Tiến gần hơn đến Quốc hội không giấy tờ

Dự thảo báo cáo chuyên đề Quốc hội điện tử vừa được Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội hoàn thiện, trình lãnh đạo Quốc hội xem xét.

Theo báo cáo, ở Việt Nam, Quốc hội là một trong những cơ quan đầu tiên trong hệ thống chính trị triển khai ứng dụng công nghệ thông tin. Có thể nói, tiến trình chuyển đổi số đã được đẩy nhanh hơn, mạnh hơn với việc tổ chức kỳ họp trực tuyến để ứng phó với đại dịch Covid-19.

Lần đầu tiên trong lịch sử hình thành và phát triển Quốc hội, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội Việt Nam trở thành một trong những nghị viện đầu tiên trên thế giới áp dụng hình thức họp trực tuyến liên tục 2 tuần đầu tiên của kỳ họp (từ ngày 20-5-2020 đến 29-5-2020). Từ Nhà Quốc hội, tín hiệu được kết nối đến 63 đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố. Tại kỳ họp thứ 10, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Quốc hội tiếp tục kết hợp họp trực tuyến và họp tập trung, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng, phát triển Quốc hội điện tử.

Đến nay, để đảm bảo cho các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin hoạt động hiệu quả, Quốc hội đã xây dựng được một hạ tầng thông tin đảm bảo về kỹ thuật, an ninh và được kết nối với nhau bằng đường cáp quang chuyên dụng và kết nối với mạng internet tốc độ cao phục vụ hơn 1.700 người dùng qua internet.

Văn phòng Quốc hội đã đưa vào sử dụng một số ứng dụng để phục vụ đại biểu Quốc hội tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo nhận dạng tiếng nói, chuyển thành văn bản tại từng tổ đại biểu để thực hiện nhiệm vụ ghi biên bản các cuộc họp một cách nhanh chóng và chính xác đã tiết kiệm nhiều thời gian, công sức cho cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Bên cạnh đó, 2 hệ thống họp trực tuyến từ Nhà Quốc hội đến 63 tỉnh, thành phố đã được xây dựng, vận hành thông suốt. Phần mềm họp trực tuyến cài đặt trên nhiều loại thiết bị, nhiều hệ điều hành khác nhau như điện thoại, máy tính bảng, máy tính xách tay… để truyền âm thanh và hình ảnh 2 chiều giữa nhiều địa điểm kết nối qua internet. Hình ảnh một “Quốc hội không giấy tờ” đang ngày một rõ nét hơn.

Điều hành họp Quốc hội bằng công nghệ, trí tuệ nhân tạo nói riêng và nhiều hoạt động khác nói chung là xu hướng của xã hội hiện đại, đảm bảo sự đồng bộ với Chính phủ điện tử, đáp ứng yêu cầu xử lý khối lượng công việc ngày càng lớn với chất lượng ngày càng cao. Tất nhiên, Quốc hội điện tử có tính đặc thù, do đó chỉ có thể xây dựng thành công trên cơ sở nghiên cứu kỹ hoạt động của các ủy ban và Hội đồng Dân tộc, nhất là phải tạo điều kiện để các thành viên kiêm nhiệm tham gia một cách chủ động và liên tục vào các hoạt động của hội đồng, ủy ban. Và cuối cùng, Quốc hội điện tử chỉ phát huy tác dụng tốt nhất khi tất cả các đại biểu quan tâm sử dụng các thiết bị, phương tiện sẵn có một cách hiệu quả nhất. Đây không phải yêu cầu đơn giản, khi gần 2/3 số đại biểu Quốc hội vẫn là kiêm nhiệm, hoạt động trong nhiều lĩnh vực trên địa bàn cả nước.

Tin cùng chuyên mục