Hỏi: Xin cho biết ý nghĩa của câu ca dao: “Tiếc thay hạt gạo trắng ngần/ Đã vo nước đục, lại vần lửa rơm”.
Nguyễn Thị Lan Hương (phường Cái Khế, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ)
Năm 1301, thượng hoàng Trần Nhân Tông sang Chiêm Thành, hứa gả con gái là công chúa Huyền Trân cho vua nước này là Jaya Shimhavarman III (tức Chế Mân) nhằm thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước. Chế Mân dâng hai châu Ô và Rí làm lễ cưới (vua Trần Anh Tông, con của thượng hoàng Trần Nhân Tông, đổi tên hai châu này thành châu Thuận và châu Hóa, tức vùng đất Nam Quảng Trị – Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Bắc Quảng Nam ngày nay).
Vì thành kiến chủng tộc, nhiều người không tán thành cuộc hôn nhân này. Câu ca dao trên ví việc công chúa Đại Việt lấy vua Chiêm Thành như hạt gạo trắng ngần bị vo bằng nước đục.
Tháng 7-1306, công chúa về quê chồng. Chẳng may, tháng 6-1307 Chế Mân qua đời. Theo tục lệ Chiêm Thành, khi vua được hỏa táng, hoàng hậu cũng bị hỏa thiêu chết theo vua. Vua Anh Tông sai nhập nội đại hành khiển Trần Khắc Chung sang Chiêm Thành để phân ưu, đồng thời tìm cách cứu công chúa khỏi lên giàn hỏa.
Trên đường về, có tin công chúa cùng Trần Khắc Chung tư thông. Câu ca dao trên ví chuyện ấy như hạt gạo trắng ngần bị vần lửa rơm.
Về nước, công chúa xuống tóc, vào tu ở chùa Nộn Sơn trên núi Hổ (thuộc xã Hổ Sơn, huyện Thiên Bản, nay là xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định).
Hoàng Anh