Nếu thủy điện Đồng Nai 3 chậm tích nước, chậm phát điện một năm, ngành điện sẽ thiệt hại 1.000 tỷ đồng. Và đến ngày 17-9 hồ thủy điện Đồng Nai 3 đã được tích nước. Như vậy ngành điện đã thực hiện được kế hoạch của mình, nhưng hàng loạt vấn đề xã hội liên quan chưa được giải quyết.
Dân chưa có nhà, chưa có vườn...
Tại xã Đắc Plao (huyện Đắc Glong, tỉnh Đắc Nông), đến ngày tích nước, nhà tái định cư vẫn chưa xong, đất tái định canh cũng chưa có. Nhiều hộ dân vẫn phải sống tạm bợ đợi nhà tái định cư (nghe nói cũng phải 3-4 tháng nữa)…
Tại xã Đinh Trang Thượng (Di Linh, Lâm Đồng), nước hồ thủy điện Đồng Nai 3 đã ngập thôn 5 và khoảng 10km quốc lộ 28 từ Lâm Đồng đi Đắc Nông. Ở đây, một số hộ đã nhận tiền đền bù và di dời khỏi khu vực lòng hồ, tuy nhiên vẫn còn một số hộ chưa đi. Theo Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Di Linh, tổng số hộ trong diện giải tỏa tại khu vực lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 là 295 hộ, diện tích 277ha. Hiện đã phê duyệt chi phí bồi thường, hỗ trợ 3 đợt cho 184 hộ với số tiền 30,773 tỷ đồng; trong đó có 163 hộ đã nhận tiền, 5 hộ chưa nhận vì thuộc diện dân tộc thiểu số, diện tích đất dưới 1ha nên ngành chức năng giữ lại tiền đất để chờ phương án tái định canh; 16 hộ chưa thỏa thuận được giá cả đền bù hoặc chưa đo đạc, tính toán đủ diện tích đất. Ngoài ra, còn 127 hộ chưa được lập hồ sơ đền bù với diện tích 170ha.
Theo ông Tạ Văn Thành, Trưởng ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Di Linh (Lâm Đồng), chủ đầu tư dự án thủy điện Đồng Nai 3 (Ban quản lý thủy điện 6) chỉ nghĩ đến lợi ích của mình mà không quan tâm các vấn đề xã hội liên quan. Khi những hộ dân nói trên chưa được đền bù giải tỏa thì Ban quản lý thủy điện 6 đã cho chặn dòng tích nước khiến nước dâng ngập nhà cửa, cây trồng của người dân.
Cũng theo ông Tạ Văn Thành, mặc dù đã được UBND tỉnh Lâm Đồng giao đất để tái định cư cho dân trong khu vực ảnh hưởng, nhưng đến nay, chủ dự án vẫn chưa khai hoang xong nên không có đất tái định cư. Chủ dự án cũng chưa cung cấp đầy đủ hồ sơ pháp lý và bản đồ đo đạc để làm cơ sở đền bù giải phóng mặt bằng.
Trong khi các cơ quan chức năng còn đổ lỗi cho nhau thì người dân rất bức xúc. Bà Vũ Thị Phúc, ở thôn 5 Đinh Trang Thượng cho biết: Bà vào ở đây đã 15 năm. Hiện gia đình bà đã nhận 250 triệu đồng đền bù nhà ở và cây trồng, còn 3ha đất vẫn chưa được đo đạc xác định giá cả. Cách đây 2 tuần nước dâng ngập nhà nên bà phải dựng nhà bên quốc lộ 28 ở tạm, chờ nhận tiền đền bù đầy đủ để tính chuyện làm ăn. Ông Đào Khắc Quý (thôn 5, Đinh Trang Thượng) cũng phải dời ra dựng nhà cách địa điểm cũ 5km. Ông cho biết, nhà ông có 4ha đất trồng điều, cây ăn quả và 6 ao cá. Diện tích này được ông khai phá từ năm 1980, nhưng phía đền bù cho rằng đó là đất lâm nghiệp, chỉ đền bằng 1/3 giá đất nông nghiệp. Vì vậy, gia đình ông chưa đồng ý. Còn ông K’Sang có 2 sào cà phê đang cho thu hoạch. Hàng ngày ông phải chèo thuyền sang rẫy để chăm sóc và thu hái vì đường bị ngập.
Chưa có đường giao thông...
Việc chặn dòng thủy điện đã khiến nước dâng ngập khoảng 20km đường quốc lộ 28 nối Lâm Đồng với Đắc Nông. Phía Đắc Nông ngập khoảng 10km và phía Lâm Đồng khoảng 10km. Tại Lâm Đồng, từ thôn 5 xã Đinh Trang Thượng (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng) đến cầu Kinh Đức (tỉnh Đắc Nông) đã bị ngập. Theo thiết kế, đoạn đường này sẽ được thay thế bằng một con đường tránh vòng qua huyện Lâm Hà, dài 14km nhưng hiện tuyến đường này vẫn đang thi công dang dở. Sở GTVT Lâm Đồng cho biết, hiện tuyến này mới tạm xong phần nền, còn cầu Đa Dung (địa phận Di Linh) mới xong 1 trong số 4 trụ và cầu Đa Ser Đo (địa phận Lâm Hà) mới xong mố trụ. Ngoài ra còn nhiều cống trên tuyến chưa được thi công.
Ông Trương Hữu Hiệp, Giám đốc Sở GTVT Lâm Đồng, cho biết: Khoảng 1 năm nữa con đường tránh mới xong. Hiện nay do thiếu vốn nên tiến độ thi công rất chậm. Cả 8 gói thầu trên tuyến (phía Lâm Đồng) đều làm cầm chừng, mới được khoảng 30%-40% khối lượng. Vì vậy, hiện các phương tiện lưu thông từ Lâm Đồng sang Đắc Nông theo quốc lộ 28 đến xã Tân Lâm (huyện Di Linh) phải đi vòng sang xã Lộc Bắc (huyện Bảo Lâm) theo đường thủy điện Đồng Nai 4 đến xã Quảng Khê (huyện Đắc Glong, tỉnh Đắc Nông). Đoạn đường này xa hơn gấp 3 lần đường cũ, lại khó đi. Nhiều người phải đi xuồng máy từ xã Đinh Trang Thượng sang xã Đắc Plao (huyện Đắc Glong, tỉnh Đắc Nông) với giá 20.000 - 30.000 đồng/người, 150.000 - 200.000 đồng/xe máy/lượt.
Nước hồ đang ngày một dâng cao, nhà tái định cư vẫn chưa xong, đường đi cũng chưa có. Những chuyến xe vẫn đi trên đường tạm và những chuyến đò ngang rình rập hiểm nguy… Sau hồ thủy điện, hàng loạt vấn đề đang cần giải quyết.
BÌNH NGUYÊN – NAM VIÊN