Ngày 16-11, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cùng các chuyên gia Bộ Xây dựng, Bộ KH-CN… có chuyến kiểm tra công trình đập thủy điện Sông Tranh 2 sau trận động đất 4,7 độ richter và làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam, huyện Bắc Trà My. Tại đây, có một số ý kiến đặt ra là trận động đất vào lúc 14 giờ 24 ngày 15-11 có cường độ 4,7 hay 6,5 độ richter?
- 4,7 hay 6,5 độ richter?
Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Hải, Trưởng ban Quản lý dự án thủy điện 3 cho biết, ngay sau khi động đất xảy ra, Ban Quản lý dự án thủy điện 3 đã tiến hành kiểm tra các hạng mục công trình như đập dâng, đập tràn, đập phụ và không phát hiện hiện tượng bất thường. Riêng khu quản lý vận hành trên đỉnh đập và các nhà dầu xuất hiện một số vết nứt giữa tường xây gạch và trụ bê tông.
Ông Nguyễn Quyết Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn thiết kế điện 1, khẳng định: Công trình thỏa mãn các tiêu chuẩn thiết kế; thi công, nghiệm thu theo đúng quy trình. Khi đưa vào vận hành, đập hoàn toàn thỏa mãn các tải trọng thiết kế, đặc biệt thỏa mãn tải trọng động đất cao hơn 43%, đảm bảo kháng chấn 220cm/s² (theo thiết kế là 150cm/s² ). Ở mức 161m, công trình chịu được gia tốc cực đại 350cm/s² (tương đương 6,5 độ richter, cấp 9 theo thang MSK64).
Hiện nay, công trình an toàn, không có gì bất thường. PGS-TS Phạm Hữu Sy, giảng viên Trường Đại học Thủy lợi cũng khẳng định, theo số liệu của Viện Vật lý địa cầu, động đất hôm 15-11 là 4,7 độ richter, nhỏ hơn động đất thiết kế là hợp lý.
- Khẩn trưởng an dân
Ông Đinh Văn Thu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho rằng, hiện nay mối quan tâm lớn nhất vẫn là an toàn đập thủy điện Sông Tranh 2. Vừa qua, các bộ khẳng định đập vẫn an toàn, tỉnh cũng phần nào an tâm. Tuy nhiên, trận động đất mạnh nhất từ trước đến nay xảy ra hôm 15-11 làm 48.000 hộ của 5 huyện trong vùng động đất, nhất là huyện Bắc Trà My rất lo lắng.
|
Máy đo gia tốc đặt tại đập Sông Tranh 2 đo là 268cm/s² tương đương 6,5 độ richter nhưng thông báo của Viện Vật lý địa cầu là 4,7 độ richter thì nhường lại cho các nhà khoa học phản biện. Tỉnh tiếp tục đề nghị các bộ, ngành liên quan khẳng định lại đập Sông Tranh 2 có an toàn hay không và đề nghị tiếp tục không cho tích nước. Ông Đinh Văn Thu cũng đề nghị các bộ, ngành trung ương, nhất là Tập đoàn Điện lực Việt Nam EVN khẩn trương hỗ trợ địa phương 3,7 tỷ đồng để khắc phục sửa chữa nhà dân bị hư hại do động đất, hệ thống cấp nước sạch và làm đường giao thông; khẩn trương cấp đất sản xuất cho nhân dân.
Ông Phạm Lê Thanh, Tổng Giám đốc EVN, cho biết: “Các cơ quan chức năng đều khẳng định đập an toàn nhưng để đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người dân, chính phủ yêu cầu chưa tích nước và EVN thực hiện nghiêm chỉ đạo này. Hiện nay, EVN vận hành hồ chứa đảm bảo đúng chỉ đạo, nước về bao nhiêu thì xả qua các tổ máy phát điện bấy nhiêu để đảm bảo mực nước hồ ở mực nước chết”. Về hỗ trợ vốn sửa chữa nhà cửa, công trình cho người dân vùng động đất, ông Phạm Lê Thanh tiếp tục hứa: “Đầu tuần tới EVN sẽ chuyển ngay tiền hỗ trợ người dân, tạo lòng tin cho người dân. EVN sẽ chia sẻ kinh phí làm 20km đường ĐT607 nối từ QL1A lên Bắc Trà My nhưng con số chính thức thì chưa nói được”.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: “Động đất một mặt không lường hết được, mặt khác gây thiệt hại kinh tế, gây tâm lý hoang mang lo lắng, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Vì vậy, Bộ Xây dựng coi nhiệm vụ an toàn cho người dân là số 1. Sau khi kiểm tra, có thể cho tích nước nếu an toàn, hoặc ngừng tích nước vĩnh viễn nếu không an toàn, vì an toàn cho người dân là trên hết”.
N.KHÔI