Cơn sốt nuôi cá rô đầu vuông đang nóng lên từng ngày ở Hậu Giang và các tỉnh lân cận. Nông dân ban cả đất lúa đang xanh tốt, phá rẫy mía để nuôi cá… Nhiều nông hộ thật sự đổi đời từ nuôi cá rô đầu vuông để bán thịt hay nuôi bán giống. Song chuyện nhà nhà đổ xô nuôi loại cá này đang dẫn tới nguy cơ khủng hoảng thừa và mai một đàn cá bố mẹ…
“Soán ngôi” cá tra?
Nuôi cá tra hoài không khá, anh Trần Duy Minh chuyển sang nuôi cá rô đồng. Mất gần 2 năm nhưng nuôi cá rô đồng chỉ từ huề đến lời chút ít. Giữa tháng 7-2010, anh Minh chuyển sang nuôi cá rô đầu vuông và vừa bán đợt đầu 12 tấn với giá bình quân 30.000 đồng/kg, lời 120 triệu đồng. Câu chuyện anh Minh đạt lợi nhuận 120 triệu đồng từ mấy ao nuôi cá rô đầu vuông nhanh chóng lan truyền và cuốn hút hàng chục người trong xã Long Bình, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang đào ao nuôi loại cá này. Đầu tháng 12-2010, giá cá rô đầu vuông đã giảm nhẹ loại 10 con/kg còn 25.000 đồng, loại 7 con/kg còn 28.000 đồng, giảm 5.000 đồng/kg so với hồi tháng 11-2010. Nguyên nhân do “đụng hàng” với các loại cá đồng được đánh bắt nhiều trong mùa nước nổi.
Cá rô đầu vuông có “gen trội”, lớn nhanh và đầu vuông như cá lóc. Thời hoàng kim cá rô đầu vuông có lúc bán đến 40.000 đồng/kg. Ông Nguyễn Văn Khải ở xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy có “vận may” khi phát hiện trong ao rô đồng nhà có khoảng 70 con cá lạ, lớn hơn cá rô bình thường, đầu vuông vào năm 2008. Trọng lượng 400 - 700 gram/con, lớn gấp 3 - 4 lần so với cá rô bình thường. Và lứa cá này được ông Khải làm cá bố mẹ nhân giống.
Sự phát triển đột biến của cá rô đầu vuông (7-10 con/kg) cũng cuốn hút đối với nhiều thực khách trên bàn tiệc. Hiện cá rô đầu vuông về đến các chợ lớn khu vực ĐBSCL bán 45.000 - 50.000 đồng/kg. Vào nhà hàng giá 100.000 - 130.000 đồng/kg. “Lợi nhuận từ cá rô đầu vuông rất hấp dẫn, nông dân trong vùng đã đổ xô nuôi. Nhiều hộ phá bỏ lúa mới trổ để vét hầm, đào ao. Việc bỏ lúa sắp thu hoạch không được chính quyền khuyến khích nhưng không thể ngăn cản dân được” - ông Huỳnh Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy cho biết. Diện tích nuôi cá rô đầu vuông ở Hậu Giang chỉ vài chục hécta, nay đã lên 220 ha và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Nhiều người nhận định cá rô đầu vuông sẽ thay thế cá tra, cá basa trong tương lai gần ở Hậu Giang.
Kiểm soát cá giống
Ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang bước đầu đã nhờ một số cơ quan chức năng nghiên cứu theo dõi, xác định rõ nguồn gốc, phân tích ADN để tiến tới xây dựng thương hiệu “Cá rô đầu vuông Hậu Giang”. Đây là việc làm cần thiết. Triển vọng của cá rô đầu vuông rất lớn. Những ưu điểm vượt trội về thời gian nuôi, tốc độ lớn nhanh, trọng lượng lớn sẽ là lợi thế để xây dựng thương hiệu trong tương lai. Một số thương lái đã xuất khẩu cá rô đầu vuông theo đường tiểu ngạch sang Campuchia và Singapore. Nhiều nông dân ở Đồng Tháp, An Giang, Cần Thơ bỏ nuôi cá tra chuyển qua nuôi cá này.
| |
PGS-TS Dương Nhật Long, Trưởng bộ môn Kỹ thuật nuôi thủy sản nước ngọt, Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ cho rằng: “Cần có chương trình nghiên cứu nghiêm túc và bảo vệ nguồn cá rô đầu vuông”. Đây là việc làm cần thiết để bảo tồn và phát triển cá rô đầu vuông, một loài cá đang giúp nhiều nông dân “giảm nghèo”. Chỉ cần 1.000m2 ao nuôi, sau hơn 3 tháng, người dân có thể thu hoạch 7 - 8 tấn cá thịt bán, lợi nhuận 100 - 150 triệu đồng.
CAO PHONG