Thương khói cà ràng

Tiếng mưa trên mái lá nghe rõ “lộp độp”, chái bếp sau nhà trở thành nơi ấm cúng nhất, mùi cơm chiều làm cái bụng đói cồn cào, mớ tro than còn trong cà ràng má vừa kho niêu cá, vẫn đủ nóng…
Bếp cà ràng. Ảnh: KHÓI LAM CHIỀU
Bếp cà ràng. Ảnh: KHÓI LAM CHIỀU

Cà ràng tên chuẩn là “Kran”, bắt nguồn từ tiếng Khmer, một loại bếp lò được dùng phổ biến ở miền Tây Nam bộ. Bếp cà ràng được làm bằng đất nung cấu trúc khá đặc biệt, thành cao hình số 8 để chắn gió, chứa tro và cây củi chụm lửa… Trong những lần khai quật di chỉ khảo cổ ở vùng sông nước Nam bộ, giới nghiên cứu văn hóa, lịch sử cũng kết luận rằng cà ràng là hiện vật đặc trưng của nền văn hóa Óc Eo.

Câu chuyện nguồn gốc cà ràng đó, có lẽ xa xôi với lớp người lao động, bởi họ đã quen với chiếc cà ràng nơi chái bếp, hay đời thương hồ lênh đênh sông nước, nấu bếp cà ràng trên ghe cũng không sợ cháy mặt sàn. Nơi chái bếp sau nhà, cà ràng được má nấu mấy mùa nay, tới chừng nào bể không còn xài được nữa thì sắm cái cà ràng mới. Bếp ga hay bếp điện là tụi nhỏ trong nhà sắm theo ý tụi nó, thế hệ ông bà, tía má đã quen khói cà ràng, cơm cháy nồi gang…

Bếp cà ràng chứng kiến những bài học khéo léo mà người lớn dạy cho sắp nhỏ trong nhà. Nhóm bếp mà không khéo thì khó bắt lửa, khói nghi ngút chái bếp, mùi cay nồng len vào khoang mũi nghèn nghẹn đến chảy nước mắt nước mũi, mà lửa thì không bén được. Cà ràng chụm phải có khói, nhưng người khéo hơn người vụng ở chỗ khói bếp vừa đủ, không cay mắt…

Anh chị trong nhà dựng vợ gả chồng, đến lúc dọn ra ở riêng, má cũng đi mua cái cà ràng rồi khệ nệ xách qua cho tụi nhỏ. Tự tay má đặt cà ràng ở chái bếp, không nói thành lời, mà anh Hai, chị Ba đều hiểu ý, má cho cái cà ràng mới như lời dặn thầm “cơm sôi bớt lửa một đời không khê”. Bếp cà ràng cũng hay ở chỗ, khi nấu, muốn nhanh có thể nhét củi ở bốn bên, nhưng muốn chụm riu riu thì lần lượt rút củi xuống bớt ngăn dưới, không sợ lửa cháy hỗn.

Một thời lẩu cù lao tưởng đâu chỉ còn trong ký ức người miệt vườn, nhưng bây giờ trở thành điểm nhấn, thậm chí được xếp ở vị trí “best seller” (bán chạy) trong các nhà hàng. Sắp nhỏ mỗi lần đưa tía má đi ăn nhà hàng thường ghẹo, mai mốt người ta đem lẩu cù lao với cà ràng của tía má chế biến mấy món đặc sản hết, cho hai ông bà già khỏi đòi cơm cháy nồi gang, nước lèo bếp củi nữa nha…

Tía cười khà một trận: “Cái cà ràng này chỉ hợp ở chái bếp, bây bưng vô nhà hàng thì để ở đâu, khói bốc lên là còi báo cháy nó hú, có nước bỏ chạy chứ ăn uống gì nữa”.

Đúng là có những vật dụng chỉ mãi thuộc về quê nhà như cái cà ràng chẳng hạn. Mà cái cà ràng cũng đâu chỉ có ở quê, nó ở lại trong lời dạy của má lúc anh Hai, chị Ba ra ở riêng; nó ở lại trong ký ức của một thế hệ lớn lên đã quen mặt cà ràng. Để rồi đâu đó trong dặm dài trưởng thành, người ta nhớ khói lam chiều trên mái lá, nhớ mùi cơm cháy nồi gang cà ràng…

Nhiều người vẫn hay nói nồi đất nấu ngon cơm, trã đất nấu nước lèo ngon hơn nồi nhôm. Cà ràng cứ thế mà có mặt ở chái bếp bên cạnh bếp ga, bếp điện, dẫu chẳng còn đỏ lửa mỗi ngày như thuở xưa.

Tin cùng chuyên mục