

Liệu Larsson có giúp ích được gì cho Thụy Điển?
Trong số 16 đội bóng dự VCK Euro 2008, Thụy Điển là đội duy nhất vượt qua vòng bảng ở 3 giải lớn gần đây. Đấy cũng là chỗ tự hào. Nhưng Thụy Điển có thể tiến xa hay không lại là chuyện khác. Ngay cả báo chí Thụy Điển cũng nghi ngờ khả năng ấy.
Người dân Thụy Điển sẽ nhảy nhót trên đường phố, theo các bài nhạc nổi tiếng nhất của Abba, và vẫy khăn IKEA màu xanh - vàng để chào đón chiến thắng tại Euro 2008? “E là không”, cây bút Simon Bank ở Stockholm tỏ ra hoài nghi. Nguyên nhân khiến giới quan sát đánh giá Thụy Điển không cao nằm ở chính vòng loại của Euro này.
Đội bóng của HLV Lars Lagerback vượt qua Đan Mạch và Bắc Ireland để lấy suất nhì bảng trong một hành trình đầy những sự kiện không vui.
Đấy là một scandal nhỏ (Olof Mellberg, Christian Wilhelmsson và Zlatan Ibrahimovic bị đuổi về nước vì vô kỷ luật); một scandal lớn (cổ động viên Đan Mạch chạy vào sân đánh trọng tài, nhờ vậy Thụy Điển được xử thắng 3-0 trên sân đối phương) và một cuộc tẩy chay (Ibrahimovic từ chối khoác áo đội tuyển trong suốt nhiều tháng).
Tuy Thụy Điển cũng có một đêm hoành tráng (thắng Tây Ban Nha 2-0), nhưng hãy thực tế một chút: đội này khó làm cho bạn bất ngờ.
Lagerback đã dẫn dắt đội tuyển Thụy Điển 8 năm. Gần đây, ông lại vừa ký hợp đồng mới. Với mẫu HLV dè dặt đến mức thờ ơ trước các cơ hội, giới quan sát chỉ trích: Thụy Điển thiếu nhạy bén và quá thận trọng trong lối chơi.
Nhưng đây là lần thứ 5 liên tiếp, đội bóng của Lagerback góp mặt ở VCK của một giải lớn. Với thành tích ấy, Lagerback có quyền bỏ ngoài tai sự chỉ trích của công luận.
Dù sao đi nữa, Thụy Điển cũng có chỗ hay, cái hay mà cả 15 đội còn lại ở VCK Euro 2008 đều không có được. Đấy là thành tích vượt qua vòng bảng ở 3 giải lớn gần đây nhất.
Một mặt, báo chí không thể kỳ vọng một cú bất ngờ mang tính đột phá nơi đội bóng do Lagerback huấn luyện. Mặt khác, người ta lại khó phủ nhận khía cạnh tích cực của Lagerback: tính ổn định của Thụy Điển rất cao.
Nền tảng thành công của Thụy Điển suốt nhiều năm qua không có chút thay đổi nào. Đấy vẫn chỉ là hàng thủ kèm người theo khu vực một cách chặt chẽ, là tinh thần đồng đội, là tính tổ chức, kỷ luật trong đấu pháp. Tham vọng của Thụy Điển khi nào cũng chỉ là hạn chế nguy cơ thủng lưới đến mức tối thiểu và phản công nhanh khi có dịp.
Hàng chục ngàn cổ động viên Thụy Điển sẽ kéo đến Áo để hậu thuẫn và hy vọng “gà nhà” vượt qua vòng bảng trước các đối thủ không quá mạnh. Nhưng, cũng từ cái nhìn không lạc quan lắm của báo chí trong nước, có thể họ sẽ thất vọng.
Thụy Điển dường như đã đạt tới đỉnh tại Euro 2004, khi Henrik Larsson ghi được bàn thắng đẹp nhất giải. Lúc bấy giờ, Thụy Điển chỉ thua Hà Lan trong loạt sút luân lưu ở vòng tứ kết. Quá trớ trêu. Thua Hà Lan trên chấm 11m thì chẳng khác gì thua đội tuyển châu Phi Uganda ở môn khúc côn cầu trên băng! Sau “đỉnh điểm” ấy, Larsson chia tay đội tuyển (nhưng nay anh đã trở lại).
