Thương cho roi cho vọt?

Thương cho roi cho vọt?

Cho đến giờ, khi đã là mẹ của hai đứa con – con trai lớn 17 tuổi, con gái nhỏ 6 tuổi, tôi vẫn nghi ngờ về độ chính xác của câu “Thương cho roi cho vọt”. Đã đành, đây kinh nghiệm sống của ông bà ta, nhưng tôi lại hiểu câu nói ấy chỉ là một cách biện hộ cho những bậc cha mẹ thích mạnh tay với con mình.

Sống trong tình yêu thương của mẹ. Ảnh: C.T.V.

Sống trong tình yêu thương của mẹ. Ảnh: C.T.V.

Suốt quãng đời tuổi thơ, tôi lớn lên cùng với những trận đòn của cha. Bất cứ chuyện gì tôi làm, cha cũng có thể giải quyết bằng một trận đòn chí mạng. Cơm sống, cơm nhão, em khóc, bể chén, ăn đổ cơm ra ngoài, giặt đồ chưa sạch, ngồi ăn cơm mà mặt cúi gằm… đều là những lý do để tôi bị đánh đòn. Rất hiếm khi cha bắt tôi nằm dài cho cha đánh, thường là cha thuận tay vớ được cái gì thì đánh tôi bằng cái đó.

Trong đầu óc non nớt của cô bé trên dưới 10 tuổi lúc ấy, tôi chỉ nghĩ đơn giản, hay tại tôi là con nuôi nên mới dễ dàng bị ăn đòn như thế. Thực tế, tôi là con ruột và lại là chị lớn trong nhà, nên chuyện gì cũng đến tay. Thời bao cấp, cha mẹ lại là công nhân viên nhà nước nên cuộc sống chẳng dư dả gì. Có lẽ, phải đối mặt với nhiều khó khăn nên cha mẹ tôi thường cáu bẳn với con cái; mà theo cách nói bây giờ là bị áp lực công việc. Đánh con cũng là một cách giải tỏa stress chăng?

Nhiều hôm, vừa đánh tôi, cha vừa bảo hôm nào tôi không bị ăn đòn là hôm ấy tôi ăn cơm không ngon! Lần nào cha đánh tôi cũng trong trạng thái kích động, chẳng bao giờ tôi thấy cha đánh đòn mình mà tỏ ra chút thương xót nào. Lạ một nỗi, lẽ ra ăn đòn như thế phải khiến tôi sợ hãi, trái lại, tôi trở nên dạn đòn. Cha đánh đau cỡ nào tôi cũng không khóc. Nhìn mặt tôi lầm lì, cha còn tức giận và đánh tôi đau hơn. Vậy mà mắt tôi vẫn ráo hoảnh! Chỉ đến khi đêm về, đợi cả nhà ngủ say, tôi vùi mặt vào gối khóc ngon lành. Tôi cứ khóc như thế cho đến khi mệt lả và ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Lần nào khóc, tôi cũng tự hứa với mình, nếu sau này lấy chồng, có con, tôi không bao giờ đánh con mình dù chỉ một roi.

Rồi tôi cũng đi lấy chồng và làm mẹ. Chỉ đến lúc ấy, tôi mới hết bị cha đánh đòn. Cuộc sống riêng với tôi là thiên đường, dù rằng ngày ngày tôi phải đạp xe hơn 20 cây số đến cơ quan; dù rằng cuộc sống hai vợ chồng tôi lúc ấy khó khăn hơn cả. Nhưng tôi vui và hạnh phúc vô cùng, chỉ đơn giản là tôi không bị ăn đòn nữa.

Không thể nói chính xác được tôi yêu con mình đến như thế nào. Bao nhiêu mong ước, khát khao của tuổi thơ, tôi dồn hết cho con. Tôi thèm được yêu thương, được cha mẹ nựng nịu, nói ngọt ngào; thèm được mặc những bộ đồ đẹp, mang đôi dép đẹp… tất tật những mong ước ấy tôi dồn cả cho con mình. Duy chỉ có một điều tôi không làm được, đó là… tôi thất hứa và đánh đòn con mình.

Khác với cha tôi hồi xưa, tôi “sắm” hẳn cây roi để ở góc nhà. Cả thằng con trai lớn lẫn cô con gái nhỏ sau này đều vài lần bị mẹ đánh đòn mà đánh rất đau. Tôi thường dồn vài lỗi lại, mới dùng đến roi vọt để giải quyết. Khi đánh con, tôi thường chủ đích đánh vào mông và nhận ra lần nào đánh con, tôi cũng trong trạng thái bị… kích động. Chỉ có điều, sau đó, lòng đầy hối hận. Đợi con ngủ say, tôi len lén lấy dầu xức vào các lằn roi trong nước mắt nhạt nhòa.

Tôi không nghi ngờ về tình yêu mình dành cho con, song cũng không kiềm chế được cơn nóng giận khi chúng làm sai điều gì đó. Nhưng kinh khủng nhất vẫn là những khi tôi nhận ra mình đang trút sự nóng giận người khác, việc khác vào các con của mình. Tôi không tin câu: “Thương cho roi cho vọt”. Cứ nhìn cách cha đánh tôi, cứ cảm nhận lại những lúc tôi đánh con mình, chưa lần nào tôi nhận thấy người ta đánh con vì yêu con cả! Đánh một ai đó, thường là để mình hả giận, vậy sao có thể nói là thương cho được. Chưa nói đến việc, đánh một đứa trẻ không thể tự vệ, chỉ là cách để người lớn bày tỏ uy quyền của mình thì đúng hơn.

Từ khi làm mẹ, tôi không giận cha mẹ mình, không còn oán hận những trận đòn chí mạng ngày trước. Với thằng con trai lớn, đã từ rất lâu, tôi không bao giờ dùng roi với cháu. Hai mẹ con thường tâm tình, chia sẻ, tranh luận đủ mọi vấn đề. Nhiều lúc nói con không nghe, tôi khóc và cháu im lặng, sau đó cháu tự điều chỉnh. Với cô con gái nhỏ, cái roi không mấy hiệu quả. Mỗi khi tôi rút roi ra dọa dẫm, cháu tỏ ra sợ hãi tí xíu, rồi đâu lại hoàn đấy. Cái roi vẫn nằm ở góc nhà, chỉ “minh họa” là chính, còn chủ yếu tôi vẫn phải ngọt ngào nịnh nọt, khen ngợi cô bé thì mọi việc mới trôi chảy. Tôi tin, trên thế gian này những lúc thương con, chả ai muốn đánh con cả. Thế cho nên câu “Thương cho roi cho vọt” đến giờ vẫn không thuyết phục được tôi.

NHƯ HOA

Tin cùng chuyên mục