểu tiện không đúng nơi quy định để xử phạt. Quy định này sẽ tăng cường khả năng giám sát của cộng đồng, tăng đáng kể hiệu quả xử phạt vi phạm hành chính, tăng tính răn đe, giảm thiểu hành vi xả rác bừa bãi nơi công cộng.

Không dễ một sớm, một chiều là có thể giải quyết dứt điểm câu chuyện rác và vấn đề môi sinh, môi trường. Dù vậy, với những điều chỉnh, bổ sung nêu trên, hy vọng sẽ giải quyết được những tồn tại, bất cập trong công tác xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xả rác bừa bãi ra môi trường công cộng hiện nay.

Tin cùng chuyên mục