Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính

Nghị quyết số 27-NQ/TƯ về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang (CNVC-VT) và người lao động trong doanh nghiệp (DN), đã đề ra mục tiêu từ năm 2021, áp dụng chế độ tiền lương mới thống nhất đối với CNVC-VT trong toàn bộ hệ thống chính trị; tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính của họ.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân

Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân về lộ trình trên.

- PHÓNG VIÊN: Để thực hiện được như kế hoạch đề ra về cải cách tiền lương, theo bộ trưởng, cần thực hiện những công việc gì?

>> Bộ trưởng LÊ VĨNH TÂN: Nghị quyết số 27-NQ/TƯ ngày 21-5-2018 của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với CNVC-VT và người lao động trong DN đã đề ra các quan điểm, mục tiêu và các nội dung cụ thể phải đạt được của chế độ tiền lương mới, trong đó yêu cầu “Tiền lương phải thực sự là nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương”. Để thực hiện nghị quyết này, chúng ta cần quyết liệt thực hiện các giải pháp tài chính, ngân sách tạo nguồn lực cho cải cách chính sách tiền lương. Bên cạnh đó, triển khai các nhiệm vụ cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm tổng nguồn thu và cơ cấu thu bền vững. Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, bao quát nguồn thu mới. Tăng cường quản lý thu, tạo chuyển biến căn bản trong việc chống thất thu, xử lý và ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, chuyển giá, trốn thuế. Thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách nhà nước và đầu tư xây dựng cơ bản. Quyết liệt thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Hàng năm, dành khoảng 50% tăng thu dự toán và 70% tăng thu thực hiện của ngân sách địa phương, khoảng 40% tăng thu ngân sách Trung ương cho cải cách chính sách tiền lương. Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả chi ngân sách nhà nước; tiếp tục thực hiện tiết kiệm 10% dự toán chi thường xuyên tăng thêm hàng năm cho đến khi thực hiện khoán quỹ tiền lương trên cơ sở biên chế được cấp có thẩm quyền giao.

- Tăng các nguồn thu để cải cách chính sách tiền lương, những nguồn tiền lương còn dư chúng ra sẽ xử lý như thế nào, thưa bộ trưởng?

Nguồn thực hiện cải cách chính sách tiền lương còn dư sau khi bảo đảm điều chỉnh mức lương cơ sở hàng năm và bảo đảm các chính sách an sinh xã hội do Trung ương ban hành (đối với ngân sách địa phương), các dự án đầu tư theo quy định (đối với các địa phương có tỷ lệ điều tiết) theo nghị quyết của Quốc hội, phải tiếp tục sử dụng để thực hiện cải cách chính sách tiền lương sau năm 2020, không sử dụng vào mục đích khác khi không được cấp có thẩm quyền cho phép. Bãi bỏ các khoản chi ngoài lương của CNVC có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước như: tiền bồi dưỡng họp; tiền bồi dưỡng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án; hội thảo... Thực hiện khoán quỹ lương gắn với mục tiêu tinh giản biên chế cho các cơ quan, đơn vị. Mở rộng cơ chế khoán kinh phí gắn với kết quả thực hiện nhiệm vụ. Không gắn mức lương của cán bộ, công chức, viên chức với việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy định chính sách, chế độ không có tính chất lương. Nghiên cứu quy định khoán các chế độ ngoài lương (ô tô, điện thoại...). Chỉ ban hành các chính sách, chế độ mới khi đã bố trí, cân đối được nguồn lực thực hiện.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi từ phí sang thực hiện giá dịch vụ sự nghiệp công, từng bước tính đúng, tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ cơ bản, thiết yếu, đồng thời gắn với chính sách hỗ trợ phù hợp cho người nghèo, đối tượng chính sách. Đối với giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước, giao quyền tự chủ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy.

- Bộ Tài chính hiện đã bố trí được 38.000 tỷ đồng thực hiện cải cách tiền lương. Sắp tới, Bộ Nội vụ cần hoàn thiện thể chế ra sao để đẩy nhanh kế hoạch cải cách tiền lương?

Căn cứ Nghị quyết số 27, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 107/NQ-CP ngày 16-8-2018 về Chương trình hành động của Chính phủ. Thực hiện Nghị quyết số 107, các bộ, cơ quan ở Trung ương đã triển khai đề xuất bảng lương theo vị trí việc làm, chức danh, chức vụ lãnh đạo và phụ cấp theo nghề (nếu có) đối với CNVC chuyên ngành thuộc phạm vi quản lý gửi Bộ Nội vụ tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền. Năm 2020, các bộ, cơ quan được phân công nhiệm vụ sẽ trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành các văn bản quy định cụ thể chế độ tiền lương mới thay thế chế độ tiền lương hiện hành để thực hiện vào năm 2021.

- Bộ Nội vụ đang xin ý kiến Bộ Chính trị về các đề án chức danh và chức vụ lãnh đạo trong hệ thống chính trị; đề án vị trí việc làm. Việc có các đề án này sẽ tạo điều kiện thuận lợi ra sao trong quá trình cải cách tiền lương. Người được thụ hưởng từ chủ trương, đề án này cần phối hợp thực hiện ra sao?

Bộ Nội vụ chịu trách nhiệm xây dựng và đề xuất hệ thống chức vụ, chức danh tương đương và vị trí việc làm trong các cơ quan hành chính từ Trung ương đến cấp xã và các đơn vị sự nghiệp công lập. Trên cơ sở đó, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương - là cơ quan được phân công chủ trì xây dựng Bảng phân loại chức vụ tương đương và Đề án vị trí việc làm trong hệ thống chính trị, báo cáo cấp có thẩm quyền để làm căn cứ xây dựng hệ thống bảng lương mới và trả lương theo vị trí việc làm, chức vụ, chức danh lãnh đạo.

Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện pháp luật CNVC; chọn lọc tiếp thu kinh nghiệm tốt của quốc tế, rà soát bổ sung, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý về vị trí việc làm và các tiêu chí đánh giá, phân loại CNVC gắn với từng vị trí việc làm trong khu vực công để làm căn cứ tuyển dụng, sử dụng, đánh giá và trả lương đối với CNVC. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong hệ thống chính trị trực tiếp xây dựng và hoàn thiện danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc, xác định cơ cấu công chức, viên chức, cấp bậc hàm sĩ quan; xác định khung năng lực theo từng vị trí việc làm và tinh giản biên chế theo các nghị quyết của Đảng và quy định của Nhà nước đã được ban hành. Thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cơ cấu lại đội ngũ CNVC-VT để thực hiện trả lương theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo.

- Với mức lương mới, đời sống của CNVC-VT và người lao động sẽ được nâng lên so với hiện nay đến đâu? Bộ trưởng có kỳ vọng sẽ góp phần giảm tình trạng tham nhũng, kể cả tham nhũng “vặt” trong hệ thống cơ quan hành chính?

Theo mục tiêu, từ năm 2021 chúng ta thực hiện tiền lương thấp nhất của CNVC bằng mức lương thấp nhất bình quân các vùng của lao động qua đào tạo trong khu vực DN; đồng thời mở rộng quan hệ tiền lương, khắc phục tính bình quân, cào bằng làm căn cứ để xác định mức tiền lương cụ thể trong hệ thống bảng lương, từng bước tiệm cận với quan hệ tiền lương của khu vực DN phù hợp với nguồn lực của Nhà nước. Theo đó, tiền lương sẽ dần trở thành nguồn thu nhập chính bảo đảm đời sống người lao động và gia đình người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc của người lao động, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; thúc đẩy, nâng cao chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững. 

Trong khu vực công, Nhà nước trả lương cho CNVC-VT theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo, phù hợp với nguồn lực của Nhà nước và nguồn thu sự nghiệp dịch vụ công, bảo đảm tương quan hợp lý với tiền lương trên thị trường lao động; thực hiện chế độ đãi ngộ, khen thưởng xứng đáng theo năng suất lao động, tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, góp phần phòng chống tham nhũng, nhất là tham nhũng “vặt”, làm trong sạch và nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị.

- Xin cảm ơn bộ trưởng!

Tin cùng chuyên mục