Quyết vượt qua nghịch cảnh
Sinh ra khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác nên Mai Thị Thủy trở thành niềm hy vọng của hai vợ chồng nghèo quanh năm trông vào mấy sào ruộng. Gia đình đã nghèo lại càng kiệt quệ hơn khi Thủy lên 2 tuổi, sau một lần bị sốt cao, co giật đã để lại di chứng liệt hai chân.
Bao nhiêu tài sản trong nhà đều đội nón ra đi để mong giành giật sự sống cho Thủy từ tay tử thần. “Sau bao lần lặn lội vái khắp tứ phương, mẹ tìm được người thầy thuốc tốt và tôi dần dà có thể di chuyển khổ sở bằng chiếc gậy tre.
Đến tuổi trưởng thành, tôi bắt đầu nhận thức rằng mình không giống như mọi người, đôi chân khuyết tật không đưa mình đi học xa nhà như chúng bạn được. Tôi quyết định xin ba mẹ cho đi học may, để tìm cho mình một nghề mưu sinh sau này”, chị Thủy nhớ lại.
Chị Mai Thị Thủy hạnh phúc bên tiệm may của mình
3 năm đầu theo học nghề, chị Thủy hầu như không có chút tiến triển nào do đôi chân quá yếu, khó đạp máy may. Tự nhủ phải cố gắng tập luyện để đôi chân có sức lực hơn, chị Thủy bỏ gậy tre khi tập đi. Những cơn đau nhức, những lần té ngã không làm chị nản lòng.
Sự kiên trì rồi cũng được đền đáp, dù dáng đi còn hơi dặt dẹo. Hoàn thành khóa học may, chị xin vào làm tại Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật tỉnh Thừa Thiên - Huế. Môi trường yêu thương tại đây đã khiến chị mở lòng hơn, bỏ qua những mặc cảm, tự ti để vươn lên.
Vượt qua mọi khó khăn thử thách, chị Mai Thị Thủy không những gây dựng được một tiệm may, đem lại cho bản thân khoản thu nhập 7 triệu đồng/tháng, giúp bản thân thoát nghèo, mà còn lan tỏa tình yêu thương đối với những người đồng cảnh ngộ.
Chị Thủy cho biết, năm 27 tuổi, chị quyết định mở tiệm may tại nhà. Lúc mở tiệm, khách rất ít, một phần cũng do nghi ngờ tay nghề. Phải mất một thời gian, bằng sự tận tụy và cố gắng học hỏi để may khéo, đẹp hơn thì khách tới tiệm mới nhiều lên. Tay nghề nâng lên mỗi ngày, khách cũng một ngày một đông nhưng chị Thủy vẫn chưa thấy bằng lòng.
Cô giáo không bục giảng
Day dứt khi nhìn những người khuyết tật với phận đời vất vả, chị bắt đầu tìm đến gia đình những người khuyết tật tại địa phương, mở lời đề nghị dạy may miễn phí cho các em.
Đến nay đã có hơn 30 bạn trẻ khuyết tật được chị Thủy truyền nghề, đủ khả năng đi làm việc tại các xí nghiệp may hoặc mở tiệm may tại nhà. Cho nên nhiều người đã gọi vui chị Thủy là cô giáo không bục giảng.
Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người tàn tật tỉnh Thừa Thiên - Huế, nhận xét: “Thủy là một cô gái giàu nghị lực, có tính cầu tiến và có lòng nhân ái, là gương người khuyết tật biết vươn lên trong cuộc sống”.
Còn bà Hà Thị Hà, Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Hương Chữ, cho biết tiệm may số 10 đường Lý Thần Tông do Mai Thị Thủy làm chủ là nơi thường lui tới của khách hàng thu nhập thấp.
Áo quần do chị Thủy may nổi tiếng vì đường chỉ cẩn thận, tinh tế, giá cả phải chăng. Chị Thủy là một hội viên khuyết tật thuộc loại nặng nhất, nhưng chị luôn luôn vượt lên chính mình để xây dựng kinh tế. Hiện chị đã sinh được 2 người con ngoan, học giỏi.
“Tiệm may chị Thủy” - cái tên trìu mến mà người dân trong vùng đặt cho đã trở thành thương hiệu. Đáng quý biết bao, khi chủ tiệm may ấy là người phụ nữ khuyết tật, không cam chịu số phận để vươn lên trở thành người lan tỏa yêu thương.