Chuyến xe của đoàn từ thiện có mặt tại sân UBND phường 15, quận Tân Bình, TPHCM từ sáng sớm. Hôm đó là thứ bảy - Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6-2013. Đây là chuyến đi về xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ với mong muốn mang lại phần nào niềm vui và nụ cười cho những học trò nghèo nơi vùng biển nắng gió quanh năm này…
Những tấm lòng thơm thảo
Từ bến đò Cầu Đen (xã Cần Thạnh) mất 45 phút đò máy ra biển để tới xã đảo Thạnh An. Đò gần cập bến thì mây đen vần vũ, khiến mọi người trên đò phải cấp tập lấy tấm ni lông che đậy các gói quà. Phía sau đuôi đò, anh Võ Hoàng Kiệt, Bí thư kiêm Chủ tịch xã lấy điện thoại a lô anh em trên đảo nhanh chóng tập trung xe kéo ra bến để vận chuyển hàng quà về tập kết ở hành lang Trường Tiểu học Thạnh An, tránh cơn mưa đang ập tới.
Các thành viên đoàn từ thiện được thầy hiệu trưởng hướng dẫn đi nhanh về trường. Trong sân trường và dọc các hành lang, các em học sinh đã ngồi đợi để nhận quà, rồi vui chơi cùng các anh chị trong đoàn từ thiện (Câu lạc bộ Võ thuật phường 13, 15 và Trường Tiểu học Đống Đa, quận Tân Bình).
Anh Võ Hoàng Kiệt tâm sự: “Nghe có đoàn từ thiện về tặng quà cho học sinh xã nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6, người dân ai nấy đều háo hức chờ đợi. Bởi, lâu lắm rồi các học trò nghèo nơi xã đảo này mới có được ngày vui”. Có lẽ cùng tâm trạng háo hức với người dân mà Bí thư kiêm Chủ tịch xã đã cùng ban giám hiệu trường tiểu học xã đi đò từ Thạnh An qua Cần Thạnh để đón đoàn. Các anh đã xắn tay áo cùng các thành viên đoàn từ thiện khuân vác từng món quà lên đò để chở ra đảo cho kịp chuyến.
Thầy Đặng Thái Bình, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An, chia sẻ, thầy là dân Bình Khánh về đây công tác đã 7 năm. Thương cho hoàn cảnh của bao học trò nghèo mà gắn bó với mảnh đất này. Cuộc sống người dân còn rất chật vật. Cái nghèo vẫn còn đeo đẳng nhiều gia đình nên việc học hành của phần lớn các em rất khó khăn. Nhiều em học sinh ngoài giờ học ở trường, về nhà phải phụ giúp cha mẹ kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Ông Trần Văn Tâm, Chủ tịch UBND phường 15, quận Tân Bình, TPHCM, trưởng đoàn từ thiện cho biết, để có được chuyến đi này, anh em đã vận động nhiều mạnh thường quân đóng góp quà tặng. Số quà tặng cho các em học sinh Trường Tiểu học Thạnh An gồm: 200kg gạo, 130 áo trắng, 100 đôi giày đi học, 1.000 cuốn tập, 500 cây viết, sữa hộp và nhiều truyện tranh cũ… Đặc biệt, Báo Sài Gòn Giải Phóng thông qua quỹ từ thiện của báo gởi tặng các em học sinh 10 suất học bổng (1 triệu đồng/suất) và 100 áo phao trang bị cho học sinh sử dụng mỗi khi đi đò.
Hạnh phúc giản đơn
Sợ trời đổ mưa lớn, hiệu trưởng trường hội ý nhanh với trưởng đoàn từ thiện và tổ chức phát quà ngay nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các em. 10 em học sinh nghèo, vượt khó được mời lên nhận học bổng của Báo Sài Gòn Giải Phóng. Nhìn em nào cũng nhỏ nhắn như học sinh mẫu giáo mới thấu được cái nghèo khó mà các em phải chịu đựng mỗi khi cắp sách tới trường. Nắm chặt chiếc phong bì 1 triệu đồng trên tay, em nào cũng trả lời giống nhau, “đưa mẹ lo cho gia đình” khi được hỏi “em sẽ dùng số tiền này làm gì?”.
Cầm trên tay chiếc phao cứu sinh (sáng chế mới của Hiệp hội Nhựa thành phố, có sức tải nổi một người có trọng lượng 70kg), nhiều em như thắc mắc, phải sử dụng thế nào. Khi được chúng tôi hướng dẫn, các em đưa tay vào dây khóa và hai bàn tay nắm chặt đai phao hướng ra trước mặt một cách thích thú.
Trong sân trường, 100 em học sinh được mời nhận quà vui như tết. Các em vỗ tay, cười nói liên tục và đưa tay vẫy vẫy mỗi khi ống kính phóng viên quay về phía các em. Một cô giáo đứng cạnh chia sẻ cảm xúc cùng chúng tôi: “Ngày 1-6 năm nào các em học sinh trường cũng được nhận quà và vui chơi như thế này thì quý biết chừng nào! Thương cho các em lắm. Mỗi khi về thành phố nhìn trẻ em được hưởng thụ biết bao công trình vui chơi, giải trí mới thấy trẻ em nơi đây còn thiệt thòi lắm”. Một thành viên trong đoàn đã đặt vấn đề với hiệu trưởng trường và cho biết, anh sẽ vận động gia đình trang bị cho trường một phòng đọc sách thiếu nhi để các em có điều kiện giải trí, mở mang kiến thức”.
Thầy hiệu trưởng tâm sự, “toàn trường có 330 học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Tất cả đều học hai buổi nhưng không tổ chức bán trú được, vì vậy trưa các em phải về nhà ăn cơm rồi chiều lại tự đi bộ đến trường học tiếp. Ở xã chỉ tổ chức lớp đến hết cấp 2, lên lớp 10 các em phải qua huyện học. Gia đình nào khá giả thì mới đảm đương nổi việc cho con tiếp tục học, còn nghèo thì phải tính kế sinh nhai…”.
Nghĩ đến bước đường học tập còn dài và bao gian khổ, thấy thương các em nhỏ vô cùng! Có lẽ hôm nay là ngày tết thiếu nhi, được nhận quà của các cô các chú từ thành phố mang xuống nên em nào cũng diện áo mới trắng tinh. Không có bánh kẹo, nước uống trong ngày “tết” như thường thấy ở các trường nội thành, nhưng chúng tôi nhìn thấy niềm vui hiển hiện trong từng đôi mắt các em. Những chiếc phao, cuốn tập, đôi giày… mà các em được các cô chú tặng trong sáng nay như đã thắp lên nụ cười vui, hạnh phúc trong mỗi tâm hồn trẻ thơ.
Hạnh phúc đôi khi chỉ giản đơn như vậy. Thương lắm, các em nhỏ Thạnh An!
KIỀU PHAN