Thuốc giả, thuốc nhái ngày càng phổ biến trên thị trường, tới mức Tổ chức Y tế thế giới phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đã có sự bùng nổ thuốc giả trên phạm vi toàn cầu. Còn tại Việt Nam, lượng thuốc giả bị phát hiện cũng đang có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ và phức tạp hơn. Thực trạng này đang gây ra những thiệt hại rất lớn cho người sử dụng về mặt sức khỏe và kinh tế… Đây là những thông tin được đề cập tại hội thảo “Thuốc giả: Từ thực tiễn đến hành động” diễn ra ngày 29-10 tại Hà Nội…
Tràn lan thuốc giả
Liên tiếp từ đầu năm tới nay, gần như tháng nào Cục Quản lý dược cũng có một vài quyết định thông báo về việc đình chỉ và thu hồi khẩn cấp trên toàn quốc thuốc giả, thuốc kém chất lượng. Đáng lo ngại hơn, các loại thuốc giả, kém chất lượng không chỉ tập trung vào một số loại mà rất đa dạng, phức tạp, với số lượng rất lớn, từ thuốc nhập ngoại cho tới thuốc được sản xuất trong nước. Hơn nữa, không chỉ có nhiều loại thuốc thông thường, bán chạy như kháng sinh, cảm cúm bị làm giả mà nhiều thuốc đặc trị các bệnh như tim mạch, thần kinh, sốt rét cũng bị giả mạo, thậm chí không ít thuốc đông dược, dược liệu cũng bị nhái.
Thống kê cho thấy, chỉ trong vòng vài tháng gần đây, Cục Quản lý dược đã phải gửi thông báo đến sở y tế các tỉnh thành về việc phát hiện nhiều loại tân dược giả như thuốc viên nén Fugacar dùng xổ giun, thuốc Levitra 20mg chữa chứng rối loạn cương dương, thuốc tiêm Voltarén® 75mg dùng điều trị giảm đau, thuốc kháng sinh Zinnat…
Trong khi đó, Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM cho biết, tỷ lệ thuốc giả trên địa bàn TPHCM có chiều hướng gia tăng, nếu như năm 2011 tỷ lệ thuốc giả, thuốc kém chất lượng là 11,94% thì tính đến hết quý 3-2012 con số này đã lên tới 12,61%. Phân loại thuốc giả, thuốc kém chất lượng được phát hiện tại Viện Kiểm nghiệm thuốc TPHCM cũng cho thấy, những số liệu rất đáng lo ngại, năm 2011, thuốc tân dược nhập khẩu giả và kém chất lượng là 21 loại thì tới tháng 9-2012 là 25 loại, còn thuốc sản xuất trong nước là 18 loại và đông dược, dược liệu là 28 loại.
Trước thực trạng này, Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang lo ngại cho biết, kỹ thuật công nghệ ngày càng phát triển thì tình trạng thuốc giả, thuốc nhái nhãn hiệu ngày càng nhiều. Tại Việt Nam, trong năm 2011, Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương đã phát hiện 31 mẫu thuốc giả chiếm tỷ lệ 0,09% số mẫu lấy để kiểm tra chất lượng. Tuy nhiên, số liệu trên chưa phản ánh hết tình trạng thực tế vì chưa bao gồm nhiều loại thuốc giả do cơ quan công an và quản lý thị trường phát hiện.
“Điều này cho thấy tình hình thuốc giả, thuốc kém chất lượng đang diễn ra rất phức tạp. Thuốc giả, thuốc kém chất lượng ngày càng được làm giả tinh vi, khó phát hiện được bằng mắt thường…”, Thứ trưởng Cao Minh Quang chia sẻ.
Vấn nạn toàn cầu - hậu quả khôn lường
Không chỉ có thị trường dược trong nước đang tràn lan thuốc giả, thuốc kém chất lượng, không rõ nguồn gốc mà tình trạng thuốc giả trên thế giới đang ngày càng trở nên trầm trọng đến mức Tổ chức Y tế thế giới đã phải thẳng thắn nhìn nhận rằng đã có sự bùng nổ thuốc giả trên phạm vi toàn cầu.
Thống kê của WHO cho thấy, thuốc giả hiện chiếm 10% thị trường dược phẩm thế giới với doanh thu lên tới 45 tỷ EUR/năm. Đặc biệt, có tới 50% thuốc được bán bất hợp pháp trên Internet là thuốc giả. Hơn nữa, thuốc giả đầu tư thấp nhưng lại thu siêu lợi nhuận, chỉ với 1.000 USD đầu tư vào thuốc giả có thể sinh lợi lên tới 200.000 USD.
Trong khi đó, GS Paul Newton, Đại học Oxford cho biết, qua nghiên cứu chỉ riêng loại thuốc chống sốt rét thì tại châu Á và châu Phi có tới gần 20 loại bị làm giả và kém chất lượng. Đáng lo hơn, việc làm giả này không chỉ giả từ bao bì, nhãn mác, kích thước viên thuốc mà nhiều thành phần, hoạt chất quan trọng trong viên thuốc cũng bị làm giả hoặc không có như: artsunate, artemisin, pyrimethamine…
PGS Nguyễn Đăng Hòa, Phó Hiệu trưởng phụ trách Đại học Dược Hà Nội thẳng thắn cho biết, thuốc giả dù có dạng nào đi chăng nữa, nhưng kết quả cuối cùng là khi sử dụng cả bác sĩ và người bệnh đều gặp thất bại trong điều trị, nguy cơ tăng độc tính, tăng kháng thuốc và tử vong rất cao. Thậm chí ngay cả khi chất lượng của thuốc giả mạo có lượng hoạt chất tương đương với sản phẩm chính hãng thì thuốc giả vẫn rất nguy hiểm vì nó không có bất kỳ sự đảm bảo nào về các điều kiện sản xuất.
PGS Nguyễn Đăng Hòa cũng cho biết, nếu tác dụng phụ của thuốc thật nằm trong khoảng tỷ lệ từ 1/10.000 đến 1/100.000 thì nguy cơ độc hại của thuốc giả lại lên đến 1/10, trong đó nguy hiểm nhất là ngộ độc thuốc và dị ứng thuốc. Còn TS Nguyễn Tuấn Dũng, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, qua nghiên cứu tại các nước đang phát triển thì các loại thuốc chống sốt rét và kháng lao bị làm giả khá phổ biến. Do đó, chỉ riêng bệnh sốt rét tại khu vực Đông Nam Á đang xuất hiện nhiều chủng virus kháng thuốc điều trị sốt rét vì có tới trên 30% số thuốc là giả hoặc kém chất lượng.
Nhiều chuyên gia dược phẩm cho rằng, để ngăn chặn được tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường dược phẩm trong nước cần đẩy mạnh thực hiện chương trình thuốc an toàn và tăng cường đầu tư trang thiết bị hiện đại, cùng đội ngũ nhân lực có chuyên môn để phục vụ việc kiểm nghiệm thuốc.
Ngoài việc lấy mẫu hàng năm theo định hướng, phải tiến hành nắm bắt tình hình thị trường để lấy mẫu đột xuất theo tình hình thực tế. Đồng thời, thực hiện nghiêm các tiêu chuẩn thực hành tốt về sản xuất, bảo quản thuốc, cũng như xây dựng hệ thống theo dõi chặt chẽ các sản phẩm thuốc lưu thông trên thị trường. Về phía người bệnh, không mua thuốc không rõ nguồn gốc, nhãn mác, mua thuốc ở hiệu thuốc đúng quy định và sử dụng thuốc phải theo chỉ định của bác sĩ hay nhân viên y tế.
| |
Nguyễn Quốc