Về vaccine “5 trong 1” Quinvaxem: Chờ kết luận của WHO mới tính tiếp

“Bộ Y tế vẫn đang chờ kết quả đánh giá chất lượng, kiểm định vaccine Quinvaxem của WHO rồi mới đưa các quyết định tiếp theo…”. Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 6-5 xung quanh việc Bộ Y tế bất ngờ quyết định tạm ngừng sử vaccine “5 trong 1” Quinvaxem trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, việc ngừng sử dụng loại vaccine này trong chương trình tiêm chủng mở rộng là vì từ đầu năm 2013 đến nay, Việt Nam ghi nhận một số trường hợp xảy ra tai biến sau tiêm chủng, trong đó 5 trường hợp tử vong. Mặc dù sau khi lập hội đồng khoa học từ cấp tỉnh đến cấp trung ương tiến hành điều tra về 5 trường hợp tử vong này, kết quả cho thấy có 4 trường hợp không liên quan gì đến vaccine Quivaxem và một trường hợp chưa rõ nguyên nhân. Tuy nhiên để bảo đảm an toàn tiêm chủng, cũng như tuân thủ nguyên tắc chất lượng vaccine, Bộ Y tế đã quyết định tạm dừng sử dụng loại vaccine trên và đề nghị Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiến hành các điều tra nhằm làm rõ nguyên nhân tai biến liên quan tới vaccine Quinvaxem.

Trước đề nghị trên của Bộ Y tế, hiện nay WHO đã chính thức cử chuyên gia hàng đầu tới Việt Nam tiến hành điều tra lại tất cả những trường hợp tai biến tiêm chủng liên quan đến vaccine Quinvaxem. WHO cũng nhận lời nhận tất cả các lô vaccine có liên quan đến các ca tai biến kiểm định lại ở những phòng kiểm nghiệm độc lập quốc tế để đảm bảo rằng kết quả kiểm nghiệm vaccine Quinvaxem là chính xác nhất. Tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn đang chờ kết quả đánh giá chất lượng, kiểm định vaccine Quinvaxem của WHO rồi mới có thể đưa các quyết định tiếp theo.

Liên quan tới nguy cơ thiếu hụt vaccine do Quinvaxem bị tạm dừng sử dụng, PGS-TS Nguyễn Thanh Long cho biết, Bộ Y tế đã lường trước vấn đề này và hiện đã đưa ra các phương án có thể sử dụng vaccine trong nước sản xuất “3 trong 1”, hoặc có thể trình với Chính phủ để xây dựng đề án nhập vaccine vô bào có chất lượng an toàn hơn vaccine Quinvaxem. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, các phương án tiếp theo còn phải phụ thuộc vào kết quả điều tra, kiểm định của WHO về vaccine Quinvaxem. Bởi lẽ nếu nhập vaccine vô bào thì một năm, chương trình tiêm chủng mở rộng phải chi ra khoảng 800 tỷ đồng nên đây là một khoản ngân sách không hề nhỏ. Hơn nữa, vaccine vô bào hay toàn tế bào như Quinvaxem thì đều có tác dụng phụ. Do đó, Bộ Y tế cũng như chương trình tiêm chủng mở rộng phải đi từng bước theo lộ trình, đợi kết luận của các cơ quan quốc tế về vấn đề này, chứ không thể vội vàng thay thế vaccine.

Đại diện lãnh đạo Bộ Y tế cũng khuyến cáo người dân, cũng như các gia đình có trẻ nhỏ không nên quá hoang mang khi vaccine Quinvaxem bị tạm dừng sử dụng. “Thời gian điều tra có thể trong một vài tháng, sẽ có một khoảng thời gian bị giãn cách tiêm vaccine nhưng điều đó không ảnh hưởng đến khả năng sinh miễn dịch cho trẻ khi trẻ phải tạm ngừng tiêm…”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long nêu rõ.

Trong khi đó, về phía Cục Quản lý Dược cho biết, vaccine Quinvaxem được sử dụng miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng, với khoảng 4,5 triệu liều tiêm/năm. Nếu tạm dừng sử dụng vaccine này  trong 1 tháng thì có thể chưa xáo trộn lớn nhưng lâu hơn, cần có nguồn thay thế để bảo đảm trẻ được tiêm chủng đầy đủ. Nguồn thay thế tạm thời có thể là vaccine đơn, các vaccine phòng 3 hoặc 2 bệnh trong một mũi tiêm như đã từng làm trước đây. Còn để tìm loại vaccine phối hợp thay thế vaccine “5 trong 1” Quinvaxem thì nhanh nhất cũng mất 3 tháng vì nhà cung cấp phải đặt hàng nhà sản xuất và phải mất thời gian vận chuyển, kiểm định theo quy định. Vaccine “5 trong 1” Quinvaxem được Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) tài trợ cho Việt Nam từ tháng 6-2010 đến hết năm 2015 với nguồn tài chính khoảng 38,5 triệu USD. Đến nay, Việt Nam nhập về khoảng 15 triệu liều và đã sử dụng khoảng 11 triệu liều vaccine này.

Nguyễn Quốc

- Khẩn cấp dừng sử dụng vaccine “5 trong 1” Quinvaxem inj

Tin cùng chuyên mục