Một ngôi sao khác là Freddy Ljungberg đã phải chấp nhận bước lùi, từ Arsenal chuyển “xuống” West Ham và lại thường xuyên chấn thương. Các chân sút trẻ, như Sebastian Larsson của Birmingham, chưa khẳng định được chỗ đứng trong đội tuyển.
Điều mấu chốt là Thụy Điển ngày nay không còn giữ được điểm mạnh sở trường - hiệu quả của hàng phòng ngự. Ở vòng loại của 4 giải quan trọng trước đây, Thụy Điển chỉ để lọt lưới 11 bàn trong 36 trận. Còn ở vòng loại EURO 2008, họ thủng lưới đến 9 lần chỉ trong 12 trận.
Muốn lọt vào tứ kết, đội bóng của Lagerback phải ghi bàn thật nhiều trong các trận đấu sắp tới, chứ không thể trông mong vào hàng thủ nữa. Họ sẽ phụ thuộc rất nhiều vào Ibrahimovic, nhà thể thao số 1 Thụy Điển trong năm 2007 đồng thời là cầu thủ duy nhất của bóng đá Thụy Điển đạt đến đẳng cấp ngôi sao thế giới hiện nay.
“Lọt vào tứ kết không phải là mục tiêu phi thực tế. Chúng tôi có kết quả ngang ngửa với TBN trong 2 trận vòng loại. Chúng tôi cũng phải e dè trước Nga và Hy Lạp. Chúng tôi thường gặp khó khăn trước các đối thủ đá nhanh, nhưng cả 3 đội còn lại trong bảng đều chỉ chơi với tốc độ trung bình. Lagerback sẽ phải chọn được đấu pháp hợp lý trước các đối thủ già dặn kinh nghiệm Rehhagel, Aragones và Hiddink. Một điều quan trọng nữa: chúng tôi phải giữ được sự chắc chắn trong phòng ngự. Phía trên, Ibrahimovic phải thể hiện được kỹ thuật tuyệt vời, và đồng đội phải hỗ trợ tốt cho anh”.
|
TRI KỶ (theo World Soccer)
HLV Lars Lagerback:“Hy vọng đấy là Thụy Điển”

- Đối với ông, thế nào là một kỳ Euro thành công?
- Mục tiêu đầu tiên dĩ nhiên là lọt vào vòng tứ kết. Một mục tiêu khác là thi đấu đúng với khả năng của mình. Chúng tôi phải tự gây dựng uy tín cho mình. Cần nhớ: bạn luôn có thể thua một đối thủ hay hơn dù chính bạn đã chơi rất tốt.
- Ông đánh giá các đối thủ trong bảng như thế nào?
- Theo tôi, Tây Ban Nha là một trong 3 hoặc 4 đội bóng hay nhất thế giới hiện nay. Hy Lạp và Nga ở đẳng cấp ngang với chúng tôi. Điều này có nghĩa là cuộc đua sẽ rất gay cấn, đến tận loạt đấu cuối cùng.
- Theo ông, đội nào là ứng cử viên vô địch?
- Có khoảng 5 hoặc 6 đội ngang nhau, đều đủ sức đoạt chức vô địch. Rồi lại có 5 hoặc 6 đội khác đủ sức gây ra bất ngờ, giống như Hy Lạp tại Euro 2004. Rất khó chỉ ra đâu là ứng cử viên vô địch. Nhưng nếu nhìn lại lịch sử, bạn sẽ nói rằng chức vô địch rồi cũng sẽ rơi vào tay một trong các nền bóng đá lớn.
- Và bất ngờ lớn nhất sẽ thuộc về ai?
- Hy vọng đấy là Thụy Điển.
- Những điểm mạnh chính của Thụy Điển?
- Chúng tôi có sức mạnh tập thể. Chúng tôi được tổ chức tốt. Chúng tôi phòng ngự không tồi và có khả năng phản công. Tôi có trong tay những cầu thủ có thể làm nên khác biệt trong những trận đấu cân bằng, như Zlatan Ibrahimovic. Một điểm mạnh nữa là bầu không khí đồng đội tuyệt vời khi chúng tôi tập trung đội tuyển. Tôi rất hài lòng khi đội tuyển hiện nay có khá nhiều cầu thủ giỏi về tấn công - điều không thường thấy nơi đội Thụy Điển ở các thế hệ trước. Khi Henrik Larsson chia tay đội tuyển, chúng tôi vẫn có khá nhiều chọn lựa cho hàng công (Larsson giờ đã trở lại). Không chỉ có Ibrahimovic, chúng tôi còn có Allback, Elmander, Rosenberg và các cầu thủ khác.
- So với Thụy Điển tại World Cup 2006, đội bóng hiện nay thế nào?
- Không có nhiều khác biệt, nếu như mọi tuyển thủ đều có phong độ tốt.
- Ông nói về công việc huấn luyện của mình như thế nào?
- Nguyên tắc làm việc của tôi là phải chuẩn bị ở mức độ tốt nhất có thể. Chín mươi phần trăm công việc của một HLV nằm ở khâu chuẩn bị chi tiết trước mỗi trận đấu. Triết lý bóng đá của tôi là phải làm sao có được số cầu thủ tối đa tham gia tấn công cũng như tham gia phòng ngự. Đội bóng phải được gầy dựng một cách tốt nhất. Tổ chức và thể lực là những ưu tiên hàng đầu trong cách huấn luyện của tôi. Dù sao đi nữa, tôi vẫn tự hào là có trong tay khá nhiều cầu thủ giỏi. Đội tuyển Thụy Điển hiện nay ghi bàn nhiều hơn so với lúc tôi bắt đầu cầm quân, năm 2000.
B.H (lược dịch)
Olof Mellberg : " Công chúng đang rất kỳ vọng"

- Đội tuyển Thụy Điển đang được tỉa tót như thế nào?
- Nhìn chung là tốt, từ các tiền đạo trở xuống. Chúng tôi đều đã làm việc cật lực và khá thành công trong trận giao hữu với Brazil hồi cuối tháng 3. Chúng tôi không để cho họ có nhiều khoảng trống để khai thác tình huống tấn công. Họ không có nhiều cơ hội ghi bàn. Trận ấy, Brazil có vài quả tạt và vài cơ hội ghi bàn từ pha sút phạt, nhưng cục diện chung là cân bằng và đáng lẽ kết quả phải hòa (thay vì Thụy Điển thua 0-1).
- Mục tiêu của anh tại VCK Euro 2008?
- Chúng tôi cứ việc thẳng tiến. Chúng tôi đã chơi khá tốt trong một thời gian dài. Đây là VCK quan trọng thứ 5 liên tiếp mà Thụy Điển góp mặt. Ở các giải gần đây, chúng tôi đều vượt qua vòng bảng và chỉ hơi kém may mắn ở một số trận để có thể tiến đi xa hơn. Sẽ thật tốt đẹp nếu như kỳ này chúng tôi tiến thêm một bước, thắng thêm vài trận cần thắng. Mục tiêu đầu tiên luôn là vượt qua vòng bảng, ở giải nào cũng vậy.
- Có đúng là chức vô địch Euro 2004 của Hy Lạp đã chứng minh rằng ai cũng có thể đăng quang?
- Điều rõ ràng là các đội bóng nhỏ luôn cần thêm mỗi thứ một ít. Ai cũng cần thêm một chút may mắn, phải chơi thật tốt, mọi cầu thủ đều ở đỉnh cao phong độ, nói chung là cần hết mọi điều kiện. Sẽ rất khó khăn, vì trước mắt họ là các đối thủ rất mạnh. Nhưng Hy Lạp đã chứng tỏ rằng khó mấy cũng vẫn có thể thành công.
- Có đúng là Euro lần này không có đội nào quá vượt trội?
- Có thể là vậy, nhưng vẫn có khoảng 3-4 đội xứng danh ứng cử viên vô địch. Nếu nhìn lại lịch sử, bạn sẽ thấy rằng chức vô địch vẫn dễ thuộc về một trong các cường quốc. Nhưng vòng loại của Euro lần này cho thấy khoảng cách giữa các cường quốc và các đội bóng nhỏ ngày nay đã được rút ngắn.
- Đội nào sẽ vô địch?
- Tôi không biết, quá khó dự đoán.
- Việc Thụy Điển không phải là ứng cử viên vô địch có lợi gì không?
- Vâng, cũng có chút thuận lợi. Nhưng chúng tôi đã tự gây áp lực với chính mình. Mặt khác, công chúng Thụy Điển đang rất kỳ vọng vào Euro lần này, vì những kết quả mà chúng tôi đạt được ở các giải lớn gần đây.
- Nghĩa là nếu chỉ chơi tốt mà không qua được vòng bảng, giới hâm mộ Thụy Điển vẫn không hài lòng?
- Đúng vậy. Vì chúng tôi đã nhiều lần vào đến giai đoạn knock-out ở các giải trước.
BẢO HUY (lược dịch)
Chiến thuật ưa thích của Thụy Điển: 4-1-3-2: Tùy thuộc 3 tiền vệ công

Ibrahimovic (trái) di chuyển khá tự do
HLV Lars Lagerback vốn bảo thủ và thích dùng những cầu thủ đã có kinh nghiệm. Điều này có nghĩa: ông sẽ bám chặt vào sơ đồ 4-1-3-2. May cho Lagerback: nguy cơ ban đầu - khả năng mất Tobias Linderoth - nay không còn nữa.
Từ chỗ gần như chắc chắn vắng mặt vì chấn thương, Linderoth nay đã bình phục. Anh là chốt chặn rất quan trọng ở hàng tiền vệ. Dù sao đi nữa, Lagerback cũng đã dự phòng tình huống không có Linderoth. Khi ấy, ông sẽ dùng Kim Kallstrom, cầu thủ có xu hướng chơi cao hơn.
Ở hàng phòng ngự, Thụy Điển đã mất hậu vệ trái Erik Edman. Giải pháp của Lagerback là điều Mikael Nilsson từ biên phải sang. Fredrik Stoor đành chấp nhận vai hậu vệ phải - vị trí xưa nay luôn có vấn đề trong đội hình Thụy Điển.
Sức mạnh truyền thống của Thụy Điển - phòng thủ chắc chắn và có tổ chức, thể lực tốt và tinh thần đồng đội tuyệt vời - nhìn chung là vẫn đảm bảo để Lagerback yên tâm đi tìm những giá trị khác. Ông sẽ lựa chọn một phương án phản công tối ưu.
Gần như tất cả sẽ phụ thuộc vào bộ ba tiền vệ công. Nếu bảo đảm thể lực, Fredrik Ljungberg sẽ hoạt động hiệu quả từ cánh trái đến khu vực giữa sân. Anders Svensson đứng giữa, thường phối hợp khá thông minh với Ljungberg. Còn cánh phải sẽ thuộc về Christian Wilhelmsson.
Người đá cặp với trung vệ Olof Mellberg có thể là Daniel Majstorovic, dù Petter Hansson luôn chực chờ cơ hội vào sân. Chiến thuật của hàng phòng ngự Thụy Điển là luôn tìm cách đẩy pha tấn công của đối phương ra biên, nơi các khoảng trống luôn bị giới hạn.
Trên hàng tiền đạo, ngôi sao Zlatan Ibrahimovic thường di chuyển khá tự do, khác hẳn tiền đạo còn lại là Marcus Allback, người chỉ tỏ ra hiệu quả trong khu 16m50. Tuy khu vực hoạt động khá hạn hẹp, nhưng bù lại, Allback lại có lối chơi thông minh trong chỗ chật.
Johan Elmander và Markus Rosenberg sẽ là những phương án dự phòng trong trường hợp Allback chơi kém hiệu quả.
Cuối cùng, điều mà bản thân Lagerback không mấy mong đợi bỗng nhiên trở thành hiện thực: lão tướng Henrik Larsson trở lại đội tuyển. Tất nhiên, Larsson khó có khả năng đá chính.
TRI KỶ
(SGGP TT)