Tiến sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng: Mong âm nhạc dân tộc lan tỏa mạnh mẽ

Tiến sĩ - Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Hải Phượng có hơn 45 năm gắn bó với cây đàn tranh. Với ngón đàn tài hoa, nữ nghệ sĩ đã tham gia nhiều chuyến lưu diễn để góp phần quảng bá cây đàn tranh và âm nhạc truyền thống Việt Nam ở hơn 20 quốc gia trên thế giới. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với chị về những trăn trở trong việc đưa âm nhạc dân tộc đến với người trẻ.
Tiến sĩ - Nghệ sĩ ưu tú Hải Phượng

* PHÓNG VIÊN: Là nhà giáo dạy âm nhạc dân tộc, theo chị, cần làm gì để thu hút lớp trẻ theo ngành học nhiều vất vả này?

* TS-NSƯT HẢI PHƯỢNG: Âm nhạc dân tộc vốn không phải là dòng nhạc phổ biến như nhiều loại hình nghệ thuật khác, nên sự tiếp cận với khán giả, nhất là lớp trẻ, có không ít trở ngại. Trong hoạt động nghề nghiệp của mình, tôi vẫn luôn tìm kiếm những cơ hội để đưa âm nhạc truyền thống đến gần hơn với công chúng. 

Thật ra, với học nhạc dân tộc thì kỹ thuật chỉ là một phần. Đối với nghệ sĩ chuyên nghiệp, kỹ thuật là bắt buộc, nhưng không phải là điều kiện tiên quyết, vì tâm hồn mới là quan trọng nhất. Thời gian đầu, tôi không để ý điều này. Đến khi được tiếp cận học hỏi từ lối sống, cách làm việc của các thầy, cô, bậc tiền bối, tôi mới được truyền lại những kinh nghiệm về giảng dạy để tiếp nối công tác đào tạo.

Vậy nên, quan trọng hơn hết vẫn là cách truyền lại ngọn lửa yêu âm nhạc dân tộc cho thế hệ sau. Đó cũng là lý do tôi không chỉ tập trung vào công tác giảng dạy trong trường mà còn tổ chức, thực hiện các chương trình biểu diễn bên ngoài, để tạo cơ hội cho các em nhỏ làm quen với nhạc cụ, tiếp cận với âm nhạc dân tộc, để từ đó các em biết yêu mến nhạc dân tộc. 

* Đưa âm nhạc dân tộc vào trường học, có phải là một trong những cách tiếp cận đó?

* Muốn có nhiều người yêu thích thì con đường lan tỏa âm nhạc dân tộc phải mở rộng. Trước nhất là đưa âm nhạc dân tộc vào trong trường học, như các nước trên thế giới đã làm từ lâu. Đứa trẻ như tờ giấy trắng, người lớn vẽ lên cái gì đó thì các em sẽ tiếp nhận ngay. Sau này lớn lên, các em sẽ tiếp nhận thêm nhiều dòng nhạc khác, nhưng trong tâm hồn các em vẫn luôn có dòng nhạc dân tộc.

Từ đó, các em biết phân biệt cái nào hay, cái nào cần phải tiếp biến… Nếu không có nền móng đầu tiên là âm nhạc truyền thống thì các em sẽ không biết lấy từ đâu, bắt đầu từ đâu. Cũng từ những chương trình âm nhạc vào trường học đã xuất hiện nhiều em có năng khiếu, yêu thích và đi theo con đường âm nhạc chuyên nghiệp.

* Với CLB Tiếng hát quê hương, theo chị, cần làm gì để CLB đàn tranh thiếu nhi này được phát triển sâu rộng hơn? 

* CLB Tiếng hát quê hương do mẹ tôi là NGƯT Thúy Hoan thành lập và trực tiếp phụ trách. Thông qua Liên hoan Em yêu đàn tranh do CLB tổ chức hàng năm dành cho thiếu nhi, học sinh các cấp, đã có rất nhiều lớp học sinh theo học và yêu thích âm nhạc dân tộc, nhiều em đi theo con đường chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, CLB cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn hỗ trợ để có thể tổ chức liên hoan mở rộng quy mô. Tôi rất mong những chương trình thi thố tài năng, liên hoan nhạc dân tộc dành cho thiếu nhi như Liên hoan Em yêu đàn tranh thời gian tới sẽ nhận được sự tiếp sức nhiều hơn từ phía các cơ quan, ban ngành, đoàn thể, để việc học, tìm hiểu, yêu thích nhạc dân tộc sẽ trở thành phong trào, được duy trì liên tục.

* Công tác quảng bá và đưa âm nhạc dân tộc đi vào đời sống xã hội theo tiêu chí bảo tồn, gìn giữ và phát triển như lâu nay đã thực hiện. Theo chị, như vậy liệu đã đủ và hợp lý?

* Vài năm gần đây, Sở GD-ĐT TPHCM từng bước đưa âm nhạc truyền thống vào chương trình học ngoại khóa cho học sinh nhiều trường tiểu học. Tuy nhiên, sau khi đã làm được việc quảng bá âm nhạc dân tộc theo chiều rộng thì cần thiết phải thực hiện đi vào chiều sâu.

Ví dụ, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen cùng các trường dàn dựng các tiết mục, mở lớp âm nhạc dân tộc cho trường; hay như một số Trường Tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Phan Đình Phùng, Nguyễn Bỉnh Khiêm đưa âm nhạc dân tộc vào trong chương trình học ngoại khóa thường xuyên… Đặc biệt, Trường Đại học FPT đã đưa bộ môn nhạc cụ dân tộc vào chương trình đào tạo. 

Riêng với các chương trình nghệ thuật mang tính quảng bá âm nhạc, nghệ thuật truyền thống theo kế hoạch, chỉ tiêu hàng năm của TPHCM, diễn ở vùng sâu vùng xa tuy làm nhiều nhưng còn dàn trải và ít hiệu quả. Nguyên nhân thường là vì nội dung chương trình không phù hợp nhu cầu của khán giả địa phương. Cần thiết phải khảo sát về nhu cầu giải trí của khán giả địa phương để tìm cách thu hút, bởi khán giả bây giờ có nhiều sự lựa chọn để giải trí.

* Theo chị, âm nhạc dân tộc hiện nay cần điều kiện gì để phát triển phù hợp, đáp ứng xu thế thưởng thức nghệ thuật của khán giả, nhất là giới trẻ? 

* Không chỉ tại Việt Nam mà ở các nước đều có chiến lược gìn giữ và quảng bá âm nhạc dân tộc. Trong âm nhạc dân tộc, chia ra dòng âm nhạc cổ truyền hoàn toàn, được bảo tồn bằng các sân khấu, được Nhà nước nuôi dưỡng.

Bên cạnh đó cần sự tươi mới với nhạc truyền thống, đó là dòng nhạc dân tộc đương đại, hoạt động gắn với hội nhóm, CLB, nghệ sĩ chuyên nghiệp… theo xu hướng hiện đại, gần gũi nhu cầu giải trí của lớp trẻ. 

Muốn phát triển âm nhạc dân tộc đúng đắn thì cần phân chia rõ ràng đối tượng thưởng thức nghệ thuật để có chương trình, cách thức tổ chức biểu diễn phù hợp. Đừng làm các chương trình tổng hợp, kém chất. Khán giả ngày nay không quá “đói” thông tin giải trí và họ luôn có sự chọn lọc kỹ lưỡng, đòi hỏi cao về sản phẩm giải trí. Nói tóm lại, âm nhạc dân tộc vẫn luôn có sức hút riêng, vấn đề chính là nên đưa âm nhạc dân tộc đến với khán giả như thế nào cho phù hợp.

NSƯT Hải Phượng là học trò ưu tú của cố nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và cố GS-TS Trần Văn Khê. Tháng 4-2021, chị được bổ nhiệm chức vụ Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống, Nhạc viện TPHCM. Yêu nghề, đam mê âm nhạc dân tộc, chị luôn trăn trở và đau đáu về việc gìn giữ, phát triển âm nhạc truyền thống. Bên cạnh đó, chị cũng không ngừng tìm cách kết hợp nhạc mới với đàn tranh để mang hơi thở thời đại, dễ tiếp cận giới trẻ.

Tin cùng chuyên mục