Thương câu vọng cổ quê nhà

Thương câu vọng cổ quê nhà
  • Lai lịch một bài hát

Giọng kể thật hấp dẫn, GS-TS Trần Văn Khê mô tả cuộc trò chuyện trực tiếp giữa nhà báo Thanh Cao và nhạc sĩ Cao Văn Lầu qua bài đăng trên báo Dân Mới, số ra ngày chủ nhật 20-12-1953. Khi ông Thanh Cao hỏi ông Sáu Lầu: “Chẳng hay từ ngày Bác cho ra đời bản Vọng cổ đến nay đã được bao nhiêu năm rồi và bác còn nhớ năm nào chăng?”.

Ông Sáu Lầu đã trả lời: “Tôi không nhớ rõ đã được bao nhiêu lâu, nhưng chỉ nhớ năm ấy tôi được 29 tuổi và bây giờ tôi đã 63”. Bài báo đăng năm 1953, có nghĩa là ông Cao Văn Lầu chào đời khoảng năm 1890. Năm ông sáng tác bài “Dạ cổ hoài lang” là 1919, lúc “khủng hoảng tinh thần”, trong “hoàn cảnh đau thương”, bị mẹ bắt buộc phải “để vợ” (ly dị vợ) vì lý do sống cùng ông tám năm trời vẫn không có con nối dòng! Ông buồn nhớ bạn lang nên đặt bài ca tên “Hoài lang”.

Về động cơ và thời điểm trực tiếp, ông Cao Văn Lầu sáng tác “Dạ cổ hoài lang”có lẽ xuất phát từ việc đáp lại tấm thịnh tình của nhóm nghệ sĩ Huế ghé thăm đất Bạc Liêu khoảng cuối năm 1919. Nhưng, cũng từ đấy, theo thời gian, bản “Dạ cổ hoài lang” từ nhịp đôi nguyên thủy đã trở thành “Vọng cổ” nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64, nhịp 128… Bản “Dạ cổ hoài lang” từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể; phát triển không ngừng, biến hóa thiên hình vạn trạng, sống mãi trong lòng người Việt trong nước và rải rác khắp năm châu.

  • Thương về quê cũ

Thật bất ngờ, trong đêm nghe biểu diễn minh họa bài “Dạ cổ hoài lang” và các bản vọng cổ phát triển theo thời gian, bên cạnh giọng ca điêu luyện của nữ nghệ sĩ lão thành Bạch Huệ, các nghệ sĩ trẻ Thanh Tuyết, Lê Tứ, Hà Như, khán giả còn được thưởng thức một giọng nữ “mới toanh”, hát khá ngọt ngào, trong ấm.

GS-TS Trần Văn Khê giới thiệu đó là giọng hát của Ngọc Tuyết (ảnh), “nghệ sĩ nghiệp dư” và cô cũng là Việt kiều từ Mỹ về thăm quê hương. Ngọc Tuyết mở đầu bài vọng cổ là một tiếng hò mênh mông, sâu lắng khá truyền cảm: “Hò ơ! Đèn nào cao bằng đèn Châu Đốc. Gió nào độc bằng gió Gò Công. Tháng mười trời đã lập đông, Nhớ về quê cũ nước mắt hồng nhỏ tuôn…”

Bài hát “Thương về quê cũ” do Nam Bình, một nhạc sĩ nghiệp dư xa xứ, thương nhớ quê nhà đã sáng tác. Bài này, Nam Bình mời soạn giả Viễn Châu “nhuận sắc” giùm và lâu nay nó trở thành bản vọng cổ thân thương của một số nghệ sĩ cải lương đang sống ở nước ngoài.

Sau buổi biểu diễn, Ngọc Tuyết tâm sự: “Tôi rất hạnh phúc khi được nghệ sĩ Hải Phượng mời tham dự chương trình của GS-TS Trần Văn Khê. Được nghe, được hát, tôi như sống lại những tháng ngày êm đềm lúc ở quê hương Vĩnh Long. Từ nhỏ, tôi đã yêu và say mê biết bao khi lắng nghe tiếng hát của nghệ sĩ Út Bạch Lan, Thanh Nga vang vọng, văng vẳng trên cánh đồng lúa mênh mông từ chiếc loa đài phát thanh mỗi buổi sáng của xã mình. Tiếng hát như dội vào cung tim và nhập vào tâm tư của tôi tự bao giờ không rõ. Đó là điều tôi có thể cắt nghĩa vì sao không được đào tạo từ trường lớp nào mà tôi vẫn hát được dân ca, vọng cổ đúng nhịp.”

Ngọc Tuyết cũng cho rằng những câu ca vọng cổ thật hay, sâu sắc, đầy ý vị, đầy nghĩa tình. Chính điều đó làm cho cô rất tự hào mỗi khi có dịp tham gia trình diễn, quảng bá cổ nhạc Việt Nam ở một “thính phòng nho nhỏ” họp mặt bạn bè. “Lớn lao hơn và vinh dự hơn”, Ngọc Tuyết kể là mỗi lần cô được mời biểu diễn nghệ thuật, quyên góp từ thiện cứu trợ đồng bào bị bão, lụt nơi quê nhà. Những làn điệu, lời ca vọng cổ thật dễ đồng cảm, dễ rung động:

“… Muối Bạc Liêu, mặn tình biển cả, Mớ than hồng ấm áp củi Cà Mau. Ăn gạo mống chim nhớ ruộng Sóc Trăng. Đêm ngủ chiếu, nhớ lác miền Đồng Tháp. Ôi! Tình quê hương muôn đời bất diệt…”.

Thương làm sao những câu vọng cổ làm người ta liên tưởng đến bóng dáng quê nhà!

KIM ỬNG

Tin cùng chuyên mục