Thuốc không được thầu vẫn trúng thầu

Mặc dù hồ sơ dự thầu phải qua mấy vòng thẩm định của tổ thẩm định cũng như tổ chuyên gia chấm thầu và cả Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công (Trung tâm mua sắm công), nhưng rốt cuộc Sở Y tế TPHCM vẫn để “lọt” nhiều thuốc trúng thầu không có số đăng ký mà chỉ để sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh cụ thể theo đơn yêu cầu. Những thuốc này không được tham dự thầu nhưng vẫn trúng thầu hàng tỷ đồng. Vụ việc này vừa được thông tin ngày 3-10.
Thuốc không được thầu vẫn trúng thầu

Mặc dù hồ sơ dự thầu phải qua mấy vòng thẩm định của tổ thẩm định cũng như tổ chuyên gia chấm thầu và cả Trung tâm mua sắm hàng hóa và tài sản công (Trung tâm mua sắm công), nhưng rốt cuộc Sở Y tế TPHCM vẫn để “lọt” nhiều thuốc trúng thầu không có số đăng ký mà chỉ để sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh cụ thể theo đơn yêu cầu. Những thuốc này không được tham dự thầu nhưng vẫn trúng thầu hàng tỷ đồng. Vụ việc này vừa được thông tin ngày 3-10.

Việc đấu thầu thuốc không đúng quy định làm gia tăng phí khám chữa bệnh của bệnh nhân. Ảnh: HẢI THỤY

Voi chui lọt…

Thông tin cho biết qua rà soát của Sở Y tế TPHCM đã phát hiện 4 loại thuốc trúng thầu có giấy phép nhập khẩu chuyến được Cục Quản lý dược cấp cho các đơn vị nhập để sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh cụ thể (theo nhu cầu của từng bệnh viện, không được dự thầu và không bao gồm các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TPHCM), trong đó có loại thuốc BICNU (hoạt chất Carmustine 100mg) là loại thuốc chỉ có giấy phép nhập chuyến sử dụng theo nhu cầu của Bệnh viện Chợ Rẫy TPHCM. Thế nhưng Công ty TNHH Dược phẩm Việt Pháp vẫn đưa hồ sơ vào dự thầu và trúng thầu số lượng 30 lọ với giá 9 triệu đồng/lọ, tổng cộng giá trị trúng thầu là 270 triệu đồng. Loại thuốc thứ hai cũng “lọt” cửa một cách ngoạn mục là Erwinase (hoạt chất L-Asparaginase Erwinase 10.000UI có giấy phép nhập chuyến sử dụng cho Viện Huyết học truyền máu Trung ương). Thế nhưng không hiểu vì lý do gì mà Tổ thẩm định hồ sơ thầu cũng như Trung tâm mua sắm công lại tiếp tục để cho Công ty TNHH Dược phẩm Việt Pháp trúng thầu với tổng giá trị 268,6 triệu đồng.

Tương tự, hai loại thuốc khác cũng chỉ được Cục Quản lý dược cho nhập chuyến phục vụ nhu cầu đích danh từng bệnh viện nhưng vẫn được Sở Y tế TPHCM cho trúng thầu tập trung rộng rãi với tổng trị giá trúng thầu hơn 2 tỷ đồng. Cụ thể là thuốc Sodium Bicarbonate (hoạt chất Natri Hydrocarbonate 4,2% có giấp phép nhập chuyến sử dụng cho Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Quận Thủ Đức TPHCM) với tổng giá trị trúng thầu là trên 1,7 tỷ đồng. Đây là loại thuốc của Đức và Cục Quản lý dược cấp phép cho Công ty cổ phần Dược liệu Trung ương II nhập khẩu theo chỉ định. Nhưng công ty này vẫn cho dự thầu và trúng… đậm! Một loại thuốc nữa là Digoxin (hoạt chất Digoxin 0,5mg/2ml có giấp phép nhập chuyến sử dụng cho Bệnh viện Đa khoa Hợp Lực; Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hùng Vương; Bệnh viện Đa khoa Ninh Bình; Bệnh viện Bạch Mai; Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam) nhưng cũng trúng thầu của Sở Y tế TPHCM tổng giá trị là trên 548 triệu đồng…

Trách nhiệm bỏ ngỏ

Như vậy, 4 loại thuốc trên theo quy định không được tham gia dự thầu gói thầu thuốc của TPHCM nhưng vẫn được trúng thầu. Trách nhiệm ở đâu? Theo thông tin từ Sở Y tế TPHCM, trong kết quả trúng thầu của gói thầu thuốc theo tên Generic đợt 1 năm 2014 có tổng cộng 38 thuốc trúng thầu có tài liệu do nhà thầu cung cấp là giấy phép nhập khẩu đối với những thuốc chưa có số đăng ký. Trong đó có 34 thuốc có số đăng ký và thuốc có giấy phép nhập khẩu chuyến lưu hành trên thị trường thì được phép tham gia đấu thầu. Riêng những thuốc đã trúng thầu mà chỉ được nhập chuyến theo chỉ định nhu cầu của bệnh viện như 4 loại thuốc nói trên, Sở Y tế TPHCM cho biết sẽ hủy kết quả trúng thầu và chấm dứt hợp đồng mua bán và xem xét xử lý các nhà thầu theo quy định. Đồng thời xem xét kiểm điểm Trung tâm mua sắm công, Tổ chuyên gia chấm thầu, Tổ thẩm định kết quả đấu thầu… Vấn đề ở chỗ trách nhiệm là đã rõ nhưng liệu các bộ phận liên quan đấu thầu thuốc có khuất tất, tư lợi sân sau trong việc để “lọt” các loại thuốc không được dự thầu mà vẫn trúng thầu? Nếu không được phát hiện, hàng tỷ đồng trúng thầu thuốc người bệnh phải è cổ ra chịu, trong khi các công ty dược trúng thầu thì ung dung hưởng lợi! Do đó, cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra làm rõ.

Sở Y tế TPHCM: Hủy kết quả trúng thầu của 4 mặt hàng thuốc

Do có nhiều dư luận liên quan đến việc đấu thầu thuốc tập trung tại Sở Y tế (đợt 1 năm 2014), Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh đã chỉ đạo kiểm tra các hồ sơ về thuốc trúng thầu với giấy phép nhập khẩu chuyến. Kết quả cho thấy, trong tổng cộng 38 thuốc trúng thầu của gói thầu thuốc theo tên Generic đợt 1 năm 2014, có 4 thuốc theo quy định thì không được tham gia đấu thầu. Đó là 4 thuốc được Cục Quản lý dược cấp cho các đơn vị nhập để sử dụng trong các cơ sở khám chữa bệnh cụ thể, không bao gồm các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế TPHCM.

Giám đốc Sở Y tế đã chỉ đạo hủy kết quả trúng thầu và chấm dứt hợp đồng mua bán của các mặt hàng thuốc nói trên; sớm có phương án mua sắm các mặt hàng thuốc bị chấm dứt hợp đồng hoặc thuốc thay thế trong trường hợp không thể mua các thuốc trên và trình UBNDTP. Các bệnh viện có nhu cầu thuốc trên sẽ phối hợp với các công ty cung ứng thuốc xin Bộ Y tế giấy phép nhập khẩu chuyến để nhập thuốc phục vụ cho bệnh nhân; Trung tâm mua sắm, Tổ chuyên gia chấm thầu, Tổ thẩm định kết quả đấu thầu của Sở Y tế tổ chức kiểm điểm, làm rõ sai sót nêu trên để xử lý theo đúng quy định.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục