Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Sở hữu con sông Hàn đầy thơ mộng cùng những cây cầu tuyệt đẹp vắt qua như những dãy lụa đầy màu sắc, đây được xem là thế mạnh để Đà Nẵng phát triển du lịch đường sông, bổ sung các tuyến du lịch hiện có nhằm thu hút du khách. Thế nhưng, kiểu đầu tư manh mún, phát triển theo hướng tự phát đã làm loại hình du lịch này chẳng những không thu hút được khách mà còn gây nhiều phản cảm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.
Tiềm ẩn nguy cơ tai nạn

Du lịch đường sông Đà Nẵng

Sở hữu con sông Hàn đầy thơ mộng cùng những cây cầu tuyệt đẹp vắt qua như những dãy lụa đầy màu sắc, đây được xem là thế mạnh để Đà Nẵng phát triển du lịch đường sông, bổ sung các tuyến du lịch hiện có nhằm thu hút du khách. Thế nhưng, kiểu đầu tư manh mún, phát triển theo hướng tự phát đã làm loại hình du lịch này chẳng những không thu hút được khách mà còn gây nhiều phản cảm, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn.

Muốn lên tàu để thưởng ngoạn sông Hàn, du khách phải... leo rào.

Muốn lên tàu để thưởng ngoạn sông Hàn, du khách phải... leo rào.

Muốn du ngoạn phải leo rào!

Đây là cảnh thường thấy tại những bến neo đậu thuyền du lịch dọc theo đường Bạch Đằng. Chỉ tính từ chân cầu Rồng đến cầu Sông Hàn, có gần 10 tàu du lịch của các đơn vị, cá nhân kinh doanh loại hình du lịch đường sông neo đậu sẵn sàng đón khách 24/24 giờ. Oái ăm thay, du khách muốn lên thuyền để du ngoạn trên sông Hàn phải leo rào!

Ông Trần Văn Minh, chủ của 2 thuyền du lịch mang tên Minh Trần đang neo đậu gần cầu sông Hàn, cho rằng: “Không leo rào làm sao xuống thuyền được. Vì giữa bến thuyền và đường Bạch Đằng bị ngăn cách bởi bờ lan can cao hơn nửa mét. Không có chỗ neo đậu nên buộc chúng tôi phải neo ở đây. Nhiều hành khách phàn nàn mỗi khi leo rào xuống tàu nhưng chúng tôi cũng chỉ biết năn nỉ họ thông cảm chứ không còn cách nào khác”.

Theo ông Minh, do đây là bến thuyền tạm nên chưa có cầu tàu lên xuống. Các chủ tàu ở đây đã nhiều lần kiến nghị các ngành chức năng cho mở lối đi xuống thuyền nhưng không được chấp thuận, do việc cắt lan can sẽ gây nguy hiểm cho người đi bộ dọc theo sông Hàn, đồng thời sẽ phá vỡ cảnh quan. Đã có không ít trường hợp khi trèo rào xuống thuyền bị trượt chân ngã nhào, bong gân, thậm chí rớt xuống sông…

Do bất tiện như trên, nên hiện nay loại hình du lịch đường sông ở Đà Nẵng không thu hút được du khách. Bà Tôn Nữ Thanh Toàn, Công ty TNHH Cát Tiên Á Châu, cho biết: Mặc dù đã đầu tư hàng trăm triệu đồng để đóng thuyền, mua sắm, trang trí thuyền để khai thác tour “Du ngoạn sông Hàn về đêm”, nhưng qua hơn 2 tháng đưa vào hoạt động, chỉ vài chuyến có đủ khách để thuyền rời bến, còn lại hầu như đậu tại chỗ để khách lên uống cà phê hoặc nhậu.

Theo Sở VH-TT-DL TP Đà Nẵng, hiện nay, đội tàu du lịch đường sông có 12 chiếc, với sức chứa từ 12 - 45 khách/tàu. Các tàu này đưa khách tham quan sông Hàn và các cây cầu mới xây dựng như: Trần Thị Lý, cầu Sông Hàn và cầu Thuận Phước, cầu Rồng… Ngoài ra, một số tuyến chạy vòng quanh bán đảo Sơn Trà… nhưng lượng khách vẫn còn rất thấp.

Đem con bỏ chợ?

Khai thác và phát triển mạnh du lịch đường sông là chủ trương lớn của TP Đà Nẵng và đã có không ít đề án, ý tưởng được đưa ra. Tuy nhiên, hầu hết các phương tiện hoạt động khai thác các tour, tuyến du lịch đường sông ở Đà Nẵng hiện nay là do tự phát. Một số doanh nghiệp tự đầu tư mua sắm thuyền hoặc các hộ cá thể cải hoán từ tàu đánh cá sang tàu du lịch. Chính việc đầu tư không đồng bộ, thiếu các dịch vụ hấp dẫn nên gây nhàm chán đối với du khách.

Theo một chủ thuyền ở đây, hầu hết khách đến với loại hình du lịch này đến từ Hà Nội hoặc TPHCM. Còn khách nước ngoài hầu như họ… né bởi ngoài việc khó khăn khi xuống thuyền, còn thiếu an toàn đối với họ. Việc trang bị áo phao cho du khách cũng không được các chủ thuyền chú trọng. Mỗi thuyền để vài ba áo phao cho lấy lệ, còn du khách mỗi khi xuống tàu vẫn không được cung cấp áo phao đầy đủ. Điều này dễ gây nên hậu quả nghiêm trọng nếu xảy ra sự cố. Bởi lẽ hầu hết các thuyền hoạt động về đêm, trong khi việc tổ chức ca nhạc, ăn uống ngay trên tàu.

Cần phải nói thêm, hồi cuối tháng 4-2013, Sở VH-TT-DL Đà Nẵng phối hợp với Công ty cổ phần Du lịch Hoàng Long Yến và Công ty cổ phần HDB - Ngôi sao khai trương hai tour du lịch đường sông là “Khám phá bãi cát vàng” và “Du ngoạn sông Hàn về đêm” hết sức rầm rộ. Tuy nhiên, từ đó đến nay chẳng có động thái nào chứng tỏ ngành du lịch Đà Nẵng tiếp tục đầu tư, chăm lo cho loại hình du lịch này.

Ông Trần Văn Minh, bức xúc: “Việc khai thác tuyến du lịch đường sông đã có hơn 3 năm nay. Qua nhiều cuộc họp với ngành du lịch, chúng tôi kiến nghị cần sớm xây dựng bến đậu đỗ thuyền để tiện cho việc khách lên xuống. Thế nhưng đến nay vẫn phải đậu tạm dọc theo đường Bạch Đằng. Không những thế, việc đấu nối điện, nước cho các thuyền du lịch hoạt động cũng không được các ngành chức năng quan tâm. Chúng tôi buộc phải đấu nối điện tạm bợ, thậm chí đi trộm nước của công ty cây xanh để dùng. Như thế sao gọi là du lịch?”. 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, UBND TP Đà Nẵng đã có quy hoạch đầu tư 8 bến thuyền du lịch trên sông Hàn. Trong đó, 6 bến giao cho các doanh nghiệp đầu tư, 2 bến còn lại do UBND TP Đà Nẵng đầu tư. Tuy nhiên, đến nay mặc dù đã có quy hoạch cả năm trời nhưng không thấy động tĩnh gì. Thậm chí, cảng Sông Hàn được quy hoạch, xây dựng để cho các thuyền du lịch của tư nhân đang hoạt động trên sông Hàn neo đậu, đón khách nhưng đến nay phía cảng Đà Nẵng vẫn chưa giao mặt bằng nên không biết đến bao giờ mới triển khai. Điều này cũng đồng nghĩa với việc du lịch đường sông ở Đà Nẵng tiếp tục tồn tại trong tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và tiềm ẩn những tai nạn đáng tiếc.

NGUYỄN HÙNG

Tin cùng chuyên mục