Thuyền năng lượng mặt trời vòng quanh trái đất

Thuyền năng lượng mặt trời vòng quanh trái đất

Turanor, du thuyền lớn nhất thế giới chạy hoàn toàn bằng năng lượng mặt trời vừa được hạ thủy ở cảng Kiel (Bắc Đức), sau 14 tháng xây dựng. Các thử nghiệm nghiêm ngặt đang được tiến hành để chuẩn bị cho Turanor đi vòng quanh trái đất.

Câu chuyện phiêu lưu?

Nặng 85 tấn, dài 31m, rộng 15m và cao 7,5m, Turanor có 536m² panel quang điện, trải rộng bằng 2 sân quần vợt. Năng lượng mặt trời được chuyển thành nguồn điện năng miễn phí, không gây ô nhiễm và được lưu trữ trong bộ pin lithium ion lớn nhất thế giới. Dự kiến, Turanor có đủ khả năng hoàn tất hành trình vòng quanh trái đất, ước tính dài 160 ngày với khoảng 50.000km, không sử dụng bất cứ nguồn năng lượng nào khác ngoài ánh sáng mặt trời.

Hạ thủy Turanor ở Kiev. Ảnh: AP

Hạ thủy Turanor ở Kiev. Ảnh: AP

Tên thuyền Turanor được đặt theo một từ có nghĩa là “sức mạnh mặt trời” trong tiểu thuyết Lords of the Rings (Chúa tể của những chiếc nhẫn) của tác giả nổi tiếng JRR Tolkein. Cha đẻ của Turanor là Raphael Domjan, cựu hướng dẫn viên leo núi người Thụy Sĩ. Domjan nói với CNN: “Đây không chỉ là một câu chuyện phiêu lưu. Chúng tôi muốn chứng tỏ cho thế giới thấy rằng, ngay bây giờ chúng ta đã có các công nghệ để thay đổi cách thức chúng ta hoạt động”. Trong chuyến du hành vòng quanh trái đất, cùng điều khiển Turanor với Domjan là Gerard d’Aboville, người Pháp, nổi tiếng với kỷ lục người đầu tiên đi thuyền vượt Đại Tây Dương và Thái Bình Dương. Chuyến du hành còn có sự tham gia của 2 kỹ sư hỗ trợ.

Turanor trị giá 16 triệu USD, là một chiếc thuyền đôi (catamaran), thiết kế 2 thân giúp tiết kiệm năng lượng nhờ cắt sóng khi di chuyển chứ không phải cưỡi sóng. Thuyền có tốc độ trung bình 7,5 hải lý/giờ, bằng tốc độ của tàu chở dầu. Bộ pin của Turanor có khả năng lưu trữ năng lượng đủ cho thuyền chạy trong khoảng 72 giờ khi không hề có ánh sáng mặt trời, Domjan cho biết. Nhưng tất nhiên đó là một kịch bản ông không muốn xảy ra. Domjan nói: “Cho đến nay, thách thức nghiêm trọng nhất với chúng tôi là quản lý nguồn cung cấp năng lượng. Nếu chúng tôi sử dụng quá nhiều năng lượng và bị hết pin, điều đó có thể sẽ rất nguy hiểm, vì chúng tôi sẽ không có nguồn năng lượng thay thế nào để xoay xở vượt qua rắc rối”.

Xu hướng thân thiện với môi trường

Xuất phát từ Địa Trung Hải, Turanor sẽ đi từ Đông sang Tây, xuyên Đại Tây Dương và qua kênh đào Panama, trước khi vượt Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương rồi xuống kênh đào Suez. Thuyền sẽ đi theo một hải trình được lập kế hoạch tỉ mỉ, theo đường xích đạo để thu được ánh nắng mặt trời càng nhiều càng tốt. Domjan giải thích: “Chúng tôi sẽ liên lạc thường xuyên với các nhà khí tượng học ở Pháp, những người sẽ cập nhật thông tin mới nhất cho chúng tôi để biết những nơi có đủ ánh sáng mặt trời”. Ông cho biết thêm, điều này có thể làm thuyền của họ đi theo một tuyến hơi khác với đã chọn.

Thiết kế 2 thân giúp Turanor tiết kiệm năng lượng nhờ cắt sóng khi di chuyển. Ảnh: PLANETSOLAR.ORG

Thiết kế 2 thân giúp Turanor tiết kiệm năng lượng nhờ cắt sóng khi di chuyển. Ảnh: PLANETSOLAR.ORG

Turannor được Domjan lấy cảm hứng ban đầu từ một chuyến đến Iceland vào năm 2004. Ông kể: “Tôi đã thấy các dòng sông băng đang tan chảy nhanh như thế nào. Tôi nghĩ rằng mình phải làm một điều gì đó, kiểu như thế này, sẽ là một cách tuyệt vời để chứng minh rằng công nghệ hiện nay có thể dễ dàng thiết kế một phương tiện đi lại thân thiện môi trường”.

Sau 14 tháng xây dựng tại cảng Kiel, Turanor vừa được hạ thủy ở vùng biển Baltic đầy sóng gió và trong năm tiếp theo, thuyền sẽ trải qua các kiểm tra nghiêm ngặt để đánh giá khả năng vượt biển vòng quanh trái đất trong chuyến du hành có tên “Planetsolar World Tour”. Domjan cho biết, nếu tất cả theo đúng kế hoạch, ông hy vọng thuyền sẽ khởi hành vào mùa xuân 2011, một năm được cho là sẽ đầy nắng.

TRÂN NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục