Chưa đầy một tuần sau khi hơn 30 người chết vì uống phải siro trị ho có độc tố, ngày 4-1, báo chí Pakistan cho biết lại có thêm 3 người nữa tử vong sau khi dùng các sản phẩm tương tự. Nhà chức trách Pakistan đã vào cuộc điều tra nguyên nhân gây chết người bắt nguồn từ siro ho hay do cách sử dụng thuốc của người bệnh.
Hàng triệu người chết mỗi năm
Trong số 3 nạn nhân mới nhất tại Chunnian có Muhammad Tariq mới 16 tuổi. Gia đình Tariq cho biết sau khi uống một loại siro ho, Tariq bé rơi vào hôn mê và đã tử vong trên đường đi cấp cứu. Sau khi khám nghiệm tử thi, các bác sĩ phát hiện trong dạ dày của Tariq có dextromethorphan, một loại morphine tổng hợp được sử dụng trong thuốc ho có thể ảnh hưởng thần kinh nếu dùng quá liều.
Trường hợp của Tariq cũng tương tự như 33 nạn nhân tại TP Gujranwala và khu vực lân cận nhưng đến nay, cơ quan điều tra Pakistan vẫn chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân gây tử vong.
Có rất nhiều ý kiến nghiêng về giả thiết do loại thuốc ho kém chất lượng gây ra. Các loại siro ho giả bán tràn lan tại Pakistan với giá rẻ, vào khoảng 0,42 USD. Trong thành phần của các loại thuốc nhái, giả này có không ít các độc tố có thể phá hủy các cơ quan nội tạng của con người. Tháng 11 năm ngoái, 23 người tại TP Lahore đã tử vong sau khi sử dụng loại thuốc ho được xác định là kém chất lượng, mang nhãn hiệu Tyno. Vào thời điểm đó, cơ quan chức năng của Pakistan cũng cho rằng, rất có thể do các bệnh nhân đã sử dụng quá liều lượng cho phép.
Sau vụ việc tại Lahore, nhãn hiệu siro Tyno đã bị cấm lưu hành tại Pakistan. Còn trong vụ việc mới nhất này, ông Abdul Jabbar Shaheen, một quan chức chính quyền TP Gujranwala cho biết, một công ty dược phẩm có trụ sở tại Lahore cũng buộc phải đóng cửa tạm thời bởi một số trường hợp tử vong tại Gujranwala đã sử dụng thuốc ho của công ty trên.
Những cái chết thương tâm tại Pakistan nằm trong số các trường hợp phải bỏ mạng oan uổng bởi các loại thuốc nhái, giả, kém chất lượng trên thế giới. Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), số ca tử vong vì thuốc giả có thể lên tới cả triệu người/năm. Chỉ tính riêng số ca tử vong vì mua phải thuốc chống sốt rét giả đã vào khoảng 200.000 người/năm.
Nguồn tin từ tổ chức phi chính phủ quốc tế Bác sĩ không biên giới (MSF) có chi nhánh tại 80 quốc gia cho biết, ngày nào họ cũng phải giải quyết các vụ khiếu kiện của các cá nhân và gia đình liên quan đến thuốc giả. Trên phạm vi toàn cầu, nạn nhân của tình trạng buôn lậu thuốc giả mỗi năm dao động từ 500 ngàn đến 1 triệu người. WHO cảnh báo thuốc giả chiếm tới 10% thị trường dược phẩm thế giới.
Nguyên nhân và giải pháp
Lợi nhuận khổng lồ là chất kích thích những nhà sản xuất vô lương tâm bất chấp sinh mạng con người. Theo số liệu của WHO, doanh thu từ thuốc giả trên thị trường thế giới mỗi năm lên tới 75 tỷ USD. Thị trường màu mỡ nhất của thuốc giả là các quốc gia đang phát triển, khi có tỷ lệ lưu hành khoảng 30%.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến thuốc giả sinh sôi nảy nở. Amir Attaran, nhà nghiên cứu y tế của Trường Đại học Ottawa (Canada), cho biết tại nhiều quốc gia, người dân không có bảo hiểm y tế hoặc chưa được tiếp cận đầy đủ với hệ thống dịch vụ dược phẩm và y tế. Bất chấp nguy cơ mua phải thuốc giả, nhiều người vẫn mua thuốc trên thị trường hoặc qua những người kinh doanh thuốc vì có giá rẻ hơn.
Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại quản lý khá lỏng lẻo. Theo MSF, quá trình đăng ký cấp phép thuốc được thực hiện chủ yếu trên giấy tờ chứ chưa qua kiểm nghiệm thực tế. Ngoài ra, tình trạng ăn chia hoa hồng giữa các nhà quản lý với các công ty dược phẩm đã tạo điều kiện cho thuốc giả có thể “len lỏi” vào các hệ thống tư nhân và công quyền, ở cả các phòng thí nghiệm và bệnh viện. Các hình thức xử phạt dành cho những kẻ sản xuất và kinh doanh thuốc giả cũng chưa đủ sức răn đe khi chủ yếu mới chỉ dừng lại ở mức phạt hành chính.
Theo nhà nghiên cứu Attaran, đã đến lúc cần phải có một khung pháp lý chung để kiểm soát dược phẩm. “Nếu như chúng ta đang ở thời của toàn cầu hóa thương mại, nhất thiết phải có toàn cầu hóa về luật pháp”, Attaran nói. Nhà nghiên cứu người Canada và các đồng nghiệp tại rất nhiều quốc gia, tháng 11-2012 đã kêu gọi một chiến dịch chống lại nạn thuốc giả, đúng thời điểm một tuần trước khi WHO cũng có một hội thảo về thuốc giả tại Buenos Aires. Theo Attaran, thế giới cần có một khung pháp lý chung như cách đang được dùng để kiểm soát thuốc lá mới có hy vọng loại bỏ được các loại dược phẩm giả.
An toàn dược phẩm
Các nhà nghiên cứu cho rằng đây là việc làm rất cần thiết bởi hiện tồn tại sự lúng túng trong định nghĩa về thuốc giả cũng như công thức bí mật của ngành công nghiệp dược phẩm nên dẫn đến sự thiếu chuẩn quốc tế về an toàn dược phẩm. Theo các nhà khoa học, hiệp ước toàn cầu về dược phẩm sẽ giúp chính phủ các nước hợp tác chặt chẽ với nhau trong giải quyết nạn thuốc giả như những hiệp ước đã giúp xử lý về vấn đề rửa tiền, buôn người... Giới khoa học cũng kêu gọi WHO, tổ chức có 194 quốc gia thành viên, thúc đẩy việc hình thành một hiệp ước về dược phẩm, góp phần tăng cường quản lý dược phẩm toàn cầu.
Hiệp ước về quản lý dược phẩm mang tính toàn cầu là câu chuyện của tương lai. Đau đáu với nạn thuốc giả, một nhóm các nhà nghiên cứu của 3 trường đại học tại Thụy Sĩ là Viện Fribourg, Đại học Y Geneva và Đại học Dược Geneva - Lausanne đã cho ra đời một dụng cụ có thể nhận biết được thuốc giả hay thật trong khoảng 20 phút. Loại dụng cụ này có thể nhận biết được 80% trong tổng số 200 loại thuốc được công nhận bởi WHO. Giá thành cho loại máy này vào khoảng 110.000 USD.
Serge Rudaz, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cho biết khoảng 10 máy loại này đã được sản xuất và hiện đang được sử dụng tại Viện Nghiên cứu sức khỏe quốc gia ở Mali; Đại học Dakar ở Senegal, các cơ quan y tế ở Phnom Penh, Campuchia. Một số loại máy này sẽ sớm có mặt ở Congo, Ghana và Bờ Biển Ngà trong thời gian tới.
Đỗ Văn (Tổng hợp